Vì đâu rừng Lâm Đồng tan hoang ?: Rừng cộng đồng 'chia năm xẻ bảy'

27/05/2020 07:29 GMT+7

Rừng tự nhiên ở Lâm Đồng không chỉ bị triệt hạ bởi nhiều chủ đầu tư 'núp bóng' dự án, 'lâm tặc', mà còn bị 'chia năm xẻ bảy' khi giao cho cộng đồng quản lý, bảo vệ...

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, sau khi thống nhất chủ trương, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định 22 năm 2010 kèm Quy chế giao rừng cho cộng đồng dân cư thôn, buôn trên địa bàn. Mục đích giao rừng để cộng đồng dân cư quản lý bảo vệ, khoanh nuôi, trồng rừng, sản xuất nông lâm kết hợp, hưởng lợi từ rừng góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống. Một trong những điều kiện bắt buộc cần và đủ để giao đất rừng, đó là chỉ giao cho cộng đồng dân cư tại chỗ, nhưng ưu tiên là đồng bào dân tộc thiểu số và những hộ nghèo trên địa bàn.
Thế nhưng, thực tế quá trình thực hiện xảy ra nhiều khuất tất, thậm chí có vụ còn “dính” đến cán bộ xã, huyện...

Ngôi nhà của ông Giáp Văn Thống dựng trái phép tại TK 438A

Duyệt một đằng, giao một nẻo

Tính đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng có 10 dự án rừng cộng đồng với tổng diện tích hơn 2.600 ha. Riêng tại H.Bảo Lâm có 4 cộng đồng được giao tổng cộng gần 1.100 ha rừng, đất rừng ở xã Lộc Nam (2), xã Lộc Phú (1), Lộc Bắc (1). Cả 4 rừng cộng đồng này ngay sau khi bàn giao thì rừng tự nhiên liền rơi vào “chu kỳ” bị tàn phá, “xóa trắng” để biến thành trang trại cà phê. Không chỉ để mất rừng, tại H.Bảo Lâm còn xảy ra tình trạng hồ sơ phê duyệt một đằng, khi ra quyết định giao đất, giao rừng lại giao một nẻo.
Cụ thể, cộng đồng thôn 4, xã Lộc Phú, theo danh sách được UBND H.Bảo Lâm phê duyệt có 9 hộ, do ông Nguyễn Đức Dạo làm tổ trưởng. Ngày 25.9.2013, ông Vương Khả Kim, Chủ tịch UBND H.Bảo Lâm, ra Quyết định số 4124 giao hơn 231 ha rừng, đất rừng tại tiểu khu (TK) 438A và TK 439 để cộng đồng nhóm hộ thôn 4 quản lý bảo vệ, trồng rừng và sản xuất nông lâm kết hợp. Sau nhiều năm rừng bị phá tan hoang, UBND H.Bảo Lâm chỉ đạo xác minh. Đến tháng 8.2019, kết luận thanh tra của UBND H.Bảo Lâm về quản lý, bảo vệ rừng cộng đồng thôn 4, nêu rõ: “Từ khi được giao đất giao rừng, chỉ có 2 hộ Nguyễn Đức Dạo và Phạm Quang Thọ quản lý và thực hiện phương án, 7 hộ đồng bào dân tộc có đăng ký nhưng không tham gia thực hiện ngay từ đầu, nên không đảm bảo tính chất cộng đồng dân cư theo quy định tại khoản 12, điều 3 luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 (nay là khoản 24, điều 2 luật Lâm nghiệp năm 2017”.
Tương tự, nhóm hộ cộng đồng thôn 1, xã Lộc Nam, theo phương án được Sở NN-PTNT Lâm Đồng phê duyệt gồm 14 hộ nhận rừng, do ông K’Đản (thôn 1, xã Lộc Nam) làm nhóm trưởng. Nhưng vào tháng 2.2015, ông Vương Khả Kim (đến tháng 8.2015, ông Kim nghỉ hưu) ký quyết định lại giao cho ông Nguyễn Duy Minh (ngụ đường Tô Hiệu, P.Lộc Sơn, TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng) làm đại diện, dù ông Minh không thuộc cộng đồng thôn 1, và chỉ có 6 hộ (trong danh sách 14 hộ được phê duyệt ban đầu) nhận rừng. Việc giao này “đi ngược” chủ trương của UBND tỉnh Lâm Đồng. Thế nhưng người ký quyết định giao rừng cộng đồng sai đối tượng vẫn không phải chịu trách nhiệm gì. Còn hậu quả hàng trăm héc ta rừng biến thành vườn cà phê thì Sở NN-PTNT chỉ kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo rất chung chung như “làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc để mất rừng đã giao cho các cộng đồng, xử lý hoặc kiến nghị cấp thẩm quyền xử lý theo quy định”(!)
Vì đâu rừng Lâm Đồng tan hoang ?: Rừng cộng đồng “chia năm xẻ bảy”

