Về đâu người hỡi - Truyện ngắn của Nguyễn Trí

21/08/2016 04:13 GMT+7

Vợ chồng Tư Nhạn và con cái sống nhờ vào nghề bán vé số. Bốn người ngày bán sạch bốn trăm tờ. Lời ngày bốn trăm ngàn.

Tháng ra mười hai triệu. Đó là tính gọn chưa kể khách mua, trúng nhỏ không nói làm chi chứ lớn lớn họ cũng cho tí đỉnh.
Ngoài ra vợ chồng Tư Nhạn còn ghi thêm đề đóm kiếm thêm ngày trăm ngàn hoa hồng nên cũng tậu được cái nhà và cái xe. Phải kể thêm cái sự vụ liều mạng của Nhạn nữa mới là thuyết phục cái vụ nhà và xe. Đó là ôm. Hễ vé ế là Nhạn ôm. Trước, cứ ba giờ mà còn là lo tuôn ra đại lý trả lại. Hôm đó Nhạn lừng khừng bên mâm rượu nên ôm hết năm chục tờ. May thay chiều đó mười tờ vô lô bốn con. Kiếm mớ kha khá nên từ đó hễ ế là Nhạn ôm luôn.
Nhạn chỉ hơi thất thu một chút vào mùa đi học. Hai đứa con đến trường nên vé số phải lấy bớt lại. Tội nghiệp hai đứa nhỏ. Ở trường về ăn xong cơm là mỗi đứa lại nhận năm mươi tờ lo rong ruổi mà giải quyết. Bà Mười - má vợ Nhạn - nói với con:
- Mày tham vừa vừa thôi. Hai đứa nhỏ vừa học vừa bán vé số thì ra cái ôn dịch gì?
- Thì tối cha nó kèm thêm rồi. Bà lo chuyện bà đi, lo nhà tui làm chi?
Nhạn nói:
- Bộ vé số không phải nghề hả? Tui ôm mà vô chục tờ độc đắc là thế gian nầy coi tui là ông cố nội liền. Yên tâm đi. Rồi sẽ có ngày đó.
Ông Mười nói với Tư Nhạn:
- Nói như mày là trật chìa. Tiền là tiền, học là học. Tiền không thay thế cho sự học được mày hiểu không? Học là để hiểu biết…
- Dẹp ông đi - có rượu nên Nhạn hỗn hào - đi học rồi cuối cùng cũng dùng cái sự học để nuôi cái thân mình. Bán vé số cũng vậy thôi. Mà đâu có mắc gì tới ông?
Ái chà... Con rể mà ông ông tui tui với cha vợ nghe hỗn dữ? Thực ra với bà Mười thì Nhạn là con rể ruột chứ với ông Mười thì ghẻ chóc thôi. Chả là bốn mươi sáu xuân tình bà Mười bước thêm bước nữa với cha con Dung - tức ông Mười - hai bầy con của tân lang và tân giai nhân muộn nầy đắc co cái rụp cả hai tay và hai chân. Bà Mười xong bổn phận làm mẹ đơn thân nuôi bốn đứa con tạm gọi là xuất sắc. Hai đứa con gái lớn lấy chồng tương đối bảnh ở Sài Gòn. Chỉ con Tư là thúi hẻo khi lấy trúng thằng vé số chuyên nghiệp. Bà nội cha nó. Đẹp như nữ chính trong phim mà dính vô cầu bơ cầu bất trong khi biết bao thằng xin chết vì em. Bà Mười quyết không. Cái thứ đã vô nghề nghiệp mà còn hũ hèm là không có cửa. Kẹt cái Tư thương quá nên Tư cho. Nhạn cũng vậy. Anh thương nên cho lại cô cái bầu. Vậy là bà Mười đớ lưỡi.
