Về từ hành tinh ký ức - Kỳ 2: Có ai còn sống không?

18/11/2018 08:39 GMT+7

'Tôi nằm im giữa những xác người... Anh em tôi, má tôi đang nằm ở đâu trong những đống xác người xung quanh, tôi cũng không còn nghĩ tới. Tôi chỉ biết chết. Chỉ có chết mới có thể sống được lúc này.

Theo lời kể của cô Tư Chỉnh, ở Ba Chúc, Huyện Tri Tôn, Tỉnh An Giang - nạn nhân của cuộc diệt chủng Ba Chúc.
Tôi vẫn nghĩ sao mọi người lại làm như vậy. Ví như chúng tôi đừng đi theo tụi nó.
Chúng không giết người tại xóm hay tại những hang núi. Ở những nơi đó chỉ cần giết vài người, số còn lại đã len lỏi và trốn được. Không nấp chỗ này cũng nấp chỗ kia, cơ may sống sẽ rất cao. Chúng biết nên chúng không giết tại những nơi nhiều nhà cửa cây cối mà chúng lùa dân ra đồng trống. Ở đó chỉ cần hai, ba người cầm súng là chúng có thể khống chế hàng trăm người. Chạy đường nào cũng trống và cũng bị bắn. Thật ra nếu sáng ý một chút sẽ nhận ra hai cây súng không đủ bắn hết chúng tôi. Nhưng trong đầu chúng tôi, những họng súng đó có thể tuôn đạn không bao giờ hết. Những người chưa từng cầm súng như chúng tôi nghĩ như vậy.
Mà cho dù súng có thể nổ hàng ngàn viên đạn thì cũng có thể ùn lên một lượt chạy tản lạc hoặc sáp lá cà, ai sống thì sống, ai chết thì chết chắc không mấy người bị giết.
Nhưng trong đầu chúng tôi hoàn toàn không có ý muốn giết chúng. Những họng súng làm chúng tôi cảm giác mình đã chết. Chỉ còn mong chúng nó không giết mình.
Mà cũng do chúng tôi không nghĩ mình sẽ chết kiểu vậy. Vì phía dân mình đông lắm. Đông khủng khiếp. Đông tới mức mình không cảm thấy sợ dẫu trước mặt là thú dữ. Chúng tôi cảm thấy như mình có thể trốn được giữa đám đông.
Vài tên lính không đủ sức làm chúng tôi sợ hãi. Chúng tôi bảo nhau đừng vội vàng, đừng làm liều mà cứ bình tâm đứng đó chờ đợi. Từng người một đứng đó chờ tới lượt mình. Tôi nhiều khi nhớ lại sao giống cảnh người ta cắt đầu cá. Từng con cá lội nhởn nhơ chờ tới lượt mình. Nhưng những con cá không biết gì hết, còn tôi thì biết sắp tới lượt mình bị đập đầu.
Không cô ạ, chỗ núi hang không lớn nên ở lì cũng không được. Thật ra nó chỉ là kiểu mấy tảng đá lớn chồng chéo qua lại thành một cái hốc chớ chẳng phải hang gì đâu. Dạ, đúng rồi, mấy mươi người ngồi nhum nhum trong đó để tránh pháo. Nó mà quăng lựu đạn một trái là chết sạch. Mà dẫu không chết hết nhưng nghĩ tới lựu đạn đã sợ nên ai cũng chui ra. Không có cây cối gì quanh đó đâu cô. Núi Tượng mùa hạn cây cỏ còi cọc xác xơ. Năm nào cũng vậy, hễ Thanh minh, người ta đi cúng, quét dọn mồ mả, đốt vàng mã, đốt rác thế nào cũng cháy lan cả núi. Năm nào nó cũng cháy một lần. Bữa đó tháng Ba cuối hạn nên cả núi khô khốc. Cây trụi lá, chỉ còn thân và nhánh. Hôm trước đó có vài trận mưa nhỏ, le mọc lún phún nhưng chẳng che chắn được gì. Hễ tụi nó tràn vô lùng sục một hồi là thấy hết. Vậy chớ chỗ núi cũng dễ trốn hơn chỗ đồng bằng.