Rừng cộng đồng ở Bảo Lâm tiếp tục bị cưa hạ. Lực lượng chức năng dẫu có kiểm tra nhưng không xử lý rốt ráo

Vô tư sang nhượng đất rừng cộng đồng

Tại TK 438A và TK 439 có 9 trường hợp không thuộc cộng đồng thôn 4 (xã Lộc Phú) nhưng đang canh tác sản xuất trên đất rừng cộng đồng. Ông L.V.B cho PV Thanh Niên biết để được quản lý, bảo vệ 5 ha đất rừng xen keo, ông phải đưa cho ông Nguyễn Văn Dũng (bố ông Dạo) và Nguyễn Văn Khánh (cán bộ tư pháp xã Lộc Phú, chú ruột ông Dạo) số tiền 160 triệu đồng. Còn ông H.V.H thừa nhận mua lô đất (không rõ diện tích) tại lô e và lô b, khoảnh 4 TK 439 của ông Dũng và ông Khánh với giá 290 triệu đồng.
Nghiêm trọng hơn, trường hợp ông Phạm Tấn Hùng (ngụ TP.Bảo Lộc, cán bộ một ngân hàng, không phải người dân cộng đồng thôn 4) được ông Dạo “giao” 10 ha rừng tại lô c, lô g khoảnh 5, TK 439 từ năm 2015 theo hình thức “hợp đồng” để nuôi dê. Đến nay toàn bộ diện tích 10 ha rừng tự nhiên đều bị phá sạch để lập trang trại trồng cà phê, bơ, muồng, sầu riêng. Việc ông Hùng phá rừng giữa thanh thiên bạch nhật nhưng không hiểu vì sao các cơ quan chức năng như UBND xã Lộc Phú và Hạt Kiểm lâm Bảo Lâm... lại không phát hiện, ngăn chặn. Do đó, người dân nghi vấn có sự “thông đồng”, “chia chác” trong các phi vụ sang nhượng trái phép rừng cộng đồng thôn 4. Chưa hết, tháng 8.2019, ông Hùng bị Công an H.Bảo Lâm khởi tố, bắt giam vì thuê người hủy hoại rừng tại TK 460, xã Lộc Ngãi (H.Bảo Lâm); nhưng 10 ha rừng tại TK 439 ông này biến thành trang trại canh tác nông nghiệp vẫn chưa bị cơ quan nào xử lý (!)
Tiếp xúc PV, ông Nguyễn Văn Sử (thôn 4, xã Lộc Phú) cho biết nhiều lần gửi đơn tố cáo và đề nghị cơ quan chức năng buộc ông Khánh trả lại cho ông 200 triệu đồng mua đất rừng cộng đồng, vì ông Khánh nhận tiền từ năm 2017 mà chưa giao 1 ha đất rừng cho ông. Đến tháng 5.2020 vụ việc vẫn chưa được Công an H.Bảo Lâm giải quyết. Theo tài liệu Thanh Niên thu thập được, ông Khánh còn bán cho bà T.T.T ở TP.Bảo Lộc lô đất rừng 2,2 ha tại khoảnh 2, TK 439 với số tiền 420 triệu đồng, bằng “hợp đồng thỏa thuận giao khoán” ghi ngày 17.4.2017, có thời gian thực hiện đến ngày 1.9.2063… Nhiều vụ sang nhượng đất rừng cộng đồng có bằng chứng rõ ràng như thế, nhưng các cơ quan chức năng của H.Bảo Lâm không xử lý được các ông Nguyễn Đức Dạo, Nguyễn Văn Dũng và Nguyễn Văn Khánh...
Liên quan vấn đề này, Công an H.Bảo Lâm thừa nhận có tiếp nhận đơn tố cáo của một số hộ dân tố cáo ông Nguyễn Văn Khánh có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc mua bán đất rừng cộng đồng. Ngày 25.5, trả lời câu hỏi vì sao các vụ phá rừng, tố cáo vẫn rơi vào im lặng, ông Đỗ Minh Đức, Trưởng công an H.Bảo Lâm, cho biết Công an huyện “đang thụ lý và củng cố hồ sơ để giải quyết theo thẩm quyền”.

