Về Bến Tre đi cung đường hoang sơ ra biển, ngắm xương cá ông nặng trăm tấn

Tấn Đạt
Tấn Đạt
16/07/2020 09:00 GMT+7

Không chỉ có cung đường hoang sơ đầy gió, khi đến với biển Cồn Bửng, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, chúng ta còn có thể nhìn thấy bộ xương cá ông nặng gần trăm tấn.

Để vui chơi trong những ngày hè của tháng 7, chúng tôi chọn huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre làm điểm dừng chân. Bắt đầu từ TP.HCM, chúng tôi chạy xe máy dọc theo Quốc lộ 1A, xuyên qua các tỉnh Long An, Tiền Giang, cuối cùng là đến cầu Rạch Miễu (tỉnh Bến Tre). Khi qua cầu, chúng tôi chạy thẳng theo Quốc lộ 60, 57, tầm khoảng 1 tiếng hơn là đến trung tâm huyện Thạnh Phú. Và thật may mắn chúng tôi vô tình gặp được anh Nguyễn Văn Sang, 27 tuổi, là dân địa phương nên khỏi lo bị lạc đường.

Khi được hỏi về du lịch nơi mình sinh sống, anh Sang cho biết tại đây có biển Cồn Bửng khá nổi tiếng, một trong những bãi biển vẫn còn lưu giữ nét hoang sơ vốn có. Hiện tại, biển Cồn Bửng là địa điểm du lịch hấp dẫn du khách gần xa.

Anh Sang còn nói: “Ngoài cái tên biển Cồn Bửng, người dân nơi đây còn gọi là biển Thạnh Phú hay biển Thạnh Hải đều đúng hết”.

Vừa nói câu cảm ơn, chúng tôi tiếp tục hành trình trên chiếc xe máy. Chạy khoảng 20 phút tôi đã cảm nhận được sức gió thổi mạnh hơn, mùi của nước sông, bùn hòa quyện vào nhau bay thẳng vào mũi. Đặc biệt con đường ra biển Cồn Bửng trải dài bởi hàng đước đầy sức sống và xanh rì.

Thành viên nhỏ tuổi nhất nhóm chúng tôi, Nguyễn Chí Thành, 18 tuổi, hiện là SV Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, chia sẻ: “Sau những tháng ngày học tập mệt mỏi thì cuối cùng đã được ngửi 'mùi' đi du lịch. Về miền quê cảm giác như sống chậm lại, rất an yên”.

Trong những năm gần đây người dân đã bắt đầu nuôi tôm công nghiệp thay vì thâm canh như lúc trước

Ảnh: Tấn Đạt

Gần đến biển thì khung cảnh càng thơ mộng

Ảnh: Tấn Đạt

Vẻ hoang sơ của những con đường ở xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre

Ảnh: Tấn Đạt

Những cây đước đầy sức sống

Ảnh: Tấn Đạt

Trước khi ra biển chúng tôi cùng với những đứa trẻ địa phương đã dạo quanh một vòng công viên Nghĩa trang đường Hồ Chí Minh trên biển - công trình ghi dấu và tôn vinh những chiến sĩ trên các con tàu không số, kế đến là vào Lăng Ông Nam Hải xem bộ xương cá voi nặng gần trăm tấn.

Công viên Nghĩa trang - Đường Hồ Chí Minh trên biển được khởi công xây dựng vào năm 2010 và hiện trong quá trình hoàn thiện với quy mô gần 600 ha

Công viên kéo dài đến tận biển. Các bạn trẻ cũng hay ra đây để hóng gió và "sống ảo"

Ảnh: Tấn Đạt

Đối diện công viên nghĩa trang là đền Lăng Ông Nam Hải, tại đây có bảo tồn và thờ cúng hai bộ xương cá voi nặng gần trăm tấn (người dân nơi đây gọi là cá Ông)

Ảnh: Tấn Đạt

Hai bộ xương (1 bộ có chiều dài khoảng 20 mét và 1 bộ có chiều dài khoảng 25 mét) của hai cá Ông đã lụy bờ vào tháng 2 và tháng 4 năm 2004

Ảnh: Tấn Đạt

Cận cạnh xương cá voi

Hiện tại, bộ xương cá voi được bảo quản trong lồng kính

Ảnh: Tấn Đạt

Nếu đến đúng vào dịp lễ hội Nghinh Ông xã Thạnh Hải tổ chức từ ngày 13 đến ngày 19 tháng giêng hằng năm, các bạn sẽ được tận mắt chứng kiến cảnh người tấp nập cúng viếng

Ảnh: Tấn Đạt

 
 

Vào những ngày cuối tuần, khách du lịch đi biển Cồn Bửng rất đông

Ảnh: Tấn Đạt

Các bạn trẻ mua hải sản

Ảnh: Tấn Đạt

Không có làn nước xanh trong hay bờ cát trắng vì là vùng biển phù sa. Tuy nhiên, nhiều du khách rất thích thú khi đến đây vì cảm nhận được những cơn gió mát lành, chạm vào những con sóng để thấy thư thái hơn sau những ngày làm việc căng thẳng

Ảnh: Tấn Đạt

Ngoài tắm biển, du khách có thể thưởng thức các món ăn được chế biến tại các quán dọc bãi biển

Ảnh: Tấn Đạt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.