Quang gánh thức ăn các thứ đã chuẩn bị sẵn hết. Chúng tôi lại không đi xa. Khi chúng tràn vô chúng tôi không thấy có gì là nghiêm trọng. Vài người trong nhóm nghe được tiếng Khmer dịch lại nói họ kêu đi theo xuống núi Nước, có ông lớn giải quyết, đừng mang theo gì hết.
Ngay lúc đó chú Tư Dul hô một tiếng.
- Chạy mấy con ơi.
Chú và hai đứa con của chú chạy cùng với một số người khác. Chúng không bắn kịp.
Ba tôi nói thôi đừng chạy, theo họ coi ông lớn giải quyết sao. Ba tôi không chạy vì nội tôi già yếu lắm. Ba chạy sẽ phải bỏ nội. Mà hồi xưa tới giờ đất Ba Chúc cũng đánh đấm ầm ì. Thì cũng có đạn lạc. Thì cũng có bắn nhau và bắn nhầm dân. Nhưng bên nào cũng muốn giành dân hết. Không có dân lấy ai nuôi cơm nuôi áo. Chỉ có vài người dân, thân bên này bị bên kia giết. Chớ ở đây chưa từng có một bên nào chiếm đất và lùa hết dân đi giết cả. Chưa từng.
Chúng lùa chúng tôi đi thành hàng từ núi Tượng xuống núi Nước. Tất cả quang gánh đồ đạc đều để lại núi và đều bị chúng lấy sạch sau đó.
Hàng trăm người cứ đi mà không biết đi đâu và sẽ làm gì.
Miếu Vạn Ban dưới chân núi Tượng Ảnh: N.P
Bên một cái đìa chỗ giồng Ông Tướng gần núi Nước chúng bàn tán nhau bằng tiếng Khmer. Chúng tôi đứng đó hoàn toàn không nghĩ chúng đang bàn cách giết người sao cho gọn gàng và không có người chạy trốn.
Núi Nước chỉ vài ba hòn đá lớn. Không có một bóng cây nào hết. Chúng chia chúng tôi thành từng nhóm, trai theo trai, gái theo gái, già theo già, trẻ theo trẻ. Chúng dùng áo và áo ngực để trói từng người.
Đứng từ xa, chúng tôi thấy chúng đập đầu nhóm thanh niên trước. Đập từng người một, hết người này tới người khác, rất nhanh và rất dứt khoát. Nếu ai còn giãy giụa chúng bồi thêm bằng những phát súng hoặc đập bằng cây. Nhưng thường thì chúng không bắn mà chỉ đập đầu. Đập đến khi nào chết hẳn thì thôi. Sự việc diễn ra gọn gàng tới mức những chàng trai gân guốc mạnh khỏe cũng trở nên ngoan ngoãn như những cái trứng. Bốp, bốp, bốp... Vậy là xong một nhóm.
Những người mạnh khỏe, nóng vội, có thể phản kháng, có thể bỏ chạy đã bị giết ngay tốp đầu một cách dễ dàng. Nhóm còn lại là phụ nữ, trẻ con và người già thì coi như không hề có ý định chống trả nên chúng giết sau.
Qua nhóm nữ, tôi là người bị đập đầu tiên. Có lẽ do tôi là người khỏe mạnh có sức vóc hơn cả. Chúng dùng khúc lõi tràm đập từ trên xuống đỉnh đầu tôi. Tôi nghe bung một tiếng, máu tràn xuống mặt.
Khi tôi ngã xuống, chúng đập thêm một nhát nữa vào trán.
Tôi chỉ còn kịp nghe tiếng má tôi:
- Chết con tôi rồi!
Tôi không còn biết gì nữa hết. Lần đầu tiên tôi chết.
