Về quê đón tết đừng giả giọng, đừng thanh toán bằng chuyển khoản: 'Nhập gia tùy tục'

Thanh Nam
Thanh Nam
21/01/2023 15:59 GMT+7

Bài viết "Về quê đón tết, đừng giả giọng thành phố, đừng thanh toán bằng chuyển khoản..." trên Thanh Niên đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của bạn đọc, thu hút rất nhiều ý kiến.

Ủng hộ quan điểm bài viết

Bài viết "Về quê đón tết, đừng giả giọng thành phố, đừng thanh toán bằng chuyển khoản..." đã thu hút rất nhiều lượt đọc và tranh luận.

Có những bạn đọc ủng hộ quan điểm của bài viết. Chẳng hạn như Tấn Trung Huỳnh cho rằng "bài viết hay và ý nghĩa".

Hay bạn đọc Phatloc le nói: “Bài viết quá chuẩn không cần chỉnh. Về quê mình cớ gì phải như thế, cứ chân tình, giản dị như người nhà quê mình là vui phải biết”.

Bạn đọc tranxuanvinh04 nhận xét: “Bài viết quá đúng với giới trẻ bây giờ. Đánh mất vị quê hương”.

Bạn đọc phamanhduong230479 nhận xét: “Bài viết rất hay và ý nghĩa. Rất đúng với thực tế ở vùng quê”. Tương tự, bạn đọc Nguyễn Nhật Minh nói: “Bài viết đúng, hay và thực tế cho các bạn trẻ”.

Bạn đọc Gaumapct cũng nói: “Bài viết rất có ý nghĩa đáng suy ngẫm”. Anh Đặng Trần Vinh cảm thán: “Bài viết rất hay và ý nghĩa. Mình ủng hộ và rất thích đọc những bài viết kiểu như làm cho con người nhớ về cội nguồn gốc gác”.

Sau khi đọc bài viết, bạn đọc transa30091958 cho rằng nội dung bài viết “quá hay quá đúng vì quê hương là chùm khế ngọt đừng nên ra vẻ ta đây”.

Về quê đón tết, đừng giả giọng thành phố, đừng thanh toán bằng chuyển khoản...

THẢO PHƯƠNG

Nhiều chuyện thực tế dở khóc dở cười

Bạn đọc 11511 nói: “Đi ăn dĩa bánh bèo 12.000 đồng mà không có tiền mặt đi chuyển thì cũng hơi lố lố. Gì mà ra đường không bọc theo 20.000 đồng? Chắc kiểu sành điệu ta đây rồi!”.

Nhiều bạn đọc cũng kể lại nhiều câu chuyện tương tự trong bài viết. Như bạn đọc Bien VO Thanh cũng kể lại việc: “Có ông bố xuống xe hơi mua cho con một hộp bắp rang bơ giá tám ngàn cũng xin chuyển khoản làm cô chủ quán phì cười”.

Hay bạn đọc 11511 cũng phản ánh việc: “Bạn bè mình 30 mấy tuổi rồi nhưng mua gói thuốc 10 ngàn đồng cũng xin chuyển khoản”.

Bạn đọc Thanh Mạnh bảo: “Chuyển khoản thì cũng phải tùy nơi, về quê mà chuyển khoản thì tui cũng… lạy luôn”.

Bạn đọc thanhtrong05@gmail.com cũng cảm thấy khó chịu khi một bộ phận người trẻ có thói quen “hở cái đòi quẹt thẻ”.

Bạn đọc synguyenk79 cũng nói: “Có lẽ họ bày đặt ta đây ở thành phố về”.

Nói về chuyện “giả giọng”, “bẻ giọng”, bạn đọc bv0909175758 bình luận: “Anh đi anh nhớ quê nhà. Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương. Nếu không có làng quê, nơi chôn nhau cắt rốn thì bạn là người cô độc nhất thế gian. Hà cớ gì mà chối bỏ. Người ta đi xa còn thèm được nói giọng quê kia kìa”.

Còn bạn đọc Vohoaiphucvinano bảo: “Ở thành phố lâu, rồi tết về quê lâu lâu nói bị vấp vài tiếng ở thành phố thì bình thường. Nhưng việc giả giọng thành phố là đều quá đáng. Làm như vậy chẳng khác nào không muốn nhớ đến vùng miền quê hương của mình”.

Về quê nên nói giọng quê!

THẢO PHƯƠNG

Đừng quá khắt khe

Bạn đọc Minh Kieu có suy nghĩ rằng: “Tất cả những việc đó là bình thường. Hãy luôn hướng tới những gì tốt đẹp hơn, đừng cố bảo vệ những thứ lạc hậu vì nó chỉ làm cho cuộc sống khó khăn hơn mà thôi”.

Theo bạn đọc Sương Thủy: “Chuyển khoản hay thanh toán bằng Momo thấy rất tiện lợi. Nhiều khi đi đâu không cần đem theo tiền mặt vẫn có thể chi tiêu dễ dàng, trả tiền cho ai hay thanh toán tiền hàng không phải chạy đến tận nơi đưa tiền mặt”. Từ đó, Sương Thủy cho rằng: “Mình nghĩ người ở quê cũng nên tiếp thu những cái mới mẻ, xã hội luôn phát triển và đổi mới không ngừng, đâu phải cứ ở quê là được cái quyền dậm chân tại chỗ và buộc người khác phải thụt lùi đợi mình thì mới đúng”.

