VEC xin lỗi vì ‘sơ suất khi chậm thông báo việc điều chỉnh giá cao tốc’

Mai Hà
Mai Hà
12/01/2023 10:27 GMT+7

Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa thông báo xin lỗi khách hàng, người tham gia giao thông về sơ suất chậm thông báo rộng rãi việc điều chỉnh phương pháp tính giá phí cao tốc.

Liên quan đến việc điều chỉnh mức giá dịch vụ sử dụng các tuyến đường cao tốc, trong thông cáo phát đi sáng nay 12.1, VEC cho biết: Quyết định 1202/QĐ-TTg của Thủ tướng cho phép “VEC quyết định mức thu phí đường cao tốc do VEC làm chủ đầu tư, đảm bảo yêu cầu hoàn vốn của dự án, trừ các dự án cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu áp dụng mức thu phí do Nhà nước quy định”.

Một trạm thu phí không dừng của VEC trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây

ngọc dương

Về mức giá tối đa, Bộ GTVT đã quy định tại Thông tư số 28/2021/TT-BGTVT “mức giá tối đa cho một lần sử dụng dịch vụ đường bộ là mức thu tối đa quy định cho từng nhóm phương tiện”.

Theo VEC, hiện mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với toàn bộ các tuyến cao tốc do VEC quản lý, khai thác không vượt mức giá tối đa quy định tại Thông tư 28/2021 của Bộ GTVT.

Theo đó, mức tối đa với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai là 1.500 đồng/km cho đoạn 4 làn xe và 1.000 đồng/km cho đoạn 2 làn xe; đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình là 1.500 đồng/km; cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là 1.500 đồng/km và đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là 2.000 đồng/km. Trong trường hợp mức giá VEC điều chỉnh cao hơn giá tối đa tại thông tư này, VEC sẽ báo cáo Bộ GTVT theo quy định.

Biểu giá được quy định

chụp màn hình

VEC cũng cho biết đã điều chỉnh mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ đã được đơn vị cung cấp dịch vụ niêm yết tại các trạm thu phí và thông báo công khai trên website của VETC thu phí không dừng.

“Với trách nhiệm của chủ đầu tư dự án, VEC thành thật xin lỗi quý khách hàng, người tham giao thông về sơ suất khi chậm thông báo rộng rãi việc điều chỉnh phương pháp tính giá theo cách làm tròn các mệnh giá do áp dụng công nghệ thu phí tự động không dừng, dẫn đến hiểu lầm về mức giá sử dụng dịch vụ đường cao tốc sau khi điều chỉnh thuế giá trị gia tăng từ 8% lên 10%”, VEC cho biết.

Trước đó, Thanh Niên đã đưa tin, VEC lý giải việc phí trên 4 tuyến cao tốc do doanh nghiệp này quản lý tăng sau ngày 1.1.2023 là do thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 8% lên 10% và được “làm tròn”, song tài xế và chuyên gia cho rằng VEC đang thiếu minh bạch với khách hàng.

VEC hiện là doanh nghiệp khai thác nhiều đường cao tốc nhất cả nước với 4 tuyến trong cả nước. Theo công bố kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 của VEC, tổng lưu lượng xe trên 4 tuyến cao tốc do doanh nghiệp này quản lý khai thác đạt khoảng 53,3 triệu lượt, tăng 41,3% so với năm 2021.

Con số này cho thấy lưu lượng xe tăng cao, tổng doanh thu thu phí (đã bao gồm VAT) của VEC đạt 4.532 tỉ đồng, tăng 36,4% so với năm 2021. Nếu tính bình quân với lưu lượng xe khoảng 50 triệu lượt/năm, mức phí VEC tăng thêm từ 2.000 - 5.000 đồng/xe giúp doanh nghiệp này bỏ túi thêm ít nhất mỗi năm 100 - 250 tỉ đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.