Năm Lộc - con út bà Mười - hoàn thành nghĩa vụ được ba tháng là lấy vợ. Bà và hai con gái lớn lo cho cái đám cưới hoành tráng luôn. Bao nhiêu tiền thu được từ đám bà cho hết con trai. Làm mẹ vậy chớ sao nữa giờ? Vậy nên khi cha con Dung có tình ý với bà Mười là bầy con xúm vô khích lệ. Nói vậy chứ bốn mươi sáu thì xuân chán, và đàn ông năm mươi tuổi như ông Dung thì quá xá đẹp. Bầy con ông Dung đứa nào cũng vợ chồng nhà cửa riêng tư nên ông Dung một mình trong nhà đi ra đi vô cũng hiu quạnh lắm. Một hôm kia ông làm cái tiệc nho nhỏ mời bạn bè và bầy con đến thưa với bà vợ đã khuất cho đi bước nữa. Vậy là bà Mười về ở với ông. Chồng bà đã có con trai hương khói. Thằng Dũng con trai lớn ông Dung cũng đem bàn thờ mẹ về thờ. Cặp sồn sồn ở với nhau đúng là một trời hạnh phúc. Cả hai được bầy con viện trợ từ a đến â. Không nhiều nhưng gì chứ sống thì tốt chán.
Khoản góp sách cho cha mẹ già vợ chồng Tư Nhạn được miễn. Ai mà lại đang tâm bắt góp với kẻ mà cái nhà chỉ hơn cái chòi một xíu? Còn cái xe? Mô Phật! Sườn 67 do Chợ Lớn sản xuất, máy của Tàu ba trợn. Trong khi thiên hạ đã lên cúp kiếc bảnh bao thì Tư Nhạn bố láo:
- Xe tụi mày còn bị giao thông thổi chứ tao thì cho nó cũng không thèm. Mà lỡ có tuýt còi tao cũng quăng luôn không phạt phiếc gì hết.
Hai đứa con của cặp đôi này được bà ngoại thương lắm. Ông ngoại tuy không máu mủ chi cũng cám cảnh. Vậy nên hai ông bà chưa già mấy lâu lâu cho cháu vài đồng, có ế vé số bà cũng mua giúp luôn. Hai bà dì trên phố lớn lâu lâu về thăm mẹ cũng giúp cho cô em thúi hẻo vài tờ có mệnh giá lớn.
Hôm đó dì Hai của hai thằng cu, thằng lớn lớp ba tên Hải, thằng em lớp hai tên Hà thấy hai thằng ôm hết mười bốn tờ vé số. Ôm thì cha chúng chỉ la la chút thôi chứ không tội lệ gì, nhưng mà ôm rồi xé nó đau lòng lắm. Một buổi bán năm chục vé lời được mười xé bỏ bảy thì ở nhà quách cho xong. Ôm để chờ trời gọi như cha chúng ước hả? Còn khuya. Thấy vậy bà dì mới mua giúp hai đứa cháu gọi là tình thương mến thương. Lúc ấy bầy em của hai bên, bên bà Mười và bên ông Dung cũng có mặt để dùng bữa cơm thân mật. Bữa cơm nầy hai cô con gái lấy chồng thành phố bỏ tiền ra nên thịnh soạn lắm. Chị Hai mới nói với em rể Nhàn như vầy:
- Nè... mày giữ mười bốn tờ này dò giùm chị. Chiều mà sê ri bảy tờ vô bất kỳ lô nào là tao cho mỗi đứa một tờ. Còn bảy tờ kia nếu trúng thì chia nhau mà sống.
Cả bọn vỗ tay hoan hô chị Hai. Ai cũng nghĩ ba cái vé số sáng mua chiều xé mơ gì giải lớn. Còn giải hai, ba con thì cho Tư Nhạn quách cho rồi.
Nhưng sự đời hoàn toàn không phải vậy.
***
Câu chuyện đến đây tạm dừng vì chủ quán hỏi người kể:
- Theo chú Ba thì Tư Nhàn có ém bảy tờ vé số đó của bà Hai không?
- Tất nhiên là có. Nếu không thằng Dũng bên ông Dung và thằng Lộc bên bà Mười không sửng cồ lên để ra cái hậu quả kẻ chết người bán thân bất toại và thằng Nhạn phải ngồi tù.
- Tui là tui nghĩ khác ông. Nếu Tư Nhạn ém bảy tờ vé số đó thì sao vợ con nó khổ vậy? Nếu có tiền trong tay con Tư đâu phải bước thêm bước nữa khi chồng mới ngồi tù có hai năm?
