Vì sao Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Cà Mau vắng bệnh nhân?

Gia Bách
Gia Bách
07/07/2023 13:01 GMT+7

Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Cà Mau được xây dựng với kinh phí gần 195 tỉ đồng, nhưng 6 tháng năm 2023 chỉ có hơn 2.000 bệnh nhân đến khám.

Tại kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh Cà Mau khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026, trong ngày làm việc thứ 2 (ngày 6.7), đại biểu Nguyễn Đức Tiến, Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Cà Mau, nêu một số khó khăn, vướng mắc về quy định khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) và cơ chế tài chính tại Bệnh viện (BV) Lao và Bệnh phổi tỉnh này, dẫn tới tình trạng vắng bệnh nhân đến khám.

Vướng mắc quy định khám chữa bệnh BHYT

Theo ông Tiến, BV Lao và Bệnh phổi tỉnh Cà Mau là BV chuyên khoa hạng 3 tuyến tỉnh (tuyến hai). Theo quy định, BV không được phân tuyến là nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu cho bệnh nhân có BHYT.

Cà Mau: Bệnh viện xây dựng 194 tỉ đồng nhưng vắng bệnh nhân đến khám - Ảnh 1.

BV Lao và Bệnh phổi Cà Mau được xây dựng với kinh phí gần 195 tỉ đồng

G.B

Bệnh nhân có BHYT muốn khám chữa bệnh ngoại trú phải có giấy chuyển viện từ cơ sở khám chữa bệnh ban đầu (BV tuyến huyện, phòng khám đa khoa…). Nhưng chuyên khoa bệnh phổi, nhiều cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh khám và điều trị được nên ít chuyển bệnh nhân đến BV Lao và Bệnh phổi để khám, điều trị.

"Người dân có BHYT muốn đến khám chuyên khoa tại BV còn gặp khó khăn. Từ đó, ảnh hưởng lớn đến việc thu hút bệnh nhân đến khám, điều trị. Số lượt bệnh nhân khám, chữa bệnh BHYT còn ít, việc này đồng nghĩa với việc ảnh hưởng đến nguồn thu của BV", ông Tiến nói.

Cũng theo ông Tiến, do số lượng bệnh nhân đến khám ít nên các dịch vụ để tăng thu nhập cho BV như bãi giữ xe, căn tin... đã đấu thầu 2 lần nhưng hiện vẫn không có người tham gia; số lượng khám, điều trị tại BV trong 6 tháng đầu năm chỉ hơn 2.000 người.

Theo Nghị quyết số 07 năm 2021 của HĐND tỉnh Cà Mau, định mức phân bổ cho khám, chữa bệnh theo tiêu chí giường bệnh đối với BV hạng 3 (tuyến tỉnh) được phân bổ 24 triệu đồng/giường bệnh/năm dự toán thu năm 2023, tương đương 2,8 tỉ đồng. Thế nhưng, theo báo cáo của BV và qua rà soát, đối chiếu các nguồn thu ngân sách đã cấp, nếu không xem xét cấp bổ sung thì BV không đủ kinh phí để chi trả lương, các khoản phụ cấp và các khoản đóng góp theo lương từ tháng 6 đến đến cuối năm.

Do đó, ông Tiến kiến nghị UBND tỉnh cần có kiến nghị Trung ương sửa đổi, cho phép việc khám, chữa bệnh BHYT tại tuyến 2 (BV hạng 3 chuyên khoa tuyến tỉnh) khi bệnh nhân đến khám đúng chuyên khoa thì không cần phải có giấy chuyển viện của tuyến 3 (BV, trung tâm y tế, phòng khám đa khoa…).

Đặc biệt, xem xét BV Lao và Bệnh phổi là đơn vị có tính đặc thù để có cơ chế phân bổ kinh phí phù hợp, nhằm đảm bảo BV hoạt động trong giai đoạn đầu mới thành lập và để có lộ trình BV nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thu hút bệnh nhân và từng bước thực hiện tốt tự chủ tài chính theo quy định.

Giám đốc BV từng gọi điện "xin" bệnh 

Bác sĩ Trần Hiến Khóa, Giám đốc BV Lao và Bệnh phổi tỉnh Cà Mau, xác nhận BV đang nợ lương tháng 6 của nhân viên. BV đã có tờ trình gửi Sở Y tế về nhu cầu kinh phí bổ sung thêm để đảm bảo tiền lương năm 2023 với số tiền 5,5 tỉ đồng (chưa kể chi phí hoạt động khác).

Cà Mau: Bệnh viện xây dựng 194 tỉ đồng nhưng vắng bệnh nhân đến khám - Ảnh 3.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, BV Lao và Bệnh phổi tỉnh Cà Mau chỉ có trên 2.000 bệnh nhân đến khám

G.B

Trước đó, trao đổi với PV Thanh Niên, bác sĩ Khóa chia sẻ: "Bệnh nhân tự đến không xài được BHYT nên bỏ về và không đến nữa. Các ca chuyển viện phần lớn là BV tuyến dưới và trung tâm y tế chuyển đến BV đa khoa Cà Mau, chứ không chuyển cho BV chúng tôi. Hỏi thì họ nói do trước giờ quen. Để có bệnh nhân cho BV hoạt động, tôi gọi điện đến các BV và trung tâm y tế 'xin' bệnh nhân. 'Xin' nếu có chuyển bệnh thì chuyển cho BV Lao - Bệnh phổi, các đơn vị đều đồng ý nhưng nói từ từ, sẽ cố gắng chuyển cho chúng tôi vì đã quen chuyển đến BV đa khoa Cà Mau như trước giờ".

Ông Lâm Văn Bi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau thông tin, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở ngành rà soát lại đề án, phương án tự chủ về tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập nhà nước. Đặc biệt các cơ sở y tế công lập cũng phải tính toán lại phương án tự chủ về tài chính.

BV Lao và Bệnh phổi Cà Mau có 4 phòng chuyên môn và 7 chuyên khoa chuyên môn, quy mô điều trị 100 giường bệnh (năm 2022 ngân sách cấp cho quy mô 80 giường bệnh). BV có tổng số 90 cán bộ nhân viên, y, bác sĩ, điều dưỡng... Nhưng khi đưa vào hoạt động, BV kiêm nhiệm quản lý, điều hành bệnh viện dã chiến số 3, điều trị cho bệnh nhân Covid-19, các bệnh nhân ở đây đa số phân tầng bệnh ở tầng 1, 2.

Đến tháng 6.2022, BV chuyển công năng từ BV dã chiến số 3 điều trị bệnh nhân Covid-19 để điều trị bệnh nhân lao phổi, bệnh phổi, bệnh nhân hậu Covid-19. Những tháng cuối năm 2022, BV có số bệnh nhân điều trị nội trú dao động từ 30 - 35 người, bệnh nhân ngoại trú đến khám bình quân mỗi ngày khoảng 25 người.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.