TNO

Vì sao các khách sạn không có phòng số 4, 13, 420...?

27/04/2016 17:34 GMT+7

(iHay) Có nhiều điều kiêng kỵ mà những người đang kinh doanh trong lĩnh vực khách sạn nhắc nhở nhau nên tránh.

(iHay) Có nhiều điều kiêng kỵ mà những người kinh doanh trong lĩnh vực khách sạn nhắc nhở nhau nên lưu ý tuân thủ nghiêm ngặt.

>> Sao Việt và '18 điều kiêng kỵ trong tháng cô hồn'

Những cái kỵ trong kinh doanh ngành khách sạn
Không có số phòng 420 ở nhiều khách sạn nước ngoài - Ảnh: Chụp từ mạng chia sẻ ảnh Imgur
Bí ẩn số 4, 13 và 420
Tùy mức độ tin tưởng vào những điềm gở do những con số này mang lại mà người chủ khách sạn quyết định dùng hay loại bỏ chúng ra khỏi hệ thống phòng của mình.
Chẳng hạn số 13 là con số xui xẻo theo quan niệm của người Phương Tây. Họ cũng không thích phòng có số 13 hoặc tầng 13. Thay vào đó, họ sẽ đặt lại tên tầng thành 12B hoặc 12+1 hoặc bỏ luôn tầng 13. Tuy nhiên, việc bỏ số phòng thì dễ chứ bỏ số tầng lại hạn chế hơn. Lí do là vì hệ thống thang máy mà họ đặt mua từ các nhà sản xuất đã được thiết kế sẵn mà người làm thang máy không cùng... kiêng kỵ như người kinh doanh khách sạn. Nếu muốn có số tầng như ý muốn thì chủ khách sạn đó phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để thay đổi hệ thống.
Số 420 cũng được ngành kinh doanh khách sạn ở Mỹ và một số nước châu Âu đưa vào "danh sách đen" bởi lẽ chúng luôn đem đến phiền phức liên quan đến cần sa và ma túy. Phiền toái bắt đầu nảy sinh vào năm 1970, khi một nhóm sinh viên đại học California, Mỹ bắt đầu lén lút tụ tập hút cần sa lúc 4 giờ 20 chiều. Ngày 20.4 sau đó được các tín đồ cần sa ăn mừng theo nhiều cách khác nhau mà phổ biến nhất là lấy cắp biển số phòng 420 ở khách sạn để kỷ niệm.
Những cái kỵ trong kinh doanh ngành khách sạn 2Nhiều phòng khách sạn ở Mỹ phải viết tránh con số 420 như thế này - Ảnh: Chụp từ mạng chia sẻ ảnh Imgur
Ngoài ra, phải kể đến con số 4. Cách phát âm của nó theo tiếng Hán gần giống với từ “Tử” (nghĩa là chết), tức là mang lại điềm gở. Ở Trung Quốc và một số nước có dùng chữ Hán như Nhật Bản, Việt Nam, người ta thường kiêng số 4 là vì thế. Ông Trần Văn Vinh – Giám đốc kiêm chủ sở hữu hệ thống khách sạn Diamond Suite ở TP.HCM cho biết: “Nhiều khách sạn tại Nhật hoặc tại Việt Nam có chủ đầu tư là người Nhật cũng khuyết mất những căn phòng số 4. Ví dụ từ phòng 103 rồi tới 105 luôn, và nếu được họ sẽ bỏ luôn tầng 4”.
Đặt giường nghiêng
Với những người chủ hoặc quản lý khách sạn thì điều cấm kỵ nữa là không được để những chiếc giường ngủ bị nghiêng, dù góc độ nhỏ đi nữa. Vì như thế rất chông chênh cho chiếc giường và cho cả cơ đồ của chính cái khách sạn đó. Vì thế khi cần dọn dẹp, sửa sang hoặc bày trí lại phòng ốc, người ta phải đặt giường thẳng dưới đất hoặc úp lại hay tháo rời các bộ phận ra chứ không bao giờ lật nghiêng giường. Đây là một kiểu kiêng kỵ của người phương Đông, đặc biệt là những ông chủ người Hoa.
Cửa khách sạn hướng thẳng ra ngã ba
Quan niệm phương Đông cũng góp thêm một điều cấm kỵ nữa là khi chọn mua đất xây khách sạn, không được để cửa khách sạn hướng thẳng ra ngã ba. Họ tin rằng ngã ba là nơi tập trung của các oan hồn, nếu hướng ra đó, oan hồn dễ theo vào nhà nên cũng khó mà ăn nên làm ra!
Ngoài ra, nếu cửa phòng khách sạn để hướng đối diện nhìn thẳng vào thì tốt nhất nên treo thêm một biển bát quái để trấn yểm và ngăn chặn cái nhìn soi mói của nhiều đối tượng từ bên ngoài.
Ngoài ra, còn số một điều kỵ khác như tránh đầu tư xây khách sạn trên những miếng đất “đầu voi đuôi chuột”, cần chọn hướng nhà phù hợp với tuổi, chọn người quản lý hợp tuổi với chủ khách sạn để tạo thêm vận may... Tuy nhiên, những quan niệm kiêng kỵ này chủ yếu tồn tại ở những chủ khách sạn người Hoa hoặc người đã lớn tuổi và đôi khi cũng “lợi bất cập hại”. Bởi vì nếu quá chú trọng đến vấn đề tâm linh mà bỏ qua những kiến thức phong thủy cơ bản sẽ khiến cho không gian tù túng, thiếu ánh sáng và không thuận tự nhiên; quá quan tâm đến việc hợp tuổi mà không đánh giá đúng năng lực của nhân viên thì công việc cũng không thể suôn sẻ được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.