Vì sao các HLV nội chưa mặn mà với ghế HLV đội tuyển quốc gia?

07/04/2024 08:46 GMT+7

Trong khoảng 30 năm qua, chỉ có 3 HLV nội chính thức nắm đội tuyển Việt Nam, gồm các ông Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc và Nguyễn Hữu Thắng, cả ba đều thất bại.

Mới nhất, HLV Chu Đình Nghiêm của CLB Hải Phòng từ chối dẫn dắt đội tuyển Việt Nam. Ông Nghiêm thừa nhận ông chưa thích hợp để dẫn dắt đội tuyển Việt Nam vào lúc này.

Trước HLV Chu Đình Nghiêm, người được cho là phù hợp nhất, cả về năng lực chuyên môn lẫn danh tiếng để dẫn dắt đội tuyển quốc gia, đó là HLV Lê Huỳnh Đức cũng không ít lần từ chối khéo vị trí này.

Những ứng viên nào sẽ thay thế HLV Philippe Troussier tại U.23 và đội tuyển Việt Nam?

Vì sao các HLV nội chưa mặn mà với ghế HLV đội tuyển quốc gia?- Ảnh 1.

HLV Chu Đình Nghiêm từ chối dẫn dắt đội tuyển Việt Nam

Minh Tú

Kể từ khi bóng đá Việt Nam có HLV ngoại hồi năm 1995 (dưới thời HLV người Brazil Tavares), gần 30 năm, chỉ mới có 3 HLV nội chính thức dẫn dắt đội tuyển quốc gia, đó là các ông Phan Thanh Hùng (năm 2012), Hoàng Văn Phúc (từ giữa năm 2013 đến giữa năm 2014) và Nguyễn Hữu Thắng (từ tháng 3.2016 đến tháng 8.2017).

Điểm chung của các HLV này là họ đều thất bại, cho dù trước hoặc sau khi nắm đội tuyển quốc gia, họ đều có danh hiệu vô địch V-League. Riêng HLV Phan Thanh Hùng được đánh giá là một trong những HLV giỏi nhất của bóng đá Việt Nam suốt nhiều năm qua, nhưng vẫn không thể thành công ở đội tuyển quốc gia.

Xen giữa khoảng thời gian từ năm 1994 đến 2024, một số HLV nội cũng giữ vị trí HLV đội tuyển Việt Nam, nhưng chỉ tạm quyền. Số này có các ông Trần Duy Long (1997), Lê Đình Chính (1997), Nguyễn Thành Vinh (2004), Trần Văn Khánh (2005), Mai Đức Chung (2012 và 2017), Nguyễn Văn Sỹ (2013).

Chỉ có các HLV Trần Duy Long và Mai Đức Chung để lại đôi chút ấn tượng trong thời gian giữ vị trí HLV tạm quyền của đội tuyển. Với ông Trần Duy Long, đó là trận đấu thuộc vòng loại World Cup 1998, đội tuyển Việt Nam dù thua Trung Quốc 1-3 trên sân Thống Nhất (TPHCM) hồi năm 1997. Việc đội tuyển Việt Nam ghi bàn vào lưới Trung Quốc thời điểm đó vẫn là bất ngờ rất lớn.

Còn ấn tượng mà HLV Mai Đức Chung để lại là 2 trận thắng Campuchia ở vòng loại Asian Cup 2018, trong thời điểm bóng đá Việt Nam sa sút nghiêm trọng sau thời HLV Nguyễn Hữu Thắng.

Số lượng HLV nội chính thức dẫn dắt đội tuyển Việt Nam quá ít so với các HLV ngoại từng làm công việc tương tự, gồm các ông Tavares (người Brazil, 2 lần, vào các năm 1995 và 2004), Karl Heinz Weigang (Đức, 1995–1997), Colin Murphy (Anh, 1997–1998), Alfred Riedl (Áo, 3 lần: 1998–2000, 2003 và 2005–2007), Dido (Brazil, 2000–2001), Henrique Calisto (Bồ Đào Nha, 2 lần: 2002 và 2008–2011), Falko Goetz (Đức, 2011–2012), Toshiya Miura (Nhật Bản, 2014–2016), Park Hang-seo (Hàn Quốc, 2017–2023) và Philippe Troussier (Pháp, 2023–2024).

Theo HLV Trần Công Minh, các HLV nội không thành công vì: "Bản thân các HLV nội càng ngày càng giỏi, họ càng ngày càng giàu bản lĩnh. Nhưng ngay ở thời điểm hiện tại, các HLV nội vẫn chưa thích hợp dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, nguyên nhân là vì HLV nội dễ bị mang tiếng thiên vị, dễ bị mang tiếng chịu sự tác động của giới bóng đá trong nước xung quanh các quyết định lựa chọn nhân sự.

‘Soi’ profile 2 ứng viên người Hàn Quốc có thể thay thế ông Troussier ở đội tuyển Việt Nam

Chắc chắn những nhà chuyên môn không có ý thiên vị ai hết, nhưng người ngoài vẫn cứ nhìn vào rồi áp đặt suy nghĩ đấy cho họ. Vì thế, riêng ở thời điểm hiện tại, HLV ngoại vẫn thích hợp để dẫn dắt đội tuyển quốc gia hơn HLV nội".

Vì sao các HLV nội chưa mặn mà với ghế HLV đội tuyển quốc gia?- Ảnh 2.

HLV Lê Huỳnh Đức không mặn mà với ghế HLV đội tuyển Việt Nam

Bá Duy

Nguyên nhân khác khiến các HLV nội, nhất là các HLV đang có chỗ đứng ở các CLB trong nước, không mặn mà lên đội tuyển quốc gia, đó là công việc ở CLB của họ ổn định hơn, ít áp lực, tổng thu nhập cao hơn hẳn.

Ngoài tiền lương khá cao, các HLV nội khi dẫn dắt các CLB trong nước còn có thêm nhiều nguồn thu nhập khác như tiền thưởng sau từng trận thắng và thưởng sau thành tích chung của mùa giải, tiền lót tay khi ký hợp đồng, và có thể có những khoản thu nhập khác sau các bản hợp đồng chuyển nhượng cầu thủ…

Trong khi đó, ở cấp độ đội tuyển quốc gia, chỉ có HLV ngoại là được trả lương cao chót vót (như HLV Troussier nhận lượng khoảng 1,5 tỉ đồng/tháng, HLV Park Hang-seo nhận lương khoảng 1,1 tỉ đồng/tháng, sau thuế). Riêng các HLV nội khi lên đội tuyển mức lương chỉ bằng một phần rất nhỏ so với HLV ngoại, trong khi áp lực trong công việc như nhau.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.