Vẽ lại những câu chuyện chiến tranh

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
21/07/2022 06:52 GMT+7

Còn mãi với thời gian là tên triển lãm diễn ra từ 20 - 27.7 của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam với những câu chuyện chiến tranh được kể qua tranh, tượng.

Bộ sưu tập của 2 bảo tàng

Tuyển tập truyện ngắn chọn lọc của nhà văn Võ Thị Hảo ra đời năm 1995 đã giới thiệu nhiều tác phẩm xuất sắc của bà. Trong số đó, không thể không nói đến truyện ngắn Người còn sót lại ở rừng cười. Đời sống của những nữ chiến sĩ canh kho quân nhu được kể lại cùng lúc với cả sự khốc liệt của chiến tranh lẫn diễn ngôn về giới. Đó là rừng cười trong văn chương. Triển lãm Còn mãi với thời gian cũng có một Rừng cười trên chất liệu sơn mài của tác giả Nguyễn Trường Linh.

Tác phẩm Những cô gái Trường Sơn của họa sĩ Đỗ Giáng Hương

BẢO TÀNG MỸ THUẬT VN CUNG CẤP

Rừng cười hiện thuộc sở hữu của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Tác phẩm xây dựng ý tưởng và phác thảo tại trại sáng tác mỹ thuật về đề tài Lực lượng vũ trang, Chiến tranh Cách mạng do bảo tàng này tổ chức hồi 2008. “Bằng đặc thù chất liệu sơn mài, tôi đã tạo chất liệu dữ dội của núi rừng Trường Sơn. Trong vòm hang động, hình ảnh các cô gái ở trung tâm bức tranh được dát vàng, ánh sáng tượng trưng cho ánh lửa, ánh sáng khát khao trong đêm tối, cảm giác âm thanh trong trẻo của tiếng cười vang vang, bay xa. Một khúc bi tráng của những cô gái bị lãng quên trong Rừng cười”, tác giả Nguyễn Trường Linh cho biết.

Tác phẩm Ký ức những ngọn đèn của họa sĩ Lê Anh Vân

BẢO TÀNG MỸ THUẬT VN CUNG CẤP

Còn mãi với thời gian trưng bày 69 tác phẩm mỹ thuật của 62 tác giả, được lựa chọn trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Ông Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, đánh giá đây là triển lãm cho thấy nhiều góc nhìn khác nhau về chiến tranh, với những ký ức không quên và lòng tri ân những người mẹ Việt Nam anh hùng, dân quân y, bác sĩ...

Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, cho biết trưng bày có sự góp mặt của nhiều thế hệ nghệ sĩ. Có những nghệ sĩ trực tiếp cầm súng và ghi lại những khoảnh khắc chân thật và sống động về hình ảnh người lính trong chiến đấu như họa sĩ Cổ Tấn Long Châu, họa sĩ Ngô Mạnh Lân. Có tác phẩm lại đặc tả sức chịu đựng của con người trong chiến tranh, như tác phẩm Ca mổ trong hang sơ tán của họa sĩ Trần Ngọc Hải. Nỗi đau sau cuộc chiến cũng được vẽ lại, thể hiện qua những tác phẩm như Người đồng đội được tìm lại, Người đàn bà ở phố Khâm Thiên. Bên cạnh đó, có tác phẩm mô tả sự lạc quan của chiến sĩ như: Trong lán dân quân, Đọc báo cho thương binh. Hình ảnh người mẹ cũng xuất hiện nhiều lần trong triển lãm.

Tác phẩm Hoa trên đảo của họa sĩ Đỗ Thị Ninh

Đa sắc

Ông Lê Anh Vân, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam, chia sẻ về tác phẩm Ký ức những ngọn đèn: “Cuộc chiến của mình là cuộc chiến bảo vệ, không chỉ có sức mạnh của người lính mà cả sức mạnh hậu phương. Vì thế, ngọn đèn đại diện sự chiếu sáng, hướng tới. Nên bức tranh đấy có 3 thế hệ phụ nữ. Người phụ nữ Nam bộ che giấu bộ đội cả thời chống Pháp và chống Mỹ. Người phụ nữ thứ hai là ở ngã ba Đồng Lộc, giơ đèn soi cho ô tô ra trận. Thế hệ thứ ba là tầm tuổi của tôi khi đó còn nhỏ, đi sơ tán. Cuộc chiến không chỉ dừng lại ở đánh nhau mà còn học tập, xây dựng sau này”, ông Vân nói.

Tác phẩm Bài ca người mẹ của nhà điêu khắc Lê Duy Ứng

BẢO TÀNG MỸ THUẬT VN CUNG CẤP

Ông Vân cũng cho biết vì yêu thích đề tài những ngọn đèn trong chiến tranh, ông đã vẽ đi vẽ lại nhiều lần. Một trong những tác phẩm đó đã được Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam mua. Tác phẩm tại triển lãm Còn mãi với thời gian ông vẽ sau khi đi học ở Ý, với những kỹ thuật cũng như thẩm mỹ mới mẻ. “Sau khi ở Ý về, tôi quyết định vẽ tiếp để tác phẩm ngày một tốt hơn. Màu chiến tranh tôi chọn sắc xám hư ảo. Đoàn quân như một dòng sông, trôi đi. Phía trên là ngọn đèn lớn nhất - mặt trăng”, ông Vân nói.

Tác phẩm Rừng cười của Nguyễn Trường Linh

Tác phẩm Hoa trên đảo của bà Đỗ Thị Ninh lại được sáng tác trong thời kỳ bà cùng một số họa sĩ “đổi mới” mỹ thuật hồi 1998. Ở thời kỳ này, màu sắc cũng như cách miêu tả hình tượng người lính của bà trở nên phóng khoáng hơn, xa dần lối vẽ tả thực ảnh hưởng mỹ thuật Xô Viết. Chính vì thế, tác phẩm gợi cảm xúc rất tươi mới, lạc quan về đời sống người lính đảo.

Ban tổ chức cũng cho biết trưng bày được lựa chọn với tiêu chí có sự đa dạng về bút pháp, thể loại và chất liệu (sơn dầu, sơn mài, lụa, điêu khắc gỗ...). “Với sự đa dạng này, triển lãm mong muốn đưa người xem hồi tưởng về một thời quá khứ hào hùng đã qua nhưng mãi được trân trọng và ghi nhớ. Triển lãm cũng truyền tải cảm nhận sâu sắc về tình yêu quê hương, đất nước, khát vọng hòa bình, lòng tri ân, trân trọng và biết ơn những người đã cống hiến, hy sinh vì độc lập dân tộc, vì cuộc sống bình yên tươi đẹp hôm nay”, ông Nguyễn Anh Minh nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.