Vật tư y tế lại thiếu hụt do chờ thầu

25/10/2023 06:31 GMT+7

Mặc dù Chính phủ đã có Nghị quyết 30 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp để bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế; Bộ Y tế cũng đã ra thông tư hướng dẫn thực hiện; thế nhưng do chậm trễ trong khâu đấu thầu nên nhiều bệnh viện tái diễn tình cảnh thiếu hụt vật tư y tế, thuốc…

Bệnh nhân phải ra ngoài mua kim tiêm, bông băng…

Dù có bảo hiểm y tế (BHYT), nhưng nhiều bệnh nhân (BN) đến điều trị tại Bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh Bình Phước lại được yêu cầu ra hiệu thuốc bên ngoài BV mua từ những thứ nhỏ nhặt nhất như bông băng, kim tiêm... Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại BV này diễn ra nhiều tháng qua khiến BN bức xúc và thiệt thòi.

Vật tư y tế lại thiếu hụt do chờ thầu - Ảnh 1.

Nhiều BV tái diễn tình cảnh thiếu hụt vật tư y tế, thuốc... do chậm trễ trong khâu đấu thầu

Ngọc Dương

Nhập viện cuối tháng 9 trong tình trạng bị gãy xương đòn, anh Bùi Ngọc Thanh Phương (ngụ xã Minh Hưng, H.Bù Đăng, Bình Phước) được chỉ định mổ, nhưng bác sĩ (BS) liệt kê một loạt danh mục vật tư tiêu hao và yêu cầu mua ở ngoài, như: gạc phẫu thuật, bơm, kim tiêm, chỉ, dao mổ, băng keo, mũ phẫu thuật, bộ nẹp… với tổng số tiền hơn 12 triệu đồng.

"Tôi có BHYT, nhưng giờ BV đa khoa tỉnh Bình Phước không có vật tư y tế nên yêu cầu ra hiệu thuốc bên ngoài mua. Giờ bỏ ra số tiