Vì sao bánh mì là món ăn 'quốc dân'?

09/10/2022 06:06 GMT+7

Du nhập vào VN nhưng bánh mì đã có một hành trình kỳ lạ, kéo dài hàng trăm năm để trở thành món ăn 'quốc dân'.

Không chỉ quen thuộc với hầu hết mọi người, tạo sinh kế cho hàng triệu hộ kinh doanh cá thể, bánh mì còn là “nhân chứng lịch sử” cho sự phát triển của nhiều ngành kinh tế mũi nhọn trong nước.

Thập niên 1990, khi ngành du lịch trong nước bắt đầu bùng nổ, thực đơn mà hầu hết những người đi tham quan tự trang bị cho mình và gia đình là bánh mì (sang thì có thêm chả lụa ăn kèm). Rẻ, gọn, tiện trong di chuyển và sử dụng, bánh mì trở thành lựa chọn hàng đầu của tất cả mọi người. Thậm chí trên boong tàu ra vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) thời điểm đó thường có một biểu tượng không thể quên của ngành du lịch VN: túi ni lông đựng bánh mì và giò chả.

Bánh mì Sài Gòn và những biến tấu lạ

Giờ thì bánh mì đã có mặt ở những bàn tiệc cao cấp nhất, kết hợp với các nguyên liệu hảo hạng nhất để trở thành món khai vị hay món chính. Song hành với nó, du lịch VN hơn 2 thập niên qua cũng có bước phát triển ngoạn mục với nhiều dự án, công trình được thế giới vinh danh, thu hút hàng chục triệu du khách quốc tế mỗi năm. Rồi chính họ lại lan truyền, bình chọn cho bánh mì VN vào top các món ăn đường phố ngon nhất thế giới. Nên nói bánh mì là một trong các “chứng nhân lịch sử” của ngành du lịch nội địa cũng không hề quá lời.

Là món ăn được biến tấu nhiều nhất, đầu vào của hàng loạt các loại thực phẩm thiết yếu, những chiếc bánh mì nhỏ bé, giản dị đã tạo ra cả một ngành công nghiệp - dịch vụ xung quanh nó, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động và trở thành món ăn không thể thiếu trong đời sống ẩm thực của người Việt.

Đặc biệt, trong thời điểm gay cấn nhất của đại dịch thế kỷ Covid-19, bánh mì VN lại một lần nữa vang danh thế giới khi tham gia “giải cứu” nông sản với sản phẩm bánh mì thanh long của “vua bánh mì” VN Kao Siêu Lực. Chuyện xảy ra vào đầu năm 2020 khi thanh long ruột đỏ được nông dân ở nhiều địa phương trong cả nước thu hoạch rộ, với sản lượng rất lớn nhưng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, Trung Quốc tạm đóng cửa khẩu, nên bị tồn đọng, rớt giá, khiến họ rơi vào cảnh khó khăn. Trước tình hình đó, ông Kao Siêu Lực đã nghiên cứu và chế biến thành công sản phẩm “bánh mì thanh long”.

Nhờ thế, người dân TP.HCM cũng như nhiều tỉnh, thành trên cả nước có cơ hội tham gia vào cuộc “giải cứu” nghĩa tình, đậm đà bản sắc văn hóa của người Việt này. Rất nhiều cơ quan truyền thông quốc tế đã đưa tin về chiếc bánh mì độc đáo, nhân văn của VN khi đó. Nhưng thực ra từ rất lâu rồi, những thùng bánh mì miễn phí ở góc phố TP.HCM dành cho người nghèo, người vô gia cư... đã lan tỏa truyền thống lá lành đùm lá rách của người Việt đi khắp bốn phương.

Bánh mì Việt Nam: Từ xe đẩy vỉa hè đến món ăn nổi tiếng thế giới

Mỗi đất nước, mỗi quốc gia đều có những món ăn mang đậm bản sắc dân tộc mình. Ẩm thực của nhiều nước cũng chinh phục thế giới vì sự độc đáo khác lạ. Thế nhưng, để một món ăn du nhập vào một đất nước, trải qua hàng trăm năm thăng trầm lịch sử và trở thành món ăn quốc dân của đất nước đó, rồi chính món ăn đó lại đi ra, chinh phục quốc tế bằng bản sắc, bằng văn hóa của nước sở tại thì có lẽ chỉ có bánh mì VN. Hành trình kỳ lạ và đặc biệt này có được bởi bánh mì VN là sự kết hợp hài hòa giữa tinh hoa ẩm thực dân tộc với nền ẩm thực thế giới và phủ trên tất cả là văn hóa, là truyền thống, là con người VN. Có “một ngàn lẻ một” câu chuyện thú vị về bánh mì, có hàng vạn số phận gắn bó với bánh mì và có hàng triệu, triệu người là tín đồ của bánh mì VN...

Tất cả những điều đó vẫn đang viết tiếp hành trình cho bánh mì VN...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.