Vất vả như bác sĩ y tế dự phòng

Liên Châu
Liên Châu
27/02/2022 17:40 GMT+7

"Bình thường, bác sĩ y tế dự phòng đã bận rộn, khi có dịch thì càng vất vả. Họ lựa chọn ngành học mình yêu thích và cũng xác định có những thiệt thòi".

Đó là nhận định của PGS-TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế.

Quan tâm, đãi ngộ tốt hơn cho y tế dự phòng, y tế cơ sở

Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27.2, là người từng công tác lâu năm trong lĩnh vực y tế dự phòng và hiện vẫn tham gia giảng dạy, đào tạo, PGS-TS Nguyễn Huy Nga, chia sẻ: "Người làm trong lĩnh vực tế bây giờ khá khó khăn không chỉ về là đãi ngộ mà là lương cơ bản chưa xứng đáng".

Như các nước, y bác sĩ, người làm trong ngành y có mức thu nhập cao hơn mức chung. Còn chúng ta, hiện, một bác sĩ mới ra trường lương cứng khoảng 4 triệu đồng/tháng, dù thi vào khó, thời gian học lại kéo dài hơn. Trước đây bao cấp, ai cũng thu nhập cũng thấp. Hiện, mặt bằng chung, thì thu nhập của thầy thuốc là khó khăn.

Bác sĩ y tế dự phòng có thể khó khăn hơn một số chuyên khoa khác ngành y do họ không thể làm thêm để tăng thu nhập

ĐẬU TIẾN ĐẠT

Thực tế tham gia giảng dạy và đào tạo, TS Nga cho biết "Một số chuyên khoa hầu như không tuyển sinh được, do đầu vào thi tuyển yêu cầu điểm cao mà đầu ra thì thu nhập thấp và không thể làm thêm được, như với bác sĩ y tế dự phòng".

Theo TS Nga, bình thường, bác sĩ y tế dự phòng đã khó khăn, khi có dịch thì càng vất vả. Họ trực đêm, trực ngày, thậm chí đi làm liên tục nhiều ngày. "Họ lựa chọn ngành học mình yêu thích và có thể cũng xác định có những hy sinh thiệt thòi, nhưng lúc khó khăn quá thì cũng rất khó để kêu gọi họ tham gia. Và điều đó, mình cũng cần chia sẻ với nhân viên y tế" TS Huy Nga bày tỏ.

Chuyên gia cũng cho rằng: "Với những người đã làm nghề, rồi họ bỏ nghề, chắc chắn đó là lựa chọn sau cùng, không thể đừng. Bởi vì, mức lương thấp trong khi làm việc quá sức, kéo dài, đặc biệt, trong dịch Covid-19 như thế này. Tất nhiên, có thể ngành khác cũng có thể mức lương thấp nhưng họ làm việc đỡ vất vả hơn".

Thu nhập phụ thuộc bệnh nhân

Ngoài ra, TS Huy Nga cũng băn khoăn khi hệ thống y tế của mình tại xã, huyện nhiều nơi gần như khoán thu nhập. Nghĩa là nguồn thu nhập phụ thuộc vào bệnh nhân.

Nếu không có bệnh nhân thì không có nguồn thu nhập. Đặc biệt là cơ chế thông tuyến, người bệnh có thể lên thẳng tuyến trên, không qua y tế cơ sở khám chữa bệnh ban đầu. Đau bụng có thể vào tuyến trên chứ không cần qua tuyến dưới, do đó, y tế tuyến dưới không có bệnh nhân, thì lại không có thu, không có thu thì không có để chi trả lương, hoặc thu nhập tăng thêm, vì vậy nhân viên y tế có thể bị nợ lương hoặc không có thu nhập tăng thêm.

Tuyến dưới có mức thu dịch vụ cũng thấp hơn tuyến trên. Cùng môt dịch vụ nhưng tuyến trên lại được thu cao hơn; trong khi đó, nên chấp nhận theo hướng, nếu y tế cơ sở mạnh, đủ điều kiện về nhân lực, thiết bị thì cho họ làm kỹ thuật cao, tạo cho họ có nguồn thu và người dân thì thuận lợi tiếp cận dịch vụ tốt.

Chuyên gia cho hay: "Như tôi thấy, điều dưỡng mới ra trường lương cứng 3 triệu đồng/tháng; bác sĩ mới khoảng 4 triệu đồng/tháng, thạc sĩ khoảng 5 triệu đồng/tháng rất khó để họ yên tâm với nghề".

Ngay với điều dưỡng cũng vậy, chúng ta có cơ chế để đào tạo chất lượng và mức thu nhập tương xứng. Tại bệnh viện, có thể 70% nhân lực là điều dưỡng, họ tham gia chăm sóc, hỗ trợ bác sĩ điều trị, và công việc cũng nặng nhọc. Nếu điều dưỡng không thể sống bằng thu nhập thì họ rất khó có thể theo nghề. Khi thiếu hụt nhân lực, bệnh nhân sẽ chịu thiệt thòi.

"Với bác sĩ y tế dự phòng thì càng khó vì họ không được hành nghề (làm thêm) để thêm nguồn thu nhập. Khi khó khăn quá thì có khi cũng bị cám dỗ. Do đó, một số chuyên khoa như y tế dự phòng, y tế công cộng khó tuyển sinh viên, và như vậy sẽ tiếp tục thiếu hụt nhân lực", TS Huy Nga chia sẻ.

Do đó, ông Huy Nga nêu ý kiến, cần có chính sách lương, đãi ngộ đảm bảo đời sống, yên tâm công tác đồng thời rà soát hệ thống y tế cơ sở để có chế độ tốt hơn; nhân lực củng cố về chất lượng và số lượng đảm bảo cũng như có chế huy động nhân lực trong các tình huống đặc biệt như qua thực tế chống dịch Covid-19.

Ngoài ra, ông Nga cũng đề xuất y tế tuyến xã, phường cần được quan tâm. Nếu thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào nguồn thu từ cung cấp dịch vụ y tế thì nguồn thu phụ thuộc vào bệnh nhân. Nếu một ngày họ chỉ có 1 - 2 bệnh nhân, cả tháng 15 - 20 bệnh nhân thì thu nhập rất thấp.

"Một số nước như Thái Lan, phụ cấp cho người công tác tại y tế tuyến dưới được hưởng cao hơn người công tác tại y tế tuyến trên. Chúng ta cũng cần rà soát, có chính sách tốt hơn cho y bác sĩ y tế tuyến cơ sở", TS Nga nêu ý kiến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.