Về tìm chiếc giày bảy dặm

18/11/2020 10:00 GMT+7

Ở đâu không biết, chứ miền Trung là một kho tàng chuyện cổ tích.

Quê tôi nằm bên bờ sông Trà Khúc, bóng núi như chiếc ấn đóng xuống lòng sông, người xưa gọi là núi Thiên Ấn. Bà tôi là một cô gái hái dâu bên bờ sông êm đềm ấy, nên đã thuộc nằm lòng những câu chuyện của ông bà để lại...
Bà thường kể tôi nghe về "chiếc giày đi bảy dặm", sẽ không hình dung nổi nếu bà không giơ tay chỉ lên cành tre, so sánh với chiếc tổ chim giồng giộc. Không những nó treo lơ lửng giữa trời, mà như còn treo lơ lửng trong hồn tôi mỗi khi nhớ về...
Mùa hè, nằm vắt chân chữ ngũ trên cỏ, ngắm những đôi giày bảy dặm treo toòng teng, lơ lửng giữa cành gió thổi, chim mẹ tha mồi, chim non ríu rít. Trời quê thanh bình một màu xanh dịu nhẹ, tuổi nhỏ chợt mơ ước xa xôi... Rồi chiến tranh, người mất người còn, quê hương xứ Quảng vẫn bên bờ sông Trà thao thức. Sau chiến tranh, quê tôi đã hồi phục và thay đổi rất nhiều, tôi có dịp nhớ lại một thời ấu thơ đầy bom đạn, khắc khổ, nhưng cũng đầy kỷ niệm khó quên...
Bây giờ làm người lớn trở về, đường làng đã đổi thay. Ký ức mờ nhạt giữa những dãy nhà xây, lũy tre xanh biệt tích. Tổ chim giồng giộc còn đâu! Gió thổi nghiêng ngửa những cần ăng-ten cao thấp chen nhau ngất ngưởng. Chùm dây điện cắt những lát trời vấn vít, dùng dằng. Khu vườn tuổi thơ giờ đã bị chia lô, đóng khung trong lưới thép, chật chội đến từng ô. Bỗng giật mình lo sợ không còn những "chiếc giày bảy dặm" cho tuổi thơ hồn nhiên mang vào đôi chân nhỏ bé nữa. Tôi bâng khuâng dìm mình trong nắng gắt, cố tìm cho được cái bờ ao ngày xưa. Nơi đó, lũ chim giồng giộc tha hồ làm tổ trên cây gòn, cây keo. Cành gòn, cành keo trèo được nên có thể rờ mó được vào những "chiếc giày thần tiên" trong truyện kể. Lời bà hay đến nỗi, luôn thu hút những đôi tai vểnh của bọn trẻ chúng tôi, để rồi được tận mắt chứng kiến tổ chim giồng giộc mới thấy hết cái đẹp của "đường kim mũi chỉ" mà mẹ chim giồng giộc đã khâu nên. Đất Quảng Ngãi, người nông dân trồng mía bạt ngàn, nên vào mùa mía, chim giồng giộc bay đi dùng mỏ xé lá mía thành cộng dài, tha về đan tổ. Hình ảnh chiếc tổ nói lên độ khéo của loài chim này, nên nó quả là một công trình công phu nhất, cho việc xây dựng một mái ấm hạnh phúc. Một chiếc cuống vững chắc cột chặt vào cành cây, một cái tổ tròn vo xanh biếc pha màu vàng nhạt, đủ cho năm ba cái trứng con con. Và cuối cùng là cái cửa ra vào tròn như chiếc vớ, mà bọn trẻ chúng tôi thường xỏ chân vào như chiếc giày đan bằng lá. Thế là gió đưa lắc lư trên cành tre, chim mẹ yên tâm đẻ vào đó những chiếc trứng của mình. Tâm lý trẻ thơ là mừng thầm khi bắt được những quả trứng xanh biếc, và khấp khởi khi gặp tổ chim non mới ra ràng. Chim non đem về nuôi, ủ trong chiếc lon bơ cho ăn gạo nhai với nước bọt. Lớn lên, cho ăn châu chấu cào cào. Dạy cho chim con nghe tiếng huýt sáo lại bay về, đậu trên ngón tay, đậu trên bờ vai là một thú vui tuổi thơ. Dù ai đổi đồng xu cắc bạc cũng không chịu. Thế rồi bà khuyên, chim lớn khôn rồi hãy thả chúng bay đi về với mẹ, để ngày sau khỏi mất mẹ. Lòng bà từ bi, dù tiếc lắm cũng phải nghe. Chim bay mang theo tuổi thơ bay mất. Về tìm bà quanh gò mộ chẳng thấy bà đâu. Chỉ nghe gió khóc trên hòn đá bia: “Chim bay về núi tối rồi, không cây nó đậu không mồi nó ăn...". Hóa ra, ông bà ta xưa nhân nghĩa đến chừng nào...
Nghe thăm thẳm và nao lòng, khi nằm trên chiếc võng trưa, tiếng đưa kẽo kẹt. Tiếc là không còn nhiều bờ tre, để gió thổi phe phẩy lá tre cho lòng chợt mát. Chiếc quạt máy xè xè nghe nóng hực. Chợt thèm tiếng dế kêu bên vệ cỏ, thèm tiếng ễnh ương gọi vợ những đêm mưa, thèm tiếng chim cu đất cổ cườm gáy vang bên lũy tre cuối xóm.
Thèm và thèm lắm, những tổ chim giồng giộc treo trên cành tre ngất ngưởng, biểu tượng về "chiếc giày bảy dặm" của tuổi thần tiên.
Cuối mùa thu, gió thổi làm rụng những chiếc tổ xinh xắn, tôi thường lượm về treo trước hiên nhà như những vật kỷ niệm thân quen. Căn nhà ngày xưa không còn mái hiên, thay vào đó là một vòm sắt lợp tôn cứng ngắc, chỉ có thể thách thức với thời gian bạc bẽo.
Vì thế, những đêm về quê không phải để tìm giấc ngủ, mà tôi tìm những câu chuyện kể của bà về "chiếc giày bảy dặm", xỏ đôi chân tuổi thơ vào để có thể đi ngược thời gian, lục tìm quá khứ giữa vòm trời miền Trung xanh biếc, dẫu chỉ là đi ngược trong mơ ...
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.