Vì Iran, Israel sẽ cung cấp vũ khí phòng không cho Ukraine?

13/11/2022 14:53 GMT+7

Việc Iran và Nga hợp tác chặt chẽ hơn về quân sự sẽ thúc đẩy Israel cung cấp các hệ thống vũ khí mà nước này đến nay vẫn chưa muốn cung cấp cho Ukraine, theo một nhà ngoại giao của Kyiv.

Áp lực đang gia tăng đối với Israel trong việc cung cấp vũ khí giúp Ukraine phòng thủ, giữa lúc Nga tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng dân sự của nước láng giềng bằng máy bay không người lái (UAV) cảm tử, theo báo The Wall Street Journal (WSJ).

Trong những tuần gần đây, Nga đã sử dụng máy bay không người lái được cho là mua từ Iran, đối thủ lâu năm của Israel, trong chiến dịch không kích mà Kyiv nói đã ảnh hưởng đến hơn 40% lưới điện của Ukraine. Các quan chức quốc phòng Ukraine cho rằng vũ khí của Israel có thể đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại các cuộc tấn công của Nga và hy vọng đồng minh của Mỹ sẵn sàng hợp tác.

Từ chối cung cấp "Vòm Sắt" phòng không cho Ukraine, Israel nói gì?

Ông Yevgen Korniychuk, đại sứ Ukraine tại Israel, nói ông cảm thấy Israel có thể sẽ thay đổi chiến lược khi ông Netanyahu trở lại ghế thủ tướng. Trong chiến dịch tranh cử, ông Netanyahu cho biết ông sẽ cân nhắc việc cung cấp thêm hỗ trợ về quân sự cho Ukraine nếu tái đắc cử.

"Sự hợp tác mới giữa Iran và Nga trong lĩnh vực quân sự sẽ thúc đẩy Israel hợp tác chặt chẽ hơn với Ukraine để chống lại kẻ thù chung", tờ WSJ dẫn lời ông Korniychuk trong tường thuật ngày 12.11.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gần đây cho biết trên Twitter rằng ông hy vọng việc ông Netanyahu trở lại nắm quyền sẽ mở ra một "trang mới trong hợp tác" giữa hai nước. Tổng thống Israel Isaac Herzog dự kiến trao quyền thành lập chính phủ liên minh tiếp theo cho ông Netanyahu vào ngày 13.11.

Ông Zelensky (trái) và ông Netanyahu năm 2019

văn phòng tổng thống ukraine

Ông Zelensky đã gọi cho ông Netanyahu sau cuộc bầu cử để chúc mừng chiến thắng của chính trị gia kỳ cựu và bày tỏ hy vọng ông sẽ thay đổi các tính toán quân sự của Israel. Ông Netanyahu đã tái khẳng định cam kết đánh giá lại chính sách của Israel đối với Ukraine.

Trong khi trọng tâm trong đề nghị của Kyiv là hệ thống phòng không Vòm Sắt (Iron Dome), Israel có một số vũ khí phòng không khác có thể giúp Ukraine bảo vệ không phận của mình. Vòm Sắt được thiết kế chủ yếu để vô hiệu hóa tên lửa tầm ngắn và UAV cỡ nhỏ, không phải các loại tên lửa tầm xa hơn và UAV lớn hơn mà Nga đang sử dụng ở Ukraine. Kyiv cũng quan tâm đến việc mua hệ thống tên lửa đất đối không Barak-8 của Israel, được thiết kế để chống lại tên lửa, UAV và máy bay đang bay tới.

Ukraine đề nghị Mỹ viện trợ tổ hợp pháo phòng không C-RAM để chống UAV

Các quan chức Israel cho biết nguồn cung vũ khí phòng không của nước này cũng có giới hạn và họ phải tính toán để có thể bán mà không gây nguy hiểm cho nhu cầu an ninh của chính mình.

Phát biểu tại trụ sở Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào tháng trước, tướng Mark Milley, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cho biết Israel có các công nghệ quân sự có thể giúp Ukraine, nhưng không đề cập đến Vòm Sắt hoặc các hệ thống phòng thủ khác của Israel.

Hệ thống Vòm Sắt của Israel đánh chặn rốc két từ Dải Gaza hồi tháng 5

reuters

Moscow đã lên tiếng cảnh báo Israel không nên cung cấp vũ khí cho Ukraine. Tháng trước, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, hiện là phó chủ tịch Hội đồng An ninh liên bang, cho biết bất kỳ động thái nào của Israel nhằm tăng cường sức mạnh cho Kyiv sẽ phá hủy toàn bộ quan hệ song phương giữa hai nước.

Từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ đến nay, Israel đã không đáp ứng lời kêu gọi của Ukraine về việc cung cấp các công nghệ phòng không mà Israel đã sử dụng để tự vệ trước tên lửa tầm ngắn và UAV cỡ nhỏ chủ yếu đến từ các chiến binh Palestine ở Dải Gaza.

Ukraine "xin" UAV tối tân, vì sao Mỹ không cho?

Các quan chức Israel lo ngại việc gửi vũ khí cho Ukraine có thể phá vỡ một thỏa thuận ngừng bắn phức tạp mà Israel đã dàn xếp với Moscow ở Syria, nơi các lực lượng Nga và Iran đang hỗ trợ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Israel đã thường xuyên ném bom lực lượng Iran ở đó, đồng thời nỗ lực tránh va chạm với quân Nga, việc phải cần đến sự hợp tác của Moscow.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng hợp tác quân sự chặt chẽ hơn giữa Nga với Iran ở Ukraine khiến Israel khó lòng từ chối Kyiv thêm nữa, vì cuộc xung đột đang nhanh chóng trở thành địa bàn thực tế mới để Iran chứng minh trình độ vũ khí của mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.