Hay bạn đọc quochuytgh cũng cho biết: “Hiện nay nhiều vùng quê nông thôn, miền núi đã thực hiện thanh toán bằng chuyển khoản. Ở một số nơi được gọi là nhà quê bây giờ còn văn minh, hiện đại và sang trọng hơn thành phố”.

Bạn đọc vuthitot307 cũng kể chuyện để chứng minh ở nhiều vùng quê đang ngày càng hiện đại: “Có lần đi mua hộp bắp xào giá 15.000 đồng. Khi chuẩn bị trả tiền thì mới biết để quên tiền ở nhà, liền hỏi chủ quán số tài khoản để chuyển qua. Chủ quán: em có Momo, ACB, VCB…”.

Bạn đọc Phúc Lâm nói: “Đừng quá khắt khe với người làm ăn xa quê về ăn tết. Mỗi người có một cách sống riêng của họ. Quan trọng là không vi phạm pháp luật. Đừng o ép phải thế này, không được thế kia. Các hình thức thanh toán hợp pháp đều phải được chấp nhận”.

Mong sao nhiều độc giả trẻ tuổi hãy giữ gìn bản sắc quê hương

thảo phương

Phải phù hợp với hoàn cảnh

Bạn đọc Hà Cao Trung nói: “Thật ra ở đâu quen đó. Nhưng nên có sự chuẩn bị cho thực tế tại quê nhà. Do bạn ít về thăm quê nên bạn lạc nhịp sống ở quê là đương nhiên. Thay vào đó phải thích ứng thật nhanh”.

Cùng quan điểm, bạn đọc Dương Nhung cho rằng: “Chúng ta nhập gia phải tùy tục. Tùy từng hoàn cảnh để sống sao cho thuận tiện nhất”.

Bạn đọc doan anh bình luận một câu đáng ngẫm nghĩ, rằng: “Người xưa xa quê từ lúc nhỏ, già mới về quê mà giọng quê không đổi, chỉ có mái tóc là đổi màu sương gió thôi”.

Bạn đọc Daniel Trương bảo: “Thời đại bây giờ xài chuyển khoản, ví điện tử rất tiện. Mình rất lười rút tiền mặt, nhưng lúc nào cũng phòng 100.000 – 200.000 đồng trong ví. Các bạn không nên than phiền người dân quê nhà do mỗi vùng có một điều kiện tiếp cận khác nhau. Tuy nhiên người dân ở quê cũng nên cố gắng học hỏi thêm những cách thanh toán hiện đại, đó cũng chính là giúp tăng thêm thuận tiện cho người mua”.

Còn bạn đọc 69731 nói: "Ứng dụng công nghệ 4.0 nhưng phải phù hợp với hoàn cảnh. Tiếp cận cái mới nhưng đừng vội bài trừ cái cũ. Có cũ, có gốc thì mới có mới có ngọn”.

Bạn đọc Thúy cho biết thực tế hiện nay ở dưới quê không có cây ATM để rút tiền. Chưa kể nhiều người dân chưa sử dụng điện thoại thông minh. Vì thế đừng cau có khi một ai đó nói không với chuyển khoản. Thay vào đó hãy chủ động chuẩn bị tiền mặt để thanh toán trong các giao dịch.

Bạn đọc nguyensinhcung4@gmail.com cho rằng mọi người đừng viện cớ nhiều lý do để bao biện cho việc cố tình chuyển khoản, làm khó người khác. “Ở quê người ta không chấp nhận chuyển khoản, bạn làm gì được người ta? Lên thành phố chưa bao lâu mà đã quên nguồn cội rồi thì thật đáng buồn”, bạn đọc nguyensinhcung4@gmail.com bình luận.

Bạn đọc Kuku Kuku mong rằng: “Phải nhớ câu này: Ăn quả nhớ kẻ trồng cây".

Bạn đọc chauthanh.nguyen2012 lý giải nguyên nhân một bộ phận người trẻ về quê có thói quen giả giọng hay quen xu hướng thanh toán kiểu “quẹt thẻ”, chuyển khoản, sử dụng ví điện tử: “là vì có một số người tự cho mình là dân sành điệu, hiện đại nhưng quên mất mình từ đâu ra”.

Bạn đọc Khang Khang khuyên rằng: “Đừng thể hiện bản thân là dân thành phố. Hãy tự thừa biết ở quê nhà những người thân đang sống như thế nào. Chẳng lẽ về quê không có gia đình cha mẹ ở đó, quê mẹ là nơi mình sinh ra đó các bạn!”.

Theo bạn đọc Thanh Dung, đọc bài viết “Về quê đón tết, đừng giả giọng thành phố, đừng thanh toán bằng chuyển khoản...” bỗng dưng nhớ bài thơ Quê hương của Đỗ Trung Quân và của Tế Hanh. "Tôi nhớ cả những người không quen biết (Quê hương, Tế Hanh)", “Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nỗi thành người (Quê hương, Đỗ Trung Quân)". Quê hương là vậy. Cuộc sống quê hương là vậy. Xin đừng thể hiện mình là tiến bộ, là dân thị thành nơi chôn nhau cắt rốn”, bạn đọc Thanh Dung nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.