- Mày dở quá. Thằng Nhạn ém vé số chứ vợ nó có ém đâu. Sự cố xảy ra là công an thộp cổ nó đi liền. Con Tư biết thằng Nhạn giấu ở đâu cũng không dám lấy ra để lãnh giải. Hiểu không?
Chủ quán nhậu chưa kịp trả lời thì một trẻ trai khác có mặt:
- Chào chú Ba. Nhậu hả chú?
- Lai rai ba sợi cho vui chứ nhậu nhẹt gì mậy. Bữa nay mày đi làm về sớm vậy? Thích thì ngồi xuống làm vài ly cho vui.
- Dạ... không dám. Tuần này con làm ca đêm. Sáng nay về đến nhà là vùi đầu vô ngủ, tỉnh dậy nghe vợ con nói con trai chú mới về. Chớ thằng Lâm đâu rồi chú?
- Nó ở nhà mày ơi.
- Con mừng cho chú. Vậy là bữa nay chú lai rai cho đời bớt khổ phải không?
- Khổ hay sướng sao biết được mậy. Đời đến đâu hay đến đó. Mày ngồi đi... rót thêm chai nữa chủ quán. Nói mày nghe nè… thằng Lâm nói với tao là Tư Nhạn được chuyển về ở chung phòng với nó. Hai tháng chín tới đây chắc chắn thằng Nhạn được về.
- Thằng Nhạn bị hai chục năm lận mà chú Ba? - Chủ quán hỏi.
- Thì cải tạo tốt là giảm án. Nó cũng ở mười ba năm rồi chứ ít sao?
- Chú nói tiếp cái sự vụ Tư Nhàn đâm thằng Dũng và thằng Lâm đi. Con mới về xứ nầy nên không rành lắm. Con nghe nói mấy tờ vé đó chỉ giải nhất phải không chú?
- Vậy mới nói...
Già Ba kể tiếp rằng. Một tiếng đồng hồ sau là bữa cơm thân mật tan sòng. Già Ba và ông Mười là chiến hữu nên ngồi lại lai rai thời sự quốc tế. Đang khề khà thì vợ chồng thằng Danh cùng xóm chạy lại nhà nói rằng trúng được một tờ giải nhất mua của thằng Hải con Tư Nhạn. Cái thời điểm ấy một tờ vé số chỉ hai ngàn đồng, lô độc đắc là năm chục triệu và giải nhất chỉ mười triệu mà thôi. Nhưng cách đây mười ba năm thì chục triệu là cả một gia tài chứ không phải chuyện chơi. Nghe vậy cả hai gia đình mới xúm lại mà mừng hết cỡ luôn. Bảy tờ bảy chục triệu. Hai ông bà già rổ rá cạp lại và sáu gia đình vậy là bảy phần ngọt xớt. Để coi, vàng năm trăm ngàn một chỉ, mười triệu là hai cây. Chao ôi đời nó đẹp là đẹp. Già Ba ngồi nhìn gia đình bạn vui trong hạnh phúc mà tủi cho thân già hiu quạnh.
Thằng Dũng hỏi lại cho chắc trong khi chờ Nhạn đi lãnh tiền trúng đề ngoài thị trấn để giao cho tay em:
- Mà có thiệt là sê ri đó không chị Hai?
- Tao đâu có rành. Mua giúp vé ế cho hai thằng Hải và Hà rồi đưa cho cha nó dò giùm chớ tao đâu có coi thử số mấy.
- Phải sê ri có đuôi 18 không Hải?
- Đúng rồi cậu Dũng. Con ôm bảy tờ đó mà.
Vậy là quá xá đúng rồi. Chị Hai nói:
- Vậy thì cứ mỗi đứa một tờ. Tao hứa sao là làm y như vậy.
Năm Lộc bày bàn rượu cụng ly cái cốp với Dũng:
- Bà cha nó… có một tí cho đời bớt khổ.
- Tao kiếm cái xế chạy ôm. Cám ơn chị nghe chị Hai. Chị đúng là Quan Âm của tui à.
