Đại tướng trong tâm của những người dân quê vợ

10/10/2013 08:41 GMT+7

(TNO) Đối với người dân xã Thanh Xuân, H.Thanh Chương (Nghệ An), quê hương của bà Đặng Thị Bích Hà (vợ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp) thì sự ra đi của Đại tướng như sét đánh ngang tai, không gì bù đắp được…

(TNO) Đối với người dân xã Thanh Xuân, H.Thanh Chương (Nghệ An), quê hương của bà Đặng Thị Bích Hà (vợ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp) thì sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp như sét đánh ngang tai, không gì bù đắp được…

Chuyên đề: Đại tướng Võ Nguyên Giáp


Đại tướng Võ Nguyên Giáp (bên phải) bên cạnh giáo sư Đặng Thai Mai (chụp lại từ ảnh tư liệu)

“Tất cả đều khóc”

Ngôi nhà lưu niệm cụ Đặng Thai Mai (thân sinh ra bà Đặng Thị Bích Hà, vợ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp) tọa lạc ở vị trí cao, trên một quả đồi ở làng Lương Điền, xã Thanh Xuân. Lúc chúng tôi đến thăm, ngôi nhà chật kín người đủ mọi lứa tuổi. Họ đa phần là người dân địa phương, ăn mặc rất giản dị, đời thường, đến thắp hương lên bàn thờ nhà lưu cụ Đặng Thai Mai sau khi biết tin “Bác Giáp” (tên thân mật của người dân dành gọi Đại tướng - PV) từ trần.

Dù không nói ra, nhưng qua ánh mắt, cử chỉ của dòng người kính cẩn, lặng lẽ dâng hương, tôi cảm nhận như họ đang khóc nghẹn, đang đau một nỗi đau chung của quê hương, của dân tộc. Với họ, “Bác Giáp” ra đi đồng nghĩa với sự mất mát trụ cột lớn về mặt tinh thần và dân tộc Việt Nam mất đi một người con anh hùng vĩ đại đã làm nên bao chiến công hiển hách. Sự mất mát không thể bù đắp.

Cầm nén hương mà tay run run, mắt ngân ngấn lệ, ông Đặng Bá Hương (71 tuổi, trú thôn Lương Điền, xã Thanh Xuân) nói: “Hay tin Bác Giáp từ trần vào lúc 18 giờ 09 ngày 4.10, tôi có cảm giác như mất đi người thân... Già rồi, tay chân yếu không thể vào Quảng Bình viếng bác, tôi đành nhờ đứa cháu nội dắt đến đây thắp hương”.

Anh Nguyễn Quang Tuấn (41 tuổi), người trực tiếp trông coi, bảo quản ngôi nhà lưu niệm của cụ Đặng Thai Mai, cho biết sau khi hay tin Đại tướng mất, từ 5 ngày nay, ngày nào cũng có hàng trăm người dân trên khắp các huyện của Nghệ An đến nhà lưu niệm để thắp hương tỏ lòng thành kính với Đại tướng. 


Sau khi hay tin Đại tướng từ trần, người dân xứ Nghệ đã đến thắp hương tại nhà lưu niệm Đặng Thai Mai để tưởng nhớ ông

“Thủ trưởng đã làm thay đổi cuộc đời tôi”

Là một người lính từng tham gia chiến đấu và bị thương nặng ở chiến trường Thành Cổ (Quảng Trị) trở về, nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Nguyễn Quang Tám (67 tuổi, trú làng Lương Điền, xã Thanh Xuân) có một cảm xúc đặc biệt.

Ông Tám kể đầu năm 1971, lúc vĩ tuyến 17 đang “đỏ lửa” vì bom đạn, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông đã bỏ dở đại học, vào cầm súng ở chiến trường Thành Cổ, Quảng Trị.

Ông Tám cho biết cuối năm 1974 ông rời chiến trường trở về mang theo trên mình nhiều vết thương bom đạn. Nhưng vì giấy tờ bị thất lạc hết nên ông không thể làm chế độ, hưởng lương của nhà nước như những cựu chiến binh khác.

Trong những thương tích mà ông Tám đang mang trong cơ thể thì vết thương ở đầu là nặng nhất. Vào lúc trái gió trở trời, nhiều mảnh bom nhỏ còn sót lại bên trong khiến đầu ông Tám đau như búa bổ, như có một sự tra tấn cực hình. “Sức khỏe yếu cộng với cuộc sống gia đình lúc ấy quá khó khăn, nhiều lần tôi bi quan, chán nản cứ muốn chết đi cho xong”, ông Tám kể.


Ông Nguyễn Quang Tám (ngoài cùng, bên phải) trong một lần ra thăm gia đình của Đại tướng tại Hà Nội

“Nhưng may mắn của tôi là đã 4 lần được gặp thủ trưởng Giáp (cách gọi thân mật của ông Tám dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp - PV). Tôi nhớ như in là được gặp ông vào các năm 1974, 1976, 1993 và 2011. Lần gặp nào thủ trưởng cũng để lại trong tâm tôi nhiều kỷ niệm đẹp về nhân cách của một con dung dị mà đời thường”, ông Tám xúc động nhớ lại.

Ông Tám kể trong giai đoạn biến cố nhất của cuộc sống riêng chính "thủ trưởng Võ Nguyên Giáp" đã động viên, hướng ông đến một hướng đi mới.

"Thủ trưởng còn nói với tôi rằng: Thanh Xuân quê cháu là vùng đất giáp với Hà Tĩnh, có lợi thế về rừng núi nên cháu phải cố gắng khai hoang, mở đất trồng rừng thật nhiều để phát triển kinh tế… Nhờ vào sự động viên của thủ trưởng mà tôi đã vươn lên, thay đổi cuộc đời mình bằng cách trồng rừng. Đúng là thủ trưởng đã làm thay đổi cuộc đời tôi”, ông Tám nghẹn ngào.

Cụ Đặng Thai Mai (1902-1984), là giáo sư, nhà giáo, nhà văn, nhà phê bình văn học Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Viện trưởng đầu tiên của Viện Văn học Việt Nam.

Ông sinh ra và lớn lên ở làng Lương Điền, xã Thanh Xuân, H.Thanh Chương, Nghệ An. Vợ của cụ Đặng Thai Mai là bà Hồ Thị Toan, một phụ nữ đôn hậu quê ở làng Quỳnh Đôi, H.Quỳnh Lưu, Nghệ An. Dù không “học cao biết rộng”, nhưng bà Toan là người phụ nữ điển hình về đức hi sinh cho chồng con. Bà luôn đứng sau, lặng lẽ gánh lấy những khó khăn thường nhật của cuộc sống để giúp chồng con toại nguyện sự nghiệp.

Vợ chồng giáo sư Mai có 5 người con gái và 1 người con trai. Bà Đặng Thị Bích Hà, con gái đầu của vợ chồng giáo sư Mai lập gia đình với Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào năm 1946.

Theo nhiều người dân cao tuổi ở xã Thanh Xuân, H.Thanh Chương, Nghệ An thì trong khoảng thời gian 1946-1986, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhiều lần về thăm, đến thắp hương và trò chuyện với người dân ở nhà thờ họ Đặng và nhà cụ Đặng Thai Mai (nay là nhà lưu niệm Đặng Thai Mai).

Nguyên Dũng

>> Mở cửa vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới 20 giờ
>> Những bức ảnh quý về Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Cựu chiến binh tại TP.HCM lập bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Phân luồng giao thông phục vụ Lễ Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Người có tầm nhìn chiến lược về khoa học - công nghệ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.