Về chốn lưu thư

13/05/2018 08:36 GMT+7

Buổi tối sau chầu bia ở khu Nguyễn Trung Trực, tôi quành về đường Lý Tự Trọng. Bất chợt thấy một dãy ánh sáng khá lung linh từ một khu nhà to đùng đối diện với Tòa án Thành phố.

Một phút giây ngắn cho chút ít chất xám còn sót lại trong não hồi tỉnh thì chợt nhận ra rằng đây là Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM - một nơi chốn vốn quá đỗi quen thuộc với nhiều kỷ niệm.
Không gian kiến trúc Pháp giữa Sài Gòn
Ngày ấy sau khi Thư viện Quốc gia Sài Gòn vừa khánh thành vào cuối năm 1971 thì nơi đây trở thành điểm tụ tập của những ngày vừa học thi tú tài 2 (cuối lớp 12) và thể thao cặp mắt bằng cách ngắm những nữ sinh trong những chiếc áo dài. Khu vực này đẹp không chỗ chê vì những kiến trúc Pháp cổ bao quanh các trục đường chung quanh thư viện tạo nên một cái hồn cốt cách cho Sài Gòn.
Từ thư viện nhìn qua là nơi không ai muốn vào vì đó là tòa án với sự bề thế đến lạnh mình. Con đường Gia Long (bây giờ là Lý Tự Trọng) khá đỗi quen thuộc khi chúng tôi phóng xe qua khỏi Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa) là dinh Gia Long nổi tiếng một thời. Phóng xe lên vài trăm thước nữa là Bộ Kinh tế (Dinh Thượng thơ cũng còn gọi là Nha Nội vụ ngày trước) được xây dựng từ năm 1868 với kiến trúc Pháp đẹp mà nhiều sinh viên trường cao đẳng kiến trúc được hướng dẫn đến đây nghiên cứu. Tụi tôi nghĩ sao Tây nó hay quá ta vì cách quy hoạch và xây dựng trung tâm thành phố tiện lợi và thơ mộng vô cùng. Đối diện Bộ Kinh tế là Nha Động viên - một nơi mà bọn đến tuổi lính đều “dính líu” đến hai chữ đi lính mà lạnh cẳng. Cạnh bên Nha Động viên là một thư viện, rồi buồn tình quẹo qua tay trái sẽ thấy Vương cung Thánh đường - nào các sĩ tử hãy đến đây mà cầu nguyện cho thi đậu. Quẹo sang tay phải là vườn hoa Chi Lăng rồi đi thẳng xuống tòa nhà quốc hội thời đó.
Trước đó tụi tôi thường chui học ké ở Thư viện Abraham Lincoln, đối diện với thương xá Tax, thư viện Anh (British Council), Central Culturel (thư viện Pháp)... Nhưng khi Thư viện Quốc gia Sài Gòn vừa xây xong thì coi như những thư viện vốn là nơi tá túc ngày trước cho lũ “đầu bướu” đã trở thành dĩ vãng. Nói để giải quyết cái khâu oai chứ lúc ấy Thư viện Quốc gia chỉ dành cho sinh viên, công chức, nhà báo chứ bọn học sinh thì chỉ lang thang vòng vòng, ngồi dưới mấy cái ghế đá nhìn ao nước có những con cá bơi tung tăng mà học bài. Được một cái ngồi ngoài sân giữa trời có thể tha hồ ngắm các cô sinh viên, nữ sinh trong những tà áo dài ngược nắng đã được nhà thơ Nguyên Sa thi vị hóa Sài Gòn ngồi thư viện rất nghiêm/Tờ hoa trong sách cũng nằm im/Đầu thư và cuối cùng trang giấy/Những chữ y dài trông rất ngoan...” (Tám Phố Sài Gòn). Nhìn hoài mà chẳng thấy cô gái nào có vẻ đá lông nheo với mình đành tụm năm, tụm ba nói chuyện trời trăng mây nước ngoài chuyện bài vở…
Nhiều câu chuyện ly kỳ
Ấy vậy mà nghe và biết được khối chuyện về cái thư viện này. Thoạt đầu cứ tưởng “nó” là từ Trường đại học Văn khoa có khu đất mênh mông từng được mệnh danh là khu văn nghệ với các đoàn văn nghệ Nguồn Sống, Trùng Dương của quán cà phê Văn mà Khánh Ly đã từng đi chân đất hát nhạc Trịnh tại đây từ năm 1965.
Rồi nhiều buổi chiều vắng mưa rơi ảm đạm ngồi nhìn khung cảnh bên ngoài nhiều cây cối có vẻ âm u lại bị thằng bạn kể rằng thư viện này có ma vì trước đây là Khám lớn Sài Gòn mà tác phẩm của Nguyễn An Ninh đã miêu tả rợn người. Khám lớn Sài Gòn do Pháp xây dựng trên nền của Sở Đúc tiền vào năm 1886, đến năm 1890 thì hoàn thành. Trong đêm 14.2.1916 đã xảy ra vụ quân của Phan Xích Long phá ngục và hậu quả là 38 người bị xử tử tại đây. Năm 1931, một thiếu niên 17 tuổi, được bạn tù kính phục gọi là “ông nhỏ” Lý Tự Trọng bị kết án tử hình vào ngày 20.11 vì đã bắn chết viên mật thám Le Grand để bảo vệ diễn giả Phan Bôi đang diễn thuyết tại quảng trường Lareni. Hiện nay, tượng của Lý Tự Trọng được đặt trong vườn hoa của thư viện.
Khi có nhà tù Chí Hòa, Khám lớn Sài Gòn chỉ còn là nơi giam giữ phụ, sau đó đã bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa cho phá hủy, để xây lên đó Trường đại học Văn khoa (1957). Tuy nhiên theo cụ Mai Thọ Truyền, Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa, mọi quyết định dự trù ngân khoản cùng việc chọn địa điểm và thiết lập đồ án xây cất thư viện đã được chuẩn bị từ năm 1956, nhưng mãi tới năm 1967 ngân sách chương trình dành cho thư viện chỉ mới được 120 triệu và khi hoàn thành thư viện vào cuối năm 1971 kinh phí đã lên gần tới 180 triệu.
Tem Thư viện Quốc gia phát hành ngày 10.4.1974, trong đó tem giá 15 đ là của Vi Vi - Võ Hùng Kiệt, đoạt giải nhất

Thư viện Quốc gia được xây dựng dựa theo đồ án thiết kế của hai kiến trúc sư Bùi Quang Hạnh và Nguyễn Hữu Thiện với sự cộng tác của cố vấn kỹ thuật của nhà thiết kế đô thị - kiến trúc sư Lê Văn Lắm. Được biết đồ án thiết kế này được chọn trong cuộc thi vẽ đồ án do Bộ Quốc gia giáo dục phát động. Và thiếu tiền xây dựng, chính quyền Sài Gòn đã mở 4 kỳ xổ số đặc biệt để có thêm kinh phí. Trong năm 1955, công trình xây dựng Thư viện Quốc gia đã được khởi công, nhưng dự án bị bỏ dở cho đến ngày 28.12.1968. Theo tài liệu thì tổng diện tích khuôn viên 7.070 m2, tiếp giáp bốn đường: Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Trung Trực, cổng chính số 69 đường Lý Tự Trọng. Thư viện cao 16 tầng, chia làm hai khối gần như phân biệt. Khối thứ nhất là một dãy nhà dài 71 m, ngang 23 m gồm tầng hầm, tầng trệt, hai lầu và một sân thượng; Khối thứ nhì nằm giữa, vuông vức và vọt lên như một ngọn tháp, có 14 tầng với chiều cao 43 m dành làm kho chứa sách báo.
Lạ một cái là tấm hình hài của Thư viện Quốc gia thoạt nhìn có cảm giác na ná như Dinh Độc Lập (Hội trường Thống Nhất) nhưng lại có nét riêng rất… độc lập. Dù không ảnh hưởng kiến trúc Pháp nhưng nằm trong khu vực do người Pháp xây dựng từ năm 1860 kiến trúc thư viện lại khá là hài hòa. Năm nay là năm thứ 40 nhưng hình ảnh thư viện vẫn đẹp như con tem do họa sĩ Vi Vi vẽ năm 1974.
Chỉ khác chăng là những thằng học sinh ngày xưa không được vào thư viện một cách chính thức bây giờ khi đến làm thẻ đọc thì được miễn phí vì “ưu tiên tuổi tác trên 60” và chẳng dám mơ ngắm nhìn tà áo dài của các nàng sinh viên nào nữa… Buồn thay - thời gian!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.