'Anh Văn là Đại tướng nhưng sống rất bình dân'

12/10/2013 17:20 GMT+7

(TNO) “Anh Văn là Đại tướng nhưng trong cuộc sống không phân biệt cấp trên dưới, sống gần gũi và rất bình dân. Khi anh ra đi, tôi quyết tâm phải đến tận nơi tiễn biệt lần cuối”, ông Nguyễn Vĩnh Triệu, 84 tuổi, người có thời gian làm bảo vệ trực tiếp Đại tướng, nói.

(TNO) “Anh Văn là Đại tướng nhưng trong cuộc sống không phân biệt cấp trên dưới, sống gần gũi và rất bình dân. Khi anh ra đi, tôi quyết tâm phải đến tận nơi tiễn biệt lần cuối”, ông Nguyễn Vĩnh Triệu, 84 tuổi, người có thời gian làm bảo vệ trực tiếp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nói.

Chuyên đề: Đại tướng Võ Nguyên Giáp


Ông Triệu được sinh viên tình nguyện dìu vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh: P.Hậu

Trong dòng người xếp hàng vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội) hôm nay, ông Nguyễn Vĩnh Triệu dù có người thân đi kèm nhưng liên tục cần đến trợ giúp từ sinh viên tình nguyện.

Sáng nay, ông Triệu được cháu trai đón taxi đi từ xã Tả Thanh Oai, H.Thanh Trì lên đứng trước nhà tang lễ từ 5 giờ sáng.

Chân đã yếu cộng thêm với tình cảm xúc động, ông Triệu dò dẫm từng bước chân qua linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giác mà khóe mắt đỏ hoe, nhòa lệ.

Ông Triệu từ có thời gian làm bảo vệ trực tiếp cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ ngày ở ATK Định Hóa (Thái Nguyên) cho đến khi tiếp quản Thủ đô được vài năm thì chuyển qua công tác tại Văn phòng Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng.

Ông Triệu kể lại, vào bộ đội năm 1947 thì đến năm 1948 được lên chiến khu vinh dự nhận nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho Đại tướng.

Những năm tháng ở rừng vô cùng gian nan vất vả. Để đảm bảo an toàn, ông Triệu cùng đồng đội phải dựng lán trại trong rừng. Nhưng cứ ở khoảng 2-3 tháng lại phải chuyển tiếp đi nơi khác vì sợ địch phát hiện cho máy bay đến thả bom.

Cũng như anh em, Đại tướng cũng lấy lá cây làm chiếu, dùng vỏ cây ngâm xuống suối rồi giũ lên thành chăn, ăn cũng chỉ cháo với măng rừng.

Biết ông Triệu và nhiều anh em mới từ Hà Nội lên chưa quen sống khổ. Mỗi lần rảnh rỗi, Đại tướng thường hỏi thăm tình hình quê nhà và trò chuyện.

“Tôi nhớ có lần, ông nói đất nước chúng ta bị giặc ngoại xâm chiếm đóng, mất đất, anh em mình phải bỏ đồng bằng lên rừng núi, cái ăn cái mặc đều thiếu, cuộc sống còn nhiều gian khổ lắm. Nhưng đã là thanh niên thì phải cùng nhau cố gắng, đoàn kết đánh giặc, giải phóng quê hương. Chúng tôi nghe mà thấm thía từng lời”, ông Triệu nhớ lại.

Hình ảnh Đại tướng trong tâm trí ông Triệu và anh em bảo vệ là con người cần mẫn, tận tụy trong công việc. Ông làm việc không ngừng nghỉ, chỉ cho mục tiêu duy nhất, đánh giặc giành độc lập, tự do cho nhân dân.

Có thời điểm ông Triệu chứng kiến, Đại tướng chỉ ngủ vài tiễng mỗi ngày. Thời gian ông dành cho vợ con gần như không có. Khi về Hà Nội cũng thế, Đại tướng làm việc miệt mài...

Khi chuyển công tác, ông Triệu không có nhiều cơ hội gặp gỡ Đại tướng. Khi cả hai “không còn làm việc nhà nước” nhưng mỗi năm một lần có gặp nhau trong ngày truyền thống Văn phòng Bộ Tổng tham mưu.

“Anh em bao năm gắn bó, nghe tin anh Văn qua đời, tôi bàng hoàng sửng sốt. 3 lần ra nhà riêng mà đành lòng ra về, không đủ sức đứng xếp hàng. Ra tiễn Đại tướng về với đất mẹ thế này, tôi thấy lòng mình thanh thản, không còn mong muốn gì hơn”, ông Triệu nói.

P.Hậu

>> Kiều bào và bạn bè Lào tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tầm nhìn về Trường Sa, biển đảo Tổ quốc
>> Mở cửa cho người dân vào viếng Đại tướng sớm hơn kế hoạch
>> Hàng trăm người kí vào bức tranh Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Truyền thông quốc tế đưa tin lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người tận trung cho đến phút cuối cùng
>> Lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.