Vì đâu các hố sâu khổng lồ xuất hiện ở Siberia?

04/03/2021 10:31 GMT+7

Năm 2020, một vụ nổ khí mêtan khủng khiếp đã xảy ra ở vùng hẻo lánh của lãnh nguyên Siberia, tống một khối lượng lớn băng, đá ra khoảng cách xa cả trăm mét, để lại trên mặt đất một cái hố sâu hoắm, khổng lồ,

Đó là cái hố thứ 17 không biết từ đâu xuất hiện trên bán đảo xa xôi Yamal và Gyda của Bắc Cực thuộc Nga, kể từ khi cái hố đầu tiên được tìm thấy vào năm 2013. Giới nghiên cứu vô cùng tò mò trước hiện tượng kỳ lạ trên, và không ít người cho rằng nguyên nhân có lẽ liên quan đến tình trạng thay đổi khí hậu.
Gần đây, các chuyên gia Nga đã nghĩ ra biện pháp có thể giải mã bí ẩn ở Siberia. Họ bắt đầu sử dụng phương pháp chụp ảnh bằng drone, thu thập thông tin để xây dựng mô hình 3D của hố và viện dẫn trí thông minh nhân tạo nhằm phân tích chuyện gì đã xảy ra.
“Cái hố mới trong tình trạng hoàn hảo, vì nước bề mặt vẫn chưa tích tụ bên trong hố vào thời điểm chúng tôi khảo sát. Điều này cho phép chúng tôi tiếp cận được cái hố “mới toanh”, chưa bị tác động bên ngoài”, theo Đài CNN dẫn lời nhà khoa học Evgeny Chuvilin của Viện Khoa học và Công nghệ Skolkovo ở Moscow.

Một nhà khoa học tìm cách nghiên cứu trong lòng hố

Reuters

Đây cũng là lần đầu tiên giới khoa học có thể điều khiển drone vào sâu bên trong hố (xuống được độ sâu 15 m), từ đó mang đến cái nhìn cận cảnh trong lòng hố, theo báo cáo đăng trên chuyên san Geosciences.

Thay đổi khí hậu

Thiết bị drone chụp được khoảng 80 tấm, đủ để xây dựng mô hình 3D của cái hố sâu đến 30 m, tương đương tòa nhà cao 10 tầng.
Tiến sĩ Igor Bogoyavlensky, tác giả báo cáo đang công tác Viện Hàn lâm Khoa học Nga, đảm nhận trách nhiệm điều khiển drone. Có lúc ông phải nằm vắt vẻo bên rìa cái hố sâu hun hút để tìm cách đưa drone đến nơi sâu nhất có thể.
“3 lần chúng tôi suýt mất chiếc drone, nhưng cuối cùng kết quả thu được quá sức ấn tượng”, ông cho biết.
Mô hình 3D thu được đã xác nhận giả thuyết lâu nay: khí mêtan tích tụ bên trong một cái hốc của tầng băng, tạo nên một gò trên mặt đất. Theo thời gian, cái gò lớn dần trước khi nổ tung, đẩy băng, đá khỏi lòng đất và để lại một cái hố khổng lồ.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ nguồn gốc của khí mêtan đứng sau vụ việc. Các nhà khoa học cho rằng nó có thể xuất phát từ những lớp sâu trong lòng đất hoặc ở vị trí cạn hơn, hoặc kết hợp cả hai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.