Tôi không biết mình chết bao lâu. Tôi không thấy cảnh chúng đập đầu má và anh em tôi. Khi tỉnh dậy trời còn sáng. Nửa người dưới của tôi ngập trong nước, nửa người trên gác lên bệ đá. Máu của tôi, máu của những người khác tràn khắp người khắp mặt tôi. Xung quanh chồng chất những xác người. Lúc đó dưới chân tôi có một đứa trẻ mở mắt nhìn tôi, nó hỏi:
- Má con đâu rồi?
Tôi nói nhỏ:
- Thôi đừng có nói, coi chừng tụi nó còn ở đây.
Đó là đứa nhỏ mới tám, chín tuổi.
Tôi nằm im giữa những xác người. Lúc đó tôi không nghĩ gì hết. Anh em tôi, má tôi đang nằm ở đâu trong những đống xác người xung quanh, tôi cũng không còn nghĩ tới. Tôi chỉ biết chết. Chỉ có chết mới có thể sống được lúc này. Tôi nằm chết như vậy thật lâu.
Khi mọi thứ im ắng hết và trời đã tối hẳn, tôi mới có ý định bò dậy. Lúc này vết thương trên đầu đã chảy máu bết vào tóc, nhầy nhụa. Sao lúc đó không chảy đến kiệt máu tôi cũng không biết nữa. Máu chảy đã đời tự nó khô lại. Máu dính vô tóc cũng khô lại. Tóc tôi như tóc bà đanh.
Tôi bò dậy hỏi nhỏ:
- Ai vậy. Ai còn sống thở dưới chân tôi vậy?
- Tôi nè. Năm Phước nè. Ai vậy?
- Con. Tư Chỉnh.
- Có ai còn sống không?
Lúc đó có một người nữa là chị Nhòng cũng lên tiếng.
Cô Năm mới đi lật kiếm từng đứa con. Tụi nó chết hết rồi. Cô cũng như tôi không khóc một chút nào hết. Chết hết rồi. Chúng tôi xác nhận được duy nhất điều đó rồi dắt díu nhau đi về phía núi Tượng. Lúc đi, tôi hoàn toàn không nhớ con bé còn sống hỏi má con đâu rồi. Hai mươi năm sau tôi vẫn nhớ câu hỏi má con đâu rồi của nó. Chắc là họ đã chết đâu đó. Bản thân nó có sống được hay không sau khi chúng tôi bỏ đi. Có khi nó sống, lại lang thang và bị giết lần nữa. Có khi nó sống được cho tới ngày giải tỏa nhưng tôi chưa bao giờ gặp lại nó. Má nó đâu? Chết hết rồi chớ đâu nữa. Tôi hối hận là mình đã không nhớ tới nó. Lúc đó tôi không nhớ gì hết. Cái chết có thể đến lần nữa, nó lớn hơn mọi thứ xung quanh, lớn hơn cả vết thương khủng khiếp trên đầu có thể giết tôi hoặc khiến tôi quên luôn chính mình bất cứ lúc nào.
Tôi chỉ biết mình nên thoát khỏi chỗ này. Chúng tôi đi về núi Tượng quen thuộc của tôi, nó có nhiều hang hốc hơn. Hi vọng có thể trốn được tụi nó.
Pol Pot được hỏa thiêu trong ngôi làng gần biên giới Thái Lan ẢNH: AFP
Lúc ở núi Tượng nhiều ngày, vết thương trên đầu và trên trán khô dần. Ruồi nghe mùi máu thối bay vèo vèo, đáp vô vết thương kiếm ăn, đẻ trứng. Tôi lấy áo quấn kín đầu để tránh ruồi. Trên núi Tượng chúng tôi thật sự cũng không biết mình có sống được hay không. Vì quanh đó, nấp trong khe đá, chúng tôi nghe tiếng của chúng dắt chó đi lục lạo. Trốn người thì dễ chớ trốn những cái mũi thính của đám chó bẹc giê thì thật không dễ. Nhiều người trốn trong hang đã bị phát hiện, bị giết sau một thời gian lẩn trốn. Tôi không hề tin là mình có thể sống được.
