VCCI kiến nghị lộ trình thay đổi quản lý giá xăng dầu theo hướng thị trường

08/02/2023 06:33 GMT+7

Ngày 7.2, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Công thương góp ý việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.

Theo VCCI, về phương thức điều hành giá xăng dầu, Bộ Công thương đưa ra 2 phương án: phương án 1 là nhà nước tiếp tục định giá xăng dầu và sửa đổi công thức tính giá để bảo đảm tính đúng, tính đủ, kịp thời các chi phí trong giá cơ sở. Công thức tính cụ thể do Bộ Tài chính đề xuất. Phương án 2 là nhà nước không định giá xăng dầu mà sẽ do cung - cầu của thị trường quyết định. Trong Văn bản số 288/BCT-TTTN ngày 18.1 gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Công thương ưu tiên lựa chọn phương án 1.

VCCI kiến nghị lộ trình thay đổi quản lý giá xăng dầu theo hướng thị trường - Ảnh 1.

VCCI đề xuất bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu

VCCI đề xuất bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầuẢnh: Ngọc Dương

Qua phân tích, VCCI bày tỏ lo ngại về tính hợp lý và khả thi của phương án 1 khi cho rằng việc tính toán chi phí này rất phức tạp, cần nhiều thông số và không có cơ sở tham chiếu, dễ bị báo cáo sai lệch. Nếu điều hành giá xăng dầu như phương án Bộ Công thương đề xuất lựa chọn, thị trường xăng dầu tiếp tục lặp lại những bất cập như thời gian vừa qua mà không có cách nào khắc phục; an ninh năng lượng luôn bấp bênh và hạ tầng năng lượng sẽ không được đầu tư phát triển, nhanh chóng xuống cấp.

VCCI kiến nghị chọn phương án 2, bởi giá bán do cung - cầu quyết định sẽ phụ thuộc vào mức độ cạnh tranh của thị trường; cần thúc đẩy tính cạnh tranh của thị trường bằng nhiều biện pháp như: cho phép mở các cây xăng gần nhau; cho phép các cây xăng nhập hàng từ nhiều nguồn; hạ rào cản gia nhập thị trường xăng dầu và điều tra hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh khi có dấu hiệu.

Tuy nhiên, VCCI bày tỏ băn khoăn, Văn bản 288/BCT-TTTN của Bộ Công thương đề nghị chỉ sửa đổi một số nội dung để khắc phục bất cập, hạn chế trong triển khai Nghị định 95 và Nghị định 83, về lâu dài sẽ cân nhắc sửa đổi một cách căn bản tư duy quản lý điều hành, thực hiện việc quản lý điều hành giá theo cơ chế thị trường, tăng tính chủ động của doanh nghiệp trong việc xác định giá bán lẻ xăng dầu trên thị trường, nhưng chưa xác định rõ khi nào thực hiện việc này.

Theo VCCI, nếu tiếp tục kéo dài, các vướng mắc căn bản của phương thức nhà nước định giá xăng dầu sẽ không được xử lý. VCCI đề nghị Bộ Công thương xin ý kiến Chính phủ về việc xác định thời điểm và lộ trình thay đổi phương thức quản lý giá xăng dầu theo hướng thị trường ngay trong tờ trình xây dựng nghị định sửa đổi lần này.

Trong văn bản góp ý, VCCI đề xuất bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, bởi xét về lý thuyết và thực tiễn đều cho thấy quỹ này không đạt được mục tiêu giúp bình ổn giá như mong muốn. VCCI ủng hộ phương án cho phép các đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy từ nhiều nguồn và sửa đổi một số quy định cho phép các đại lý bán lẻ chủ động hơn trong kinh doanh.

Liên quan đến quyền và nghĩa vụ của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, Bộ Công thương đưa ra phương án: Nhà nước sẽ hỗ trợ tài chính đối với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu khi các doanh nghiệp này thua lỗ, nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho nền kinh tế. Tuy nhiên theo VCCI, việc hỗ trợ tài chính này về bản chất là nhà nước dùng tiền ngân sách để khiến chi phí kinh doanh của doanh nghiệp giảm xuống, trong khi nhà nước vẫn duy trì giá bán xăng dầu ở mức thấp và thu các loại thuế đối với xăng dầu.

VCCI cho rằng điều này là không cần thiết. Có một giải pháp khác tốt hơn là nhà nước tăng giá bán lẻ xăng dầu sao cho phản ánh đúng chi phí của doanh nghiệp hoặc cho doanh nghiệp quyền tự quyết định giá. Khi đó, doanh nghiệp sẽ có động lực để kinh doanh mà không cần bất kỳ một sự hỗ trợ nào.

Cũng trong ngày 7.2, VCCI gửi thư mời dự hội thảo góp ý về dự thảo nghị định nói trên đến doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Dự kiến hội thảo diễn ra vào ngày 14.2, do VCCI và Bộ Công thương phối hợp tổ chức. Hội thảo nhằm đảm bảo tính hợp lý, khả thi của văn bản, bảo đảm quyền và lợi ích của doanh nghiệp.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.