Vẽ 9 dự án 'ma', lừa đảo trăm tỉ: Nữ GĐ công ty Angel Lina bị bắt

03/11/2019 07:07 GMT+7

Bà Phạm Thị Tuyết Nhung được xác định là người đứng đầu Công ty Angel Lina vẽ 9 dự án 'ma' lừa đảo hàng trăm khách hàng tại TP.HCM.

Như Thanh Niên ngày 2.11 thông tin, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã khởi tố, bắt giam Phạm Thị Tuyết Nhung (38 tuổi, ngụ Q.4), Giám đốc Công ty CP tư vấn và đầu tư Angel Lina, để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Công ty CP tư vấn và đầu tư Angel Lina (gọi tắt Công ty Angel Lina) có trụ sở tại 22B Phùng Khắc Khoan, P.Đa Kao, Q.1 (TP.HCM). Bà Nhung được xác định là người đứng đầu Công ty Angel Lina vẽ 9 dự án “ma” lừa đảo hàng trăm khách hàng tại TP.HCM.

Lừa hơn 285 tỉ đồng

Quá trình điều tra bước đầu, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cho biết, Phạm Thị Tuyết Nhung là Giám đốc Công ty Angel Lina và Công ty TNHH thương mại - dịch vụ đất vàng Hoàng Gia (trụ sở tại R4-83 đường Hưng Gia 1, P.Tân Phong, Q.7) đã lừa đảo chiếm đoạt số tiền rất lớn của nhiều người bằng cách ký hợp đồng góp vốn, đặt cọc mua đất nền tại 9 dự án không có thật.

Dự án khu dân cư Tây Lân (P.Tân Tạo, Q.Bình Tân - trên) và dự án khu dân cư Đỗ Xuân Hợp (P.Phước Long B, Q.9) mà Công ty Angel Lina tự vẽ trên giấy để bán cho khách hàng

Ảnh: Công Nguyên

9 dự án “ma” được bà Nhung vẽ ra và đặt tên khu dân cư và nhà ở: Triều An (P.An Lạc, Q.Bình Tân); Tây Lân (P.Tân Tạo, Q.Bình Tân); đường liên khu 5-6 (P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân); đường Nguyễn Thị Tú (P.Bình Hưng Hòa B); Bùi Thanh Khiết (TT.Tân Túc, H.Bình Chánh); P.Linh Trung (Q.Thủ Đức); Đỗ Xuân Hợp (P.Phước Long B, Q.9); P.Đông Hưng Thuận (Q.12); đường Phạm Văn Sáng (xã Xuân Thới Thượng, H.Hóc Môn).
Cơ quan CSĐT xác định: Năm 2017, bà Nhung và những người liên quan tìm đất có diện tích lớn nằm trong quy hoạch tại TP.HCM, mà không cần quan tâm đất đó là đất ở, đất nông nghiệp hay là đất trồng cây lâu năm… Sau khi thỏa thuận với chủ đất để mua hoặc đầu tư, nhóm của bà Nhung chỉ dừng lại ở chỗ hợp đồng đặt cọc để tạo niềm tin. Sau đó, lấy lý do đi lo thủ tục pháp lý cho miếng đất, nhóm của bà Nhung yêu cầu chủ đất làm giấy ủy quyền. Cầm giấy ủy quyền này, nhóm của bà Nhung không đi lo thủ tục pháp lý mà thuê người vẽ dự án, đặt tên, quảng cáo sai sự thật để bán cho nhiều người dưới hình thức góp vốn, cam kết trong vòng 3 - 6 tháng sẽ giao đất cho khách hàng. Sau khi ký hợp đồng, nhận tiền của nhiều người, nhóm của bà Nhung không thực hiện dự án như cam kết. Đến hạn giao đất, bà Nhung nhiều lần né tránh khách hàng, tìm cách kéo dài thời gian, trả mặt bằng công ty nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.
Mặc dù bà Nhung biết rõ những khu đất mà công ty mình làm dự án là chưa đủ cơ sở pháp lý, chưa sang tên, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng, nằm trong quy hoạch nhưng vẫn cố tình vẽ dự án, quảng cáo sai sự thật để bán cho nhiều người. Hành vi của bà Nhung đã cấu thành tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đến nay, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã tiếp nhận trên 200 đơn tố cáo của người dân đối với Phạm Thị Tuyết Nhung, với số tiền chiếm đoạt lên đến hơn 285 tỉ đồng.

Nạn nhân làm gì để đòi quyền lợi?