Có lần tôi đụng mặt một nhóm tụi nó tám thằng. Con chó đi trước. Con chó đã nhìn thấy tôi. Mắt nó dòm ngầu ngầu vầy nè. May mắn là tôi thấy nó trước. Tôi nằm quẹo một bên giả chết. Tôi nghĩ chắc mình không may mắn lần nữa. Tôi biết là mình không thể đánh lừa được con chó. Nó đã được huấn luyện để phân biệt người sống và người chết. Nó dễ dàng nhận ra sự sống trong con người nằm bất động của tôi. Nhưng không hiểu sao nó không sủa. Chắc mùi hôi thúi của vết thương trên đầu tôi đã đánh lừa được nó. Chắc trong tôi lúc đó mùi của xác chết nhiều tới mức nó đánh tan mùi của sự sống. Mà cũng có thể do lùng sục và ngửi nhiều mùi xác chết, những cái mũi thính của con chó đã bị mệt, không còn khôn lanh nữa nên nó không phản ứng gì. Bảy, tám thằng Pol Pot đi sau, nó cầm súng, cổ quấn khăn.
Mấy tên Pol Pot cũng nhìn thấy tôi. Nhưng có lẽ mặt mày tôi đầy máu, vết thương trên đầu trên trán bắt đầu bầm tím sưng vù cả mặt, màu da tôi khét nắng đen thui nên chúng nghĩ tôi đã chết. Cũng có thể chúng tin theo mấy con chó.
Cả người và chó đều nhìn tôi một lúc rồi bỏ đi.
Cô Năm Phước trốn ở gần đó chui ra nói ở đây không được rồi. Bả chun vô bụi le nằm im ru, tôi kiếm cái lùm cũng chui vô đó nằm.
Chúng tôi chẳng thể di chuyển nhiều. Ba ngày không một giọt nước. Nằm im ở đó tôi nghe tiếng tụi nó nói chuyện dậy núi, nghe tiếng đập đầu người của chúng lúc xa lúc gần. Có khi bên sườn núi, có khi từng cánh đồng dưới chân núi vọng lại. Tiếng đập đầu người dường như trở thành âm thanh quen thuộc và nhiều nhất giữa không gian tĩnh mịch. Nó không còn đáng sợ nữa. Nghe quen như tiếng chặt củi của má tôi. Mà lúc đó tôi cũng không thấy nhớ má, không nghĩ tới ai hết. Lúc đó chẳng có suy nghĩ gì nhiều. Cứ vất vưởng trong những khe đá quen với cái đói, cái khát.
Trong những ngày lang thang ẩn trốn tôi nhìn thấy xác những đứa trẻ chỉ còn cái bộng ngực. Khi chúng bị xé hai, ruột gan tuôn ra ngoài dòi đã ăn sạch. Chỉ còn cái bộng ngực bao một lớp da khô.
Những cái chết đủ kiểu nằm khắp trên những nơi tôi đi qua. Tôi lần mò kiếm nước uống. Thức ăn thì không trông mong gì rồi. Nhưng chúng tôi không hi vọng có thể rời khỏi núi Tượng ngay lúc này. Chị Nhòng nôn nóng muốn đi về hướng Tri Tôn. Chúng tôi bàn, nói tụi nó còn đầy dưới chân núi và cả trên núi, đi là chết. Lúc đó chúng tôi còn chưa biết chúng đã đóng quân chặn ngang chỗ cánh đồng Lương Phi, lối về Tri Tôn.
Chị Nhòng cãi chúng tôi rồi bỏ đi một mình. Khi nhìn thấy mất dấu chị, chúng tôi biết là chị đã trốn đi rồi. Chỉ vài phút sau, nghe tiếng súng nổ bụp dưới lối mòn cách đó chừng vài chục thước, chúng tôi biết là chị đã bị bắn. Nếu đi cùng có lẽ tất cả chúng tôi đều đã chết.
