>> NHƯ LỊCH

Hầu như sáng nào cũng vậy, khoảng 6 giờ 30, ông Đoàn Văn Thái (63 tuổi, ngụ P.5, Q.11, TP.HCM) cầm xấp vé số rời nhà đi bán dạo. Thấy ông chỉn chu với áo sơ mi bỏ trong quần, giày tây, đội mũ cao bồi, một thanh niên nhận xét: “Chắc chắn bác không phải bán vé số. Người bán vé số thường có vẻ nhếch nhác, khổ sở, tội nghiệp lắm, đâu như tướng mạo phương phi sang trọng của bác”. Ông Thái giải thích: “Ra đường, mình cần ăn mặc lịch sự. Bán vé số mà lem nhem quá, người ta cũng ngán”. Với một số người tò mò, ông còn dừng lại chuyện trò, thỉnh thoảng nói những câu triết lý và cười sảng khoái. Bán vé số như ông kể cũng lạ thiệt!

Từ tháng 11.2017 đến nay, ông Đoàn Văn Thái đã bền bỉ trải qua gần 500 ngày bán vé số dạo để kiếm tiền làm từ thiện. Mỗi ngày, ông bán khoảng 150 vé. Trung bình cứ một cây số, ông bán được 10 vé. Như vậy, ông đã đi bộ gần... 7.500 km để bán vé số.

Tôi theo ông bán vé số đến giữa trưa thì về nhà (trong hẻm đường Lạc Long Quân, P.5, Q.11). Vừa qua lối đi hẹp và tối, đập vào mắt tôi là ảnh một cô gái trên bàn thờ. Ông Thái nói: “Con tôi đó. Nó chết lúc 21 tuổi”. Nghe tiếng chồng, bà Võ Thị Hoa Cúc, 61 tuổi, gượng ngồi dậy. Ba năm nay, bà bị thấp khớp nặng nên ít khi ra ngoài, chuyện chợ búa ông Thái đảm nhiệm.

Mấy năm nay, vợ chồng ông ngăn nhà mình thành những phòng nhỏ cho thuê để có tiền trang trải cuộc sống. Ông bà cũng ở trong căn phòng chật chội, phần lớn các vật dụng đều cũ rích. Hằng đêm, ông ngủ trên chiếc ghế bố xập xệ, gỉ sét.

Chỉ đống phế liệu sau hè, ông Thái cho hay hồi trước ngoài việc gói bánh chưng bánh giò bỏ mối, ông còn chế ăng ten để bán. Ông cũng biết sửa điện, nên có người gọi đùa ông là “kỹ sư Thái”.

Ký ức ùa về khiến đôi vợ chồng già lại nhớ con. Mở chiếc tủ sắt cũ kỹ lấy ra chồng giấy tờ, ông Thái tâm sự: “Chúng tôi chỉ có một đứa con sinh năm 1991. Nó học tới lớp 6 bỗng phát bệnh động kinh, phải bỏ học để điều trị rồi mất năm 2012”.

Mất con, buồn quá suốt ngày ông làm văn, làm thơ về con, về cuộc đời và ghi tâm tư lên cả tường nhà. Một lần sờ mái tóc dài và chòm râu bạc đã lâu không cắt, ông như bừng tỉnh: “Mình phải làm điều gì đó có ích”. Thế là sáu năm qua, cứ đến mùa Giáng sinh, ông hóa trang thành ông già Noel đi tặng quà cho những trẻ khó khăn.

Muốn có kinh phí san sẻ cho người nghèo chữa bệnh, ông quyết định đi bán vé số. Mới đây, ông đến thăm và hỗ trợ 2 triệu đồng cho bé Gia Minh (10 tuổi, ngụ P.10, Q.Tân Bình) mắc bệnh hiểm nghèo.

“Nhiều người bảo tôi điên, tự dưng chịu cực khổ đi bán vé số kiếm tiền giúp người dưng. Chờ giàu có hay trúng số mới làm từ thiện thì biết tới khi nào nên thôi kệ, mình cứ làm, dù chỉ là sự đóng góp nho nhỏ. Tôi sẽ làm việc này đến lúc sức tàn, lực tận”, ông Thái tâm sự.

Dừng xe trước một sạp vải chưa mở cửa bên hông chợ Tân Bình (TP.HCM), người đàn ông lấy cây sáo bầu ra thổi. Tiếng sáo da diết réo rắt như làm dịu bớt nhịp sống náo nhiệt xung quanh. 

Trong giỏ xe đạp của ông có thùng loa mini, ba cây sáo cùng một số dụng cụ. Nhìn thoáng qua chưa chắc thấy được xấp vé số nằm khá khiêm tốn trên ghi đông. Tuyệt nhiên không có lời mời mua cũng như không có dòng chữ quảng cáo “bán vé số”.

Nhưng thực tế, ông đang bán vé số mưu sinh. Ông bán mà như không bán, cũng may, vẫn có người mua. Ông là Nguyễn Hữu Thành, 65 tuổi, cựu TNXP Nông trường Lê Minh Xuân (hiện ngụ P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, TP.HCM).

Trước khi đến với công việc này, ông Thành làm đồ chơi chong chóng, tàu bay bằng giấy bán cho trẻ con. Ông chia sẻ: “Tôi nghĩ bán vé số cũng tùy duyên, nên không chào mời bất cứ ai. Người ta mến mình họ tìm mua chứ không ép”.

Mỗi ngày, ông đạp xe rời nhà lúc 4 giờ sáng, ghé chợ Bà Hoa uống cà phê rồi bán dọc dài tới chợ Tân Bình, chợ Nhật Tảo, phố đi bộ Nguyễn Huệ... Mỗi lần ông chỉ nhận 50 tờ vé số, lúc nào bán hết thì lấy tiếp.

Từ năm 8 tuổi, ông Thái đã biết thổi sáo. Ông còn biết chơi đàn tỳ bà, trống kèn, búng nhạc bằng lưỡi cưa thép... Tuy nhiên, “gia tài” của ông trên xe chỉ có mấy cây sáo bầu và sáo trúc, nên ông thường biểu diễn một ngón nghề. Thưởng thức tiếng sáo và nhìn dáng vẻ phong trần với mái tóc ngang vai của ông, nhiều khán giả gọi ông là nghệ sĩ đường phố. Ông cười hiền: “Tôi không phải là nghệ sĩ, tôi chỉ là người bán vé số bình thường. Việc thổi sáo thổi kèn vừa giúp tôi giải khuây, vừa kiếm tiền, vừa giúp người khác vui vẻ”.

Rút trong ví ra ba tờ vé số ngày 27.7.2017, ông kể từng bị khách lừa lấy vé cũ đổi số trúng khiến ông mất 300.000 đồng. Sau sự cố đó, ông luôn mang theo ba tờ vé số ấy để làm bài học kinh nghiệm và kỷ niệm.

“Tôi cảm nhận vũ trụ luôn có sự bù đắp kỳ diệu. Chẳng hạn 2 - 3 ngày sau hôm tôi bị lừa mất 300.000, có người lạ đến cho tôi 1,5 triệu. Vì vậy, tôi sống theo tự nhiên, không hoảng hốt, không sợ hãi. Thậm chí, trước đây khi bị người ta gọi là kẻ tâm thần, tôi tổn thương lắm nhưng nay tôi cũng cho qua hết”, ông Thành tâm sự. (còn tiếp)

Đồ họa: Duy Quang | Ảnh: Như Lịch, Lam Phong, Gia Bách

Báo Thanh Niên
28.03.2019

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.