Mãi đến tám giờ tối tiếng 67 của Tư Nhạn mới về đến ngõ. Ngõ vắng xôn xao lên tức thì. Mấy cha mấy mẹ trúng đề đang chờ muốn hụt hơi để nhận cái một ăn bảy mươi của mình. Nhưng chục ngàn ăn bảy chục ngàn đâu có lớn bằng cái giải nhất chục triệu. Năm Lộc hỏi anh rể:
- Vô giải nhứt hả ông Nhạn?
Nhạn trả lời làm cả bọn đơ như cây cơ:
- Nhứt gì? Nhứt cư thì có.
Nói rồi Nhạn móc túi quần sau trình ra cọc vé số. Cả bọn chuyền tay nhau. Đúng là mười bốn tờ, trong đó bảy tờ nguyên sê ri đuôi 18 nhưng ba số còn lại chả có ăn nhập gì cái giải nhứt như thằng Danh đã trúng. Cả bọn đưa mắt nhìn Tư Nhạn. Đôi mắt nào cũng ánh lên sự nghi ngờ. Có ba sợi nên Năm Lộc cười khẩy:
- Đù... ông đừng có qua mặt. Lừa ai chứ lừa người trong nhà ông ngó được sao?
- Trời ơi, tao thề xe cán đó Lộc ơi, tao cũng tưởng vô mánh lớn rồi. Ai ngờ bảy tờ đều bị lụi. Tao mà gian cho chết không toàn thây. Bao nhiêu vé chị Hai đưa tao để y nguyên trong túi đến bây giờ. Đừng nghi tao tội nghiệp.
Chính ông Mười cũng khẩy một cái cười:
- Mày đừng có mà gian vậy. Lụi lụi... lụi dao vô họng mày thì có.
Cả nhà ồn lên như chợ vỡ. Mấy người trúng lô đề cũng ê ê Tư Nhạn chuyện của mày kệ mẹ mày nhưng mà chung lẹ tao đi về. Thì từ từ tui chung liền đây - Tư Nhạn nói - nhưng sự việc diễn biến nhanh quá. Năm Lộc rời bàn nhậu. Với tay từng qua lính tráng nầy đừng có giỡn chơi nghe. Du côn xứ nầy anh ta trị là xếp re hết đó. Lộc xốc cổ áo Nhạn lên:
- Ông không giao mấy tờ vé số ra là tui cho ăn cù loi à.
Tư - vợ Nhạn - nhảy vào xô em trai ra. Chi không biết chứ em cô mà nóng lên thì cô nó còn cho bạt nói chi chồng. Lộc nắm cú đấm lại và - a lê hấp một cú thôi sơn vô mặt Tư Nhạn cấp kỳ. Tất nhiên khi bị ăn đấm thì chả thằng nào không khùng lên mà văng tục. Dân vé số như Nhạn gì chứ chửi thề thì khỏi chê. Tư ta cho cả ông Mười ăn đủ thứ ăn. Vậy nên thằng Dũng mới nóng lên mà rằng:
- Mày mà chửi cha tao một tiếng nữa là tao đập mày luôn à.
- Mày ngon đập tao coi thử?
Vậy là Dũng nhào vô. Thôi thì ì ì xèo xèo, chả ai can chi được. Ngay cả tổ trưởng an ninh nhân dân chạy đến cũng khoanh tay chịu sầu. Bị Dũng và Lộc đánh đau quá nên Nhạn chạy ra nhà sau vớ được ngọn dao phay. Nhạn vừa chửi thề vừa tuyên bố:
- Đánh cái nữa tao lụi cho bây coi!
Nhưng Lộc xưa nay chưa từng sợ ai. Mẹ cha nó… đã gian tham mà còn đâm với chém. Lộc tới và đưa cái bụng ra:
- Nè đâm đi. Không đâm tao cho mày chết bữa nay.