Thì chúng tôi cũng tìm cách đi đâu đó. Tôi nói “hay mình lên Hoàng Sa Lãnh Thượng”. Chỗ đó tôi có lên rồi. Nghĩ là ở đó xa, tụi nó không lên. Nhưng lần dò trong đêm nên đi lẩn quẩn hoài mà tụi tôi cũng không biết lối nào về hướng Hoàng Sa Lãnh Thượng. Đói quá, có lượm mấy trái xoài rụng ăn rồi lại đi.
Đang đi, tự nhiên nhận ra trời sắp sáng, chúng tôi hết biết gì luôn. Đang luýnh quýnh kiếm đường trốn thì thấy một thằng Pol Pot đứng ở vách núi phía trên cao. Nó phang cái cây xuống. Tôi với cô Năm vội vàng kiếm chỗ trốn. Chỗ đó chỉ có cục đá bự, nứt đôi như chiếc xuồng, một người chun vô thì được, hai người sẽ lộ. Cô Năm chui vô đó nằm. Tôi đứng ngoài quýnh quáng hết biết làm gì, tưởng ngày đó mình thế nào cũng chết.
Tôi đứng nép bên một tảng đá có nhánh chùm gởi rồi im ru niệm Phật, giao mọi an nguy của số phận cho phật trời chớ không còn biết làm gì nữa... Nhánh cây che được một phần phía trên của tôi. Một lúc sau tụi nó đi lên. Tụi nó đi kiếm người để giết. Nhưng có lẽ mệt quá nên kiếm không kỹ, bởi vì lúc này đã là ngày thứ tám rồi. Chớ ngày thường tụi nó lục lạo dữ lắm. Nếu tụi nó kiếm như ngày thường thì tôi khó thoát. Chỗ tôi đứng nhánh cây chỉ che tạm bợ phần mặt, phần ngực, từ khúc hai chân trở xuống không có gì che chắn cả.
Rồi tụi nó cũng xuống núi. Tôi với cô Năm trốn cho tới khi tối lại tiếp tục đi vòng vòng kiếm đường ra. Đêm đó trời có trăng mờ mờ. Chúng tôi đi mãi tới mộ ông nội tôi. Tôi nói với cô Năm:
- Mộ ông nội kìa cô Năm.
Chúng tôi nằm bên mộ ông nội ngủ.
Sáng 10 giờ, tụi tôi nghe bắn nhau, nghe tiếng máy bay bay ù ù trên đầu.
Tôi với cô Năm đi lên một chút thấy có cái hang kín và sâu. Cô Năm nói:
- Chỉnh, Chỉnh mày chun xuống dưới trước đi.
Tôi xuống đó gặp gạo, nước thấy vững bụng, thấy cơ may sống nhiều hơn rồi.
Phía ngoài bắn nhau dữ lắm, tiếng đạn dội lên đá chát chát.
Trưa đó nghe tiếng người la lớn:
- Bộ đội giải tỏa rồi, bà con ai còn sống về đi.
Sợ tụi nó giả mạo, tôi với cô Năm cứ tìm lùm cây trốn miết. Xế trưa, tiếng gọi ngày càng nhiều. Tôi nghe có những tiếng quen quen mới bò ra gặp mọi người rồi lần về nhà.
Mười ngày chúng tôi sống lặng lẽ, không ăn và cũng không nói chuyện gì cả. Nước thì có vài ba bữa được uống một lần, số còn lại nhịn khát.
Tôi theo đoàn người về xóm của mình. Chẳng còn biết đâu là xóm mình nữa, nhà cửa cháy rụi hết rồi, xác người nằm la liệt. Trên đường đi qua chỗ cây dầu giữa đường tôi thấy những xác người phụ nữ trần truồng phơi trên đường. Xác họ đã trương sình, nằm dang hai chân ra. Và phần giữa hai chân, còn y những cây tầm vông sốc thẳng từ cửa mình lên bụng...
