Vẽ tranh bằng lửa

01/12/2015 07:29 GMT+7

Với chiếc bút lửa và giấy, Huỳnh Quốc Tuấn có thể tạo nên những tác phẩm đầy bất ngờ.

Với chiếc bút lửa và giấy, Huỳnh Quốc Tuấn có thể tạo nên những tác phẩm đầy bất ngờ.

 
Huỳnh Quốc Tuấn và những bức tranh vẽ bằng lửa trên giấy - Ảnh: X.P
Huỳnh Quốc Tuấn (21 tuổi), sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết trong một lần lỡ tay làm cháy đồ thì phát hiện vết cháy có những đường nét khá lạ, càng nhìn càng bị thu hút nên Tuấn tò mò nghiên cứu cách vẽ bằng... lửa.
Khi tìm hiểu, Tuấn mới biết phương pháp vẽ bằng cách đốt từng xuất hiện từ lâu, có nguồn gốc từ các bộ tộc du mục ở châu Phi và Ai Cập. Trong nước cũng đã có nhiều nghệ nhân vẽ, viết chữ thư pháp bằng bút lửa. “Tuy nhiên, họ vẽ trên các vật liệu tự nhiên như đá, gỗ... Để có sự khác biệt và mang dấu ấn của mình, tôi đã chọn cách vẽ trên giấy”, Tuấn nói. Sau khoảng một năm tìm tòi, thu thập kiến thức về phương pháp, chất dẫn, nguyên liệu... Tuấn đã thành công với kiểu vẽ độc đáo bằng lửa, tạo ra những bức tranh có hồn, rất mềm mại, sinh động.
Đem tờ giấy chuyên dụng, thấm nước lên, dựa vào những hình ảnh đã mường tượng sẵn, Tuấn dùng bút lửa (gồm ống chứa gas, bộ phận đánh lửa và nút hiệu chỉnh tăng giảm lửa) phác thảo, dựng hình. Chẳng mấy chốc, trên nền giấy xuất hiện bức tranh với chủ đề mùa xuân vô cùng đẹp mắt với những chú khỉ chuyền cành, có cả dòng chữ “Xuân Bính Thân”... Tuấn hào hứng khoe bộ sưu tập tranh từng thực hiện với những tác phẩm về chợ Bến Thành, chim hót trên cành hoa mai, các loài động vật...
“Ban đầu tôi tự chế ra chiếc bút gồm hộp quẹt (bật lửa) và sắt nung đỏ. Tuy nhiên, cảm thấy không an toàn vì nhiều lần bị nổ làm phỏng tay... nên tôi đã mua bút lửa để sử dụng”, Tuấn nói thêm.
Theo Tuấn, vẽ bằng lửa đòi hỏi sự kiên nhẫn cao độ. “Để tạo ra một bức tranh ưng ý không phải dễ. Nếu để lửa cao quá sẽ cháy tranh, mà cháy là phải bỏ và vẽ lại từ đầu chứ không sửa lại được. Còn khi để lửa yếu thì không thể tạo ra những đường nét rõ ràng, hình ảnh không đẹp. Do vậy cần có sự tập trung tối đa, biết điều chỉnh mức lửa hợp lý, đồng thời tỉ mỉ và đi nét một cách dứt khoát”, Tuấn chia sẻ.
Nói về những chủ đề đang theo đuổi, Tuấn kể rất thích vẽ về động vật quý hiếm vì thông qua những bức vẽ chủ đề này, Tuấn muốn chuyển tải thông điệp cùng nhau bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ những động vật có nguy cơ tuyệt chủng đến mọi người. Ngoài ra, Tuấn cũng muốn phác họa lại những công trình kiến trúc cổ ở VN, để khi nhìn tranh sẽ nhớ đến nét đẹp của quê hương, đất nước.
Đang học ngành thiết kế nội thất, nhưng mong ước của Tuấn là có thể kết hợp được cả lĩnh vực đang học và niềm đam mê vẽ tranh lửa. “Tôi muốn phối hợp cả hai điều ấy vào những bức tranh của mình, đưa tranh lửa vào dòng sản phẩm nội thất. Đồng thời trong thời gian tới sẽ cố gắng vẽ nhiều chủ đề đa dạng hơn. Một trong những điều tôi muốn thực hiện được nữa, đó là tìm cách tạo ra những gam màu khác để bức tranh có chiều sâu hơn, làm tăng cảm xúc và hình thái đối với người nhìn”, Tuấn tâm sự.
Ông Nguyễn Hữu Văn, giảng viên Khoa Kiến trúc mỹ thuật Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, nhận xét: “Kiểu vẽ tranh bằng lửa của Quốc Tuấn rất mới lạ và độc đáo. Đây là trường phái vẽ tranh thoáng, nhìn nhẹ nhàng, tạo nên những tác phẩm có sức hút mạnh vì sinh động và có hồn”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.