Nói vậy chứ ai dám đâm. Nhạn thỏng tay dao. Phải chi lúc đó Lộc đừng manh động quá thì đã không lớn chuyện. Có lẽ thấy thằng anh rể chỉ miệng hùm gan sứa nên Lộc được nước chăng? Lộc bước tới và phang thêm cú đấm. Lần này trúng vô cánh mũi nên máu đổ. Vậy là máu cuồng điên bất chợt trỗi dậy, Nhạn vung một dao vào bụng Lộc. Ngọn dao dài những bốn mươi phân từ bên dưới đâm lên. Dũng thấy vậy nhào vô, ý chừng giật lại lưỡi dao. Nhưng Nhạn lại tiếp dao nữa, cũng vào bụng. Cú đâm trực diện không đến độ chết người nhưng nó mạnh đến độ gãy cột sống.
Thật dữ dội. Thật bàng hoàng.
Kẻ chết. Người bán thân bất toại. Nhạn lãnh án hai mươi năm tù giam.
Bọn trúng đề đành chịu sầu khi Nhạn bị bắt. Còn bảy tờ vé số thì trúng hay lụi vợ Nhạn cũng không biết. Cô có dính gì vô chuyện tày trời này đâu? Nhưng em ruột cô chết. Cái tội nầy cô phải chịu sự ghẻ lạnh của cả nhà.
Chả ai ngó cô đã đành.
Cả cháu ngoại bà Mười cũng lơ luôn.
***
Mười tháng sau vụ án mới được đem ra xét xử. Trong mười tháng ấy là một chuỗi những hệ lụy đổ xuống cả hai nhà của bà Mười và ông Dung. Cái nầy tiếp nối cái kia, thậm chí chồng lấn lên nhau theo một kiểu dữ dội thê lương nhất trần ai. Kẻ nào có máu phiêu lưu tưởng tượng đến hết thế cũng không hình dung ra sự thể nó có thể xảy ra như vậy. Ngay cả cái án hai mươi năm của Nhạn đem so với những điều đã xảy ra trong mười tháng ấy cũng chả có chi gọi là bi.
Cặp uyên ương già ngay lập tức lui về ai lo phần nấy. Bà Mười vừa khóc con trai chết tức tưởi vừa vỗ về cô con dâu lại phải à ơi ru thằng cháu nội mới tám tháng tuổi. Con vợ khóc chồng thảm không xiết kể. Thảm nhất là sau đám hai bà chị của kẻ vắn số cũng phải lui về nhà mà lo cho chồng và con của họ chứ ở mãi có mà nhà chồng chửi cho tắt bếp. Thôi thì người chết cũng đã yên mồ, người thân phải cố mà vươn qua để sống. Con Hạnh vợ Năm Lộc đâu có ngồi đó mà khóc mãi được. Lấy cái gì ăn mà khóc? Bao nhiêu tiền tha nhân đi đám đâu có đủ để trang trải. Cô gửi cháu cho bà nội, phải dứt sữa khi thằng cu mới chín tháng tuổi. Chồng chết mới một tháng phải ra đời kiếm cơm.
Vậy cũng còn thở được so với ông Mười. Ba tháng sau thằng Dũng được cha và vợ đưa về nhà. Xe cấp cứu của bệnh viện rề đến tận hẻm và hai nhân viên y tế đưa Dũng vào nhà bằng băng ca. Con vợ đi một bên và ông Mười tay xách chiếc xe lăn. Ta bà đứng xem chỉ chép miệng thương cảm chứ biết làm sao? Gãy cột sống thì còn chi của? Và trên trần ai khoai củ nầy không có còn bàn huống gì có chuyện. Bàn rằng:
- Phải chi thằng Dũng và con Linh có một đứa con thì...
- Thì là mà cái con khỉ khô. Có con như vợ thằng Lộc thì cũng vậy à. Tao nói là linh như miễu cho bây coi. Con Hạnh còn trẻ quá, lại đẹp. Bước thêm bước nữa là chắc lụi luôn.
- Thằng Lộc chết rồi nói làm chi. Con Hạnh thêm bước nữa cũng là tất yếu. Tao nói nếu thằng Dũng với con Linh có với nhau đứa con…
- Mày ngu chết mẹ. Thì cũng vậy thôi con ơi.
- Vậy là vậy làm sao?
- Gãy cột sống thì chuyện giường chiếu coi như bỏ con ơi.
Xưa nay dân gian nói và dân gian luôn đúng. Trong mười tháng, chỉ mười tháng mà biết bao thảm cảnh. Nó bắt đầu bằng việc ra đi không hẹn ngày trở lại của cô Linh. Mười tám tuổi và mới lấy chồng được tám tháng, hương lửa đang nồng say Linh đã vấp phải một bãi lầy giữa mùa đông giá lạnh. Dũng tuyệt vọng chỉ muốn chết. Làm sao người ta có thể chấp nhận được cảnh nằm yên một chỗ hỡi tha nhân? Dũng bẳn tính, anh ta chửi đất chửi trời chửi luôn ông Mười và chửi luôn cô vợ. Trời ơi. Linh phải tắm phải cho ăn phải đổ bô và đủ thứ. Vậy mà anh ta còn chửi thì ai mà chịu được? Hai con chị của Dũng là Dung và Hiền cũng chả bất ngờ chi khi Linh biệt dạng. Ông Mười xắn tay áo lo cho con trai. Thời gian đâu nữa mà hú hí với tình già?
Bà Mười cảnh giác với cô con dâu tức khắc. Bà không rời tay khỏi thằng cháu đích tôn. Mẹ nó lạt lòng ẵm con đi theo tiếng gọi là bà tự vận liền. Đời nầy kiếm sao cho ra cái cô Diệu trong vở kịch Lá sầu riêng? Bà căn ke con dâu còn hơn cú dòm nhà bệnh. Y như rằng. Một hôm kia Hạnh đi làm như thường lệ và chiều ấy không về. Thằng cu ngủ với bà nội quen rồi nên không vọng động. Chỉ mười tháng mà hai cặp trẻ tan đàn xẻ nghé kéo thêm cặp già xẻ nghé tan đàn thì chuyện hai chục năm tù của Nhạn phỏng có ra chi?
Nhưng bi nhất là cô Tư và hai đứa con trai của Nhạn.
Cả nhà ông Mười thù hận cô tuy không đúng nhưng còn khả dĩ chấp nhận được vì chồng cô cho con em họ ra thân tàn phế. Nhưng bà Mười ghẻ lạnh con gái thì quả mười phần sai. Cô nào có tội tình chi? Cái lý bà Mười nói với thiên hạ là xưa kia trong nhà nầy chả ai chấp nhận cái thằng đó là rể. Con Tư đã lấy trúng một con quỷ đội lốt người. Bà Mười không ngó cả hai thằng cháu ngoại. Một là bà quá nhọc với cháu nội, hai là thằng sát nhân thì con nó cũng chả ra chi. Cái nầy mới thiệt là giận quá hóa sai. Tòa án họ còn cho rằng Nhạn đã tự vệ một cách thái quá mà ra chuyện chứ hoàn toàn không dụng tâm.
Ghẻ lạnh với cô Tư quả là không đúng.
Nhưng thiên hạ mới là bất công. Cô Tư và hai đứa con dẹp luôn nghề bán vé số vì chả ai thèm mua nữa. Người mẹ tội nghiệp phải chạy vô mấy cái rẫy xin làm thuê kiếm gạo nuôi con. Ngày ra tòa cô nhìn chồng chả nói được một câu. Án kêu hai mươi năm chồng cũng không nói câu gì với vợ. Hai mươi năm là mất hẳn nhau rồi.
Nhạn lên xe bít bùng thụ án. Tư lại tiếp tục làm thuê mướn nuôi con. Cô nhận khoán cuốc cỏ trồng khoai để hai đứa con phụ thêm mà qua thì gian khó. Học hành làm sao được khi giật gấu vá vai vậy hả con? Hơn cả vá vai giật gấu là bạn học của hai cu nhỏ. Chúng không bè bạn với kẻ có cha là sát nhân. Nhìn con cô Tư sa nước mắt. Mười tám Tư lấy chồng. Hai mươi tám con lớn mới chín con nhỏ mới bảy tuổi mà phải lê la nương rẫy kiếm ăn thì sa nước mắt là đúng rồi phải không hỡi thượng đế tối cao? Tư đẹp nhất nhà, đáy mắt long lanh nước. Vậy nên ông ghen tị phải không ông trời?
Đúng rồi. Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen. Nếu không cô Tư đã không tựa đầu vô bờ vai một thằng khố rách khác mà nức nở.
