Vẽ tranh 'độc lạ': Họa sĩ bờ hồ

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
10/09/2023 06:27 GMT+7

Họ là họa sĩ chuyên nghiệp hoặc nghiệp dư, tự nhận là kẻ rong chơi với sắc màu nhưng có niềm đam mê hội họa cháy bỏng. Những lối tác nghiệp "độc lạ" của họ không chỉ tạo nên tác phẩm thú vị, mà còn mang đến niềm vui cho mình và cho mọi người.

Hà Nội mùa thu rất đẹp và một trong những nơi đẹp nhất chắc hẳn phải là khu vực Hồ Gươm. Đó cũng là nơi tác nghiệp của đông đảo "họa sĩ bờ hồ", đông đến nỗi được nhiều người quả quyết đây có thể là "trung tâm" ký họa chân dung lớn nhất VN.

Vẽ tranh 'độc lạ': Họa sĩ bờ hồ  - Ảnh 1.

Nơi tác nghiệp của “họa sĩ bờ hồ” là quanh Hồ Gươm

NGUYỄN PHÚC

"GÁNH HÀNG RONG" CỦA HỌA SĨ

Những ngày thu, tản bộ quanh Hồ Gươm sẽ bắt gặp rất nhiều họa sĩ, dễ đến vài trăm người. Họ thường có mặt ở đó vào tầm 8 - 9 giờ sáng, đông hơn khi về chiều và rời đi khi nắng tắt. Họ ở đây không phải để vẽ tranh phong cảnh, mà mưu sinh với ngón nghề ký họa chân dung.

"Gánh hàng rong" của họ là lỉnh kỉnh giá vẽ, giấy vẽ, dăm chiếc bút chì, dăm chiếc ghế và vài bức ký họa đã thực hiện trước đó để chào hàng. Xong xuôi, họ ngồi xuống, chờ khách qua đường dừng chân…

"Tôi không biết người đầu tiên ra bờ hồ ký họa là ai, tự bao giờ. Chỉ thấy người ta ra ngồi, kiếm sống được, thì mình cũng ra… Nhớ ngày xưa giá của một bức chỉ tầm 50.000 đồng mà nay đã là 200.000 đến 300.000 đồng. Thì đúng là đủ lâu rồi nhỉ?", ông Lê Khoa, một họa sĩ trung niên, có "tuổi nghề" chừng chục năm ở bờ Hồ Gươm, chép miệng.

Vẽ tranh 'độc lạ': Họa sĩ bờ hồ  - Ảnh 2.

Cậu bé may mắn được 2 “họa sĩ bờ hồ” phục vụ

Cũng vì "thấy người khác làm được thì mình làm được", nên mỗi ngày có thêm nhiều họa sĩ ra với bờ hồ. Ngoài tầm trung niên như ông Khoa, cũng có cụ râu tóc bạc phơ, dễ đến 70 tuổi cũng say mê múa chì. Lực lượng họa sĩ trẻ, có cả nữ, chiếm số lượng áp đảo, trong đó rất nhiều bạn đang là sinh viên ngành mỹ thuật. "Đây là môi trường không phân biệt anh có là họa sĩ thực thụ hay không, có được đào tạo bài bản hay không. Chỉ cần có năng khiếu, vẽ tốt là đủ điều kiện hành nghề", vừa hí hoáy vẽ ông Khoa vừa phân tích.

Dù ngày nào cũng ngồi ở vị trí đó, bày biện "gánh hàng rong" đó, nhưng chuyện nghề mỗi ngày của họ lại không giống nhau. "Vì mỗi ngày chúng tôi đón mỗi vị khách khác nhau, gương mặt khác nhau, đường nét khác nhau… Đó là một trong những điều "thi vị" của nghề", Lê Quân, một họa sĩ khá trẻ, có góc nhìn lãng mạn về "họa sĩ bờ hồ".

Cuộc gặp gỡ của "họa sĩ bờ hồ" và khách hàng của họ (phần lớn du khách, phân nửa là khách nước ngoài) khá ngắn, thường chỉ 15 - 20 phút, nhiều nhất 30 phút. Bởi quãng thời gian đó đủ để bức ký họa chân dung hoàn thành. Thật khó để đòi hỏi một bức tranh có tính nghệ thuật cao với ngần ấy thời gian, nhưng sẽ là bức hình kỷ niệm với một trải nghiệm đầy thú vị về nét văn hóa riêng có ở Hà Nội.

ĐỜI HỌA SĨ BỜ HỒ

Danh xưng "họa sĩ bờ hồ" ẩn chứa sự thật của cuộc mưu sinh. Ngoài những vị khách trả đúng giá, thậm chí hào phóng tip thêm tiền khi nhận được bức ký họa ưng ý thì vẫn có người kỳ kèo trả giá. "Ra giá 300.000 đồng nhưng 50.000 đồng, 100.000 đồng cũng vẽ, còn tùy vào tâm trạng. Có còn hơn không", họa sĩ trẻ Lê Quân nói ngắn gọn.

Nhưng đó vẫn chưa phải là "thảm họa" với cánh họa sĩ bờ hồ. Có không ít trường hợp chốt giá hẳn hòi trước khi vẽ, nhưng khi vẽ xong thì khách chê xấu, chê không giống, "bùng" tiền. Tình cảnh này đẩy họa sĩ tội nghiệp vừa "quê" vừa ngậm ngùi, khỏi dám lấy tiền công. Ấy là chưa kể chuyện mưa gió bất thường, khiến cả đám vội vã thu "gánh hàng rong" chạy tán loạn.

Đối diện với những tình huống éo le, "họa sĩ bờ hồ" cũng phải có chiêu để tự cứu mình. Họ cố học lóm, bập bẹ ít tiếng Anh để tám chuyện với khách nước ngoài. "Người biết tiếng Anh luôn là một lợi thế vì dễ gây thiện cảm với khách nước ngoài. Khi mọi thứ trở nên vui vẻ, dễ chịu thì những khoản tiền tip đến rất nhanh… Thậm chí, ngày xưa có anh đồng nghiệp còn "cua" được bạn gái Tây khi vẽ chân dung cô ta", Lê Phương, một tay vẽ quê ở Nam Định lên Hà Nội mưu sinh, kể.

Cao tay hơn, một số người khác… vẽ không cần hỏi. Nghĩa là dù không được khách hàng mở lời nhưng họa sĩ vẫn thần tốc ký họa chân dung của họ. "Cách này 5 ăn 5 thua. Hồi hộp nhất là đoạn chìa bức tranh đã vẽ xong trước mặt du khách. Mọi chuyện sẽ ổn khi họ thấy thích thú và dúi một khoản tiền công. Nhưng cũng có người nhận tranh xong, chỉ "trả" một nụ cười… cảm ơn dễ mến", Lê Phương kể.

Ở nơi mà chỉ vài chục mét vuông có đến hàng chục tay vẽ, công việc cạnh tranh thi thoảng khó tránh chuyện va chạm. Nhưng đó chỉ là chuyện thi thoảng thôi, còn hầu hết họ đùm bọc nhau. Họ biết cái phận "họa sĩ bờ hồ" không danh giá như những họa sĩ chuyên nghiệp có thể mở triển lãm này nọ, tác phẩm được phòng trưng bày và định giá bằng USD. Nhưng chắc chắn họ không thiếu cái tình của đồng nghiệp - những người cùng tất tả mưu sinh với ngón nghề ký họa chân dung ở góc bờ hồ. (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.