Lúc đó tôi không sợ gì nhiều. Những kiểu chết mà tôi từng chứng kiến cũng đủ nhiều, quen rồi. Nhưng sau này, khi hồi tưởng lại, tôi nghe cơn ớn lạnh chạy khắp người. Sao có những nhóm người may mắn bị đập đầu gọn như nhóm ở núi Nước. Sao lại có những nhóm người bị giết kiểu lột đồ sốc cây dài vào cửa mình cho tới chết? Phải chăng là do những nhóm người khác nhau nên cái ác cũng khác nhau? Hay do những đợt đầu người đông quá, đập đầu cho nhanh nhất và khỏe nhất. Chừng giết gần hết rồi, đập đầu chán chê rồi nên bắt được người nào, chúng nhẩn nha hành hạ bằng những cách công phu hơn.
Tôi lúc đó mười tám, nếu bị giết kiểu sóc tầm vông vào cửa mình chắc chắn không còn đường sống. Mà nếu còn sống, chắc chắn không thể nào ngồi đây kể lại được cho cô nghe đủ chuyện. Trong cái rủi người thân bị giết hết vẫn còn cái may là không bị điên khi sống lại. May nhất không phải là lần thoát chết đầu tiên mà là trong những ngày còn ít người sống, bị lùng sục không còn một gốc cây ngọn cỏ nào mà vẫn thoát. Chớ nếu bị bắt muộn không biết tôi chết kiểu nào.
Mười ngày đó cô. Đói khát mười ngày nghĩa lí gì. Cô coi máu chảy cạn rồi khô vẫn sống. Cô coi, dòi đục vết thương bấy nhậy vẫn sống. Mà hồi đợt đó ai bị thương cũng cầm cự suốt mười ngày, chừng được điều trị thì vết thương nào cũng bị dòi ăn luồn vô tới xương. Cũng chẳng nhớ nó đau nhức như thế nào. Chỉ còn nhớ tính toán coi mình trốn kiểu gì để tránh bị bắt lần nữa. Dạ, cũng chẳng thấy nhớ thương buồn tủi gì hết. Cứ trốn rồi trốn. Hết những chỗ cheo leo rồi tới những vườn xoài dưới chân núi.
Phải, là mười ngày, sau khi bộ đội giải tỏa Ba Chúc, chúng tôi mới gặp nhau. Chúng tôi cùng thoát chết, cùng trốn chung trên núi Tượng, chỉ cách nhau chừng trăm thước nhưng không ai gặp ai. Trốn mà, sao gặp được. Mà nếu tụm lại chắc dễ bị phát hiện hơn, chắc bị giết sạch lần nữa rồi.
Lúc về tới xóm, gặp cậu Hai tôi và Tư Long, nó hỏi tôi.
- Má em đâu rồi chị Tư?
Lúc đó tôi mới nhớ tới những thây người chồng chất lên nhau chỗ núi Nước. Trong đó có ba má tôi, sáu chị em tôi. Có cả má Tư Long, chị em Tư Long. Tôi nói nhẹ một câu:
- Chết hết rồi!
Lúc đó tôi và mọi người mới òa khóc. Rồi cơn đau từ thể xác lẫn tinh thần mới ào về.
Chết hết rồi. Tôi bị mất tất cả người thân đã mười ngày, nhưng đến hôm nay tôi mới nhớ tới điều đó. Nội, ba má, sáu anh chị em đã chết hết trong một ngày. Tất cả đều bị giết. Mười ngày không ai làm đám tang, không có mồ mả nên cũng không mở cửa mả, không làm thất, không cúng cơm mỗi ngày. Khi về lại với bình yên, tôi mới nhận ra được trên mảnh đất quen thuộc nơi cả nhà tôi từng quây quần, từng yêu thương nhau, giờ chỉ còn mình tôi. Tôi lại nhớ cảnh ba tôi lúc đó không dám bỏ chạy vì nội già yếu. Rồi tất cả đều bị đập đầu. Tôi chỉ còn biết ngồi khóc.
Tôi mất tất cả người thân đã mười ngày rồi. Nhưng không sao. Trên chặng đường đó tôi cũng đã đi qua cửa chết. Tôi về từ địa ngục hay từ một thế giới khác. Nên những mất mát như lùi về một xứ sở nào đó rất xa, tôi vẫn chịu được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.