Vất vả xem điểm thi THPT Quốc gia

23/07/2015 09:00 GMT+7

Theo Bộ GD-ĐT, thí sinh bắt đầu được tra cứu điểm thi từ 14 giờ 30 chiều 22.7 nhưng trên thực tế rất nhiều thí sinh dùng đủ mọi cách nhưng đến tận 19 giờ mới biết kết quả, chưa kể kết quả mỗi lúc mỗi khác.

Theo Bộ GD-ĐT, thí sinh bắt đầu được tra cứu điểm thi từ 14 giờ 30 chiều 22.7 nhưng trên thực tế rất nhiều thí sinh dùng đủ mọi cách nhưng đến tận 19 giờ mới biết kết quả, chưa kể kết quả mỗi lúc mỗi khác.

Cùng một thí sinh nhưng 2 kết quả khác nhau: một website có đủ 5 môn, một website chỉ có điểm 3 môn - Ảnh: Quý Hiên
Miệt mài “ôm” máy tính cả buổi mà không được
N.T.H, thí sinh (TS) của cụm thi Học viện Nông nghiệp VN, cho biết đầu giờ chiều hôm qua dù rất cố gắng vẫn không thể truy cập các trang http://thisinh.thithptquocgia.edu.vn, http://thi.moet.gov.vn, vào tiếp website của trường ĐH bách khoa và sư phạm nhưng cũng đều không truy cập được. Mãi tới hơn 16 giờ, H. được một người họ hàng làm việc ở một công ty lớn xem được điểm giúp qua website của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Anh V.C, cán bộ một doanh nghiệp nhà nước ở phố Hồ Đắc Di, Q.Đống Đa, Hà Nội, cũng cho biết cả chiều anh không làm được gì chỉ vì ngồi “ôm” máy tính xem điểm cho mấy đứa cháu. Suốt từ 14 giờ 30 đến gần 18 giờ, hầu như không vào được các website theo danh sách xem điểm thi của Bộ mà báo chí công bố. Trang xem điểm chính thức của Bộ tại địa chỉ http://thisinh.thithptquocgia.edu.vn gần như “chết” hẳn. Các trang còn lại tuy vào được nhưng rất chập chờn.
Anh P.H, ở ngõ 218 Tây Sơn, Q.Đống Đa, cũng xem điểm thi cho cháu, miệt mài vào mạng từ khi Bộ thông báo mở cổng xem điểm cho đến tận 19 giờ mới xem được.
Qua phản ánh của bạn đọc, suốt từ 14 giờ 30 đến 16 giờ không một ai có thể xem được điểm từ 2 trang web của Bộ cũng như một số trường khác. Liên lạc với ông Hoàng Minh Sơn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ông cho biết trường đang cho thay server. Còn ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, khẳng định thời điểm đó TS đã có thể xem điểm tại website của trường được rồi do bộ phận kỹ thuật mới thay băng thông khác rộng hơn.
Sập mạng là tất yếu !
Theo các thông tin ban đầu từ phía Bộ GD-ĐT, dữ liệu kết quả thi của TS sẽ do Bộ quản lý, và chỉ duy nhất Bộ mới được công bố điểm thi cho TS thông qua các website của Bộ. Tuy nhiên, đến trưa hôm qua, Bộ gửi một thông báo tới các báo đài, trong đó liệt kê các website xem điểm thi. Ngoài các địa chỉ website của Bộ đã được công bố từ trước còn có địa chỉ các trang web của 8 trường ĐH, tương ứng với 6 khu vực.
Trao đổi với Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết việc phân chia này không chỉ về mặt hình thức mà thực chất bởi Bộ đã chia nhỏ dữ liệu theo các gói phù hợp gửi cho các trường. Ông Ga xác nhận có hiện tượng sập mạng do thời gian đầu TS và người nhà truy cập ồ ạt trong cùng một thời điểm, nhưng sự cố này đã được khắc phục (?), một phần do các trường kịp thời xử lý, một phần do lượng TS vào tra cứu dữ liệu giảm đi. Ông Ga cũng cho biết, theo kế hoạch ban đầu, Bộ sẽ sử dụng một máy chủ với năng lực tải tối đa 60.000 lượt truy cập cùng thời điểm, nhưng sau ngày 20.7, khi đối mặt với lượng dữ liệu kết quả thi quá lớn thì mới tìm giải pháp thay thế, đó là lý do tại sao phải chia ra 6 gói dữ liệu cho 8 trường ĐH.
Chia sẻ với Thanh Niên, nhiều chuyên gia công nghệ thông tin cho biết họ hết sức ngạc nhiên bởi không thể hình dung nổi tại sao với “bài toán” 1 triệu TS dự thi và có tâm lý sốt ruột xem điểm thi mà lại chỉ chuẩn bị hạ tầng cho tối đa 60.000 lượt xem đồng thời.
Còn một giảng viên công nghệ thông tin ở một trường ĐH kỹ thuật lại cho rằng, sự cố sập mạng trong suốt chiều và tối hôm qua là đương nhiên: “Một bài học kinh điển mà cả thế giới biết, đó là vụ sập cầu sắt vì trên đó có 100 lính duyệt binh thời Napleon. Cầu bị sập không phải do trọng tải yếu, mà vì sự cộng hưởng của 100 đôi chân cùng duyệt binh. Việc công bố điểm cho TS cũng vậy, server nào mà tải cho nổi khi có lực tác động là những nhát bấm chuột liên tiếp (do bấm hỏng rồi bấm lại) chứ không hẳn do 1 triệu người cần xem điểm. Lẽ ra Bộ phải chia nhỏ để phân tán lượng TS thì Bộ lại ôm về một mối. Đến khi chia nhỏ gói ra thì không kịp”.
Trước thực tế này, GS Nguyễn Minh Thuyết nhận định: “Tôi rất ngạc nhiên vì đến giờ mà tư duy của lãnh đạo Bộ GD-ĐT vẫn như nhiều năm trước đây, tức là cứ thích ôm việc. Bộ cứ ôm việc lặt vặt như thế thì làm sao có thời gian để lo việc lớn?”.
Thi 5 môn, báo kết quả 3 môn
Một TS thi 5 môn, nhưng trên trang http://thi.moet.gov.vn chỉ báo điểm 3 môn (không có điểm hai môn văn, toán). Khoảng nửa tiếng sau, nhờ một người quen ngồi ở một địa điểm khác ngẫu nhiên thử thì truy cập được vào trang http://thisinh.thithptquocgia.edu.vn, TS này nhận được thông tin đầy đủ điểm thi với 5 môn toán, văn, ngoại ngữ, lý, hóa.
Qua phản ảnh của Báo Thanh Niên, tối qua Thứ trưởng Bùi Văn Ga đích thân kiểm tra, kết quả cho thấy ở trang http://thi.moet.gov.vn đã hiện điểm đủ 5 môn. Ở trang http://tuyensinh.tnu.edu.vn của Trường ĐH Thái Nguyên cũng hoàn toàn trùng khớp. Thứ trưởng Ga giải thích: "Có thể TS xem điểm thi vào thời điểm mạng bị trục trặc nên dữ liệu không nhặt được ra hết dẫn đến bị thiếu môn".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.