Chị N.T.H.L (ngụ Q.Gò Vấp, khách hàng mua đất tại Công ty Angel Lina) cho biết, vì thấy đất vùng ven giá chưa quá đắt, khả năng sinh lời cao nên tin tưởng bỏ hơn 2 tỉ đồng ký hợp đồng mua 2 nền đất tại dự án khu dân cư Tây Lân của công ty này. Đến thời hạn mà Công ty Angel Lina không giao đất, chị L. nhiều lần liên lạc công ty để “đòi”, nhưng đều bị né tránh, hứa hẹn để kéo dài thời gian.
Sau khi bị rất nhiều nạn nhân kéo đến trụ sở Công ty Angel Lina giăng băng rôn đòi tiền, thì công ty này đã trả mặt bằng dời đi nơi khác. Bà Phạm Thị Tuyết Nhung và nhiều người trong Công ty Angel Lina cũng không thể liên lạc được. “Tiền mồ hôi nước mắt của tôi bị lừa trắng trợn, tôi đi tìm bà Nhung trong tuyệt vọng nên đã lên công an tố cáo”, chị L. nói.
Tương tự, nhiều nạn nhân mua các dự án “ma” của Công ty Angel Lina cũng tuyệt vọng khi đi tìm bà Nhung đòi lại tiền. Bà P.T.N.H (quê Bến Tre) buồn bã: “Sao họ có thể giăng bẫy lừa đảo người dân dễ dàng như vậy? Làm sao để chúng tôi lấy lại tiền?”.
Theo Cơ quan CSĐT, vụ việc đang được mở rộng điều tra, người dân nào là nạn nhân của của nhóm Phạm Thị Tuyết Nhung nên đến Công an TP.HCM trình báo để đảm bảo quyền lợi về sau.

Cần cảnh giác “mùi” lừa đảo

Vụ việc Giám đốc Công ty Angel Lina Phạm Thị Tuyết Nhung bị bắt giam chỉ là một số ít những trường hợp lừa đảo trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) thời gian qua. Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng, khoảng 3 năm nay khi thị trường BĐS bùng nổ trở lại sau thời kỳ “ngủ đông”, rất nhiều công ty BĐS, nhất là các công ty môi giới đã "làm mưa làm gió" từ bắc đến nam. Các công ty này không từ bỏ thủ đoạn nào để “thổi giá” BĐS nhằm lôi kéo khách hàng, nhà đầu tư. Không những thế, những khu đất nông nghiệp, các công ty này mới xin được chủ trương, mới đặt cọc, đã đem phân lô bán nền. Nhiều công ty lấy đất quy hoạch là công viên cây xanh, đất giao thông, thậm chí đất quy hoạch là nghĩa trang để phân lô bán.
Cũng theo ông Phan Dũng Khánh, đáng báo động là các công ty đa cấp đã bước chân vào lĩnh vực BĐS, lấy đất đai, nhà cửa khi chưa đảm bảo tính pháp lý làm hàng hóa để huy động vốn, lừa khách hàng; mà điển hình là trường hợp Công ty CP địa ốc Alibaba (đã khởi tố vụ án - PV). Mới đây nhất là Công ty CP đầu tư - thương mại BĐS Nhật Nam đã lấy các khu đất phân lô không có thật ở nhiều địa phương làm "mồi nhử" để huy động vốn với mức cam kết lợi nhuận đến 144%/năm.
“Nếu tính sơ sơ, các gói đầu tư mà công ty này đưa ra gấp khoảng 10 lần lãi suất ngân hàng là có “mùi” lừa đảo rồi. Một doanh nghiệp BĐS mạnh cũng không có tỷ suất lợi nhuận cao như vậy, chứ đừng nói là lấy tiền đó chia lại cho nhà đầu tư (nghĩa là chưa trừ chi phí). Chưa kể hứa hẹn kiểu đó, nghĩa là đang huy động vốn, mà việc này nếu là tổ chức thì chỉ có ngân hàng và quỹ đầu tư mới được phép”, ông Khánh cảnh báo.

Lợi dụng tâm lý muốn làm giàu nhanh

Theo luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư TP.HCM, thời gian qua đánh vào tâm lý muốn làm giàu nhanh chóng, hám lời của một bộ phận không nhỏ khách hàng, nhiều công ty BĐS đã vẽ ra các dự án “ma” để huy động vốn bằng cách bán giá rẻ hơn khoảng 1/2 so với giá thị trường, và cam kết lợi nhuận cao. Các công ty này lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của nhiều khách hàng nên thường vẽ ra các dự án “khủng” để bán đất nền với cam kết sẽ đầu tư bài bản, với nhiều tiện ích, hạ tầng cao cấp… Tuy nhiên, khi đã ký hợp đồng thu tiền của khách hàng thì họ không làm, thậm chí trốn biệt.
“Dễ dàng phát sinh vấn nạn nhức nhối này, bởi thời gian qua luật pháp không nghiêm, công ty này thấy công ty khác kiếm tiền dễ quá, lừa dễ quá nên cũng lao theo làm bậy bất chấp hậu quả, bất chấp pháp luật”, luật sư Trần Đức Phượng đánh giá. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.