Rừng chỉ được thu hồi... trên giấy (!)

Cũng theo tìm hiểu của PV, từ tháng 8.2019, UBND H.Bảo Lâm có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng thu hồi toàn bộ hơn 231 ha rừng, đất rừng cộng đồng thôn 4 tại TK 438A và TK 439 giao lại cho Ban Quản lý rừng phòng hộ ĐamB’ri quản lý bảo vệ, trồng lại rừng. Đến nay, theo ông Huỳnh Quang Công, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ ĐamB’ri, từ khi tạm tiếp nhận lại rừng vẫn chưa thống kê được có bao nhiêu hộ đang canh tác cà phê, bơ và các loại cây trồng khác trong TK 438A và TK 439. Việc thống kê gặp nhiều khó khăn vì người dân vẫn tiếp tục canh tác. Trong nhiều trường hợp tiếp tục lấn chiếm, xây dựng trái phép có người nhà của cán bộ xã Lộc Phú, Hạt Kiểm lâm Bảo Lâm...
Cụ thể, vào cuối năm 2019 và đầu năm 2020, Ban Quản lý rừng phòng hộ ĐamB’ri và UBND xã Lộc Phú có lập biên bản ông Giáp Văn Thống, là anh của ông Giáp Văn Tĩnh (Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bảo Lâm), dựng nhà trái phép tại TK 438A và yêu cầu tháo dỡ. Thế nhưng đến nay ngôi nhà đó vẫn tồn tại như một sự “thách thức”. Ông Tĩnh cũng bị người dân gửi đơn tố cáo bao che việc hủy hoại rừng cộng đồng và thiếu kiên quyết xử lý các vụ phá rừng tại cộng đồng thôn 4. Xung quanh ngôi nhà ông Thống xây dựng trái phép trên đất rừng cộng đồng, ông Nguyễn Tài Tú, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bảo Lâm, phân trần: “Việc giải tỏa là trách nhiệm của UBND xã Lộc Phú, chứ không phải của hạt”.
Vấn đề rừng giao cộng đồng thôn 4 bị tàn phá, bị “nhóm lợi ích” là bà con của cán bộ xã Lộc Phú và một số đơn vị khác tự tung tự tác, chia năm xẻ bảy để bán nhiều lần, được người dân xã Lộc Phú phản ánh tại các kỳ tiếp xúc cử tri. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa có cán bộ xã, huyện và người dân nào phá rừng, chiếm đất bán rừng cộng đồng bị xử lý! Riêng với lãnh đạo H.Bảo Lâm ký văn bản giao rừng cộng đồng sai quy định và chính quyền các xã, Hạt kiểm lâm được giao nhiệm vụ giám sát để xảy ra nạn phá rừng cũng chỉ bị kiểm điểm… rút kinh nghiệm, xem như “chuyện đã rồi” (!)
(còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.