Khố rách là dân tha phương. Tài sản chỉ có cái chứng minh nhân dân lận lưng. Gã cũng thảm cảnh không thua chi Tư. Rằng vợ bị mất vì sốt hậu sản. Con cũng ra đi theo mẹ. Buồn quá Thuận - tên của khố rách - lên đường tìm quên. Vào xứ nầy Thuận quanh năm rẫy mướn, và tất nhiên cây khô tưới nước cũng khô, nghèo thì đến xứ mô cũng móc bọc. Thuận ngó đen đen xấu xấu nhưng được cái ăn nói có duyên. Cả hai tâm hồn đơn độc và khổ lụy như nhau nhanh chóng kết tình bè bạn. Bên không vợ bên không chồng. Ông bà dạy lửa gần rơm lâu ngày nó phựt luôn chứ bén thì nhằm nhò chi.
Hai tháng sau khi tiễn chồng lên đường, Tư và Thuận nên một cặp trời sinh. Trời sinh thiệt chứ không phải chơi đâu nghe. Hai đứa con Tư thích cha ghẻ một phép. Chả là giang hồ Thuận biết cách mua lòng con trẻ lắm. Con không ưa thì còn lâu mẹ mới chịu. Thứ nữa là cái bụng Tư lum lên. Trời ơi - thiên hạ nói - đã lấy chồng thì cho được một chút, thằng vé số đã không ra ôn dịch gì nay bá vô thuê mướn thì sao mà ngu thế Tư ơi?
Và xưa nay cái đói, cái thiếu thốn luôn làm bẩn chật hồn người. Ngày vui của Tư và Thuận qua rất nhanh. Đứa
con gái ra đời đã làm bẩn chật cô đặc lại. Tâm hồn Thuận cũng quánh theo. Trời ạ. Vợ thì nằm cữ.
Hai cu con thì đứa mười đứa tám đứng còn chưa vững lấy gì cho kẻ khác nương? Thuận cáu kỉnh với trời đất sao số mình đen đủi. Sau đó cáu luôn với hai thằng cu. Vụ cáu kỉnh nầy rất nhanh chóng thành bệnh nhất là khi có ba sợi. Mười hai tuổi Hải cự lại cha ghẻ khi ông ta mắng Tư là đồ ăn hại:
- Dượng không được chửi má tui.
Thuận lừ lừ cặp mắt mí lót:
- Mày du côn như cha mày rồi đó nghe.
- Ông không được đụng đến cha tui. Cái nhà nầy là của cha tui đó.
- Cha mày về thì tao trả. Tao không cướp đâu mà lo. Đồ mất dạy.
Anh em Hải, Hà chạy qua bà ngoại. Bà Mười có đứa cháu trai đẹp như thiên thần lại quậy như giặc nên cũng nguôi ngoai chuyện đã rồi. Hai thằng cu ngó vậy mà được việc. Chơi với em đã đời lại chạy qua ông Dung chăm sóc Dũng. Dũng cũng quen rồi cái chỗ nằm. Hai thằng cu nhấc lên xe lăn đẩy đi dạo xóm nhỏ kể cũng vui. Tối đến hai cu con ngủ với ông Dung cho có bạn. Hai thằng kể chuyện tiếu lâm Tây tiếu lâm ta hay số dách. Nó làm cho kẻ bán thân thấy đời không đáng chết. Hơn cả vui chơi, chúng còn lo cho ông Dung và cả bà Mười cái ăn bằng đồng bạc kiếm được nữa. Cái dòng con không cha, mẹ có đó cũng như không. Chúng khôn thôi thì nẻ vỏ.
Và mười ba năm trôi qua như một giấc mộng.
***
Chủ quán nhậu thở dài:
- Thằng Nhạn sắp về. Sao mà tui lo cho con Tư quá anh Ba? Rối như canh hẹ cho anh coi.
- Chuyện gì đến sẽ đến. Lo chi cho nhọc mậy.
- Thằng Nhạn về - chủ quán lại tiếp - đương nhiên phải trả lại nhà cho nó. Vậy thì thằng Thuận và con gái nó đi đâu về đâu?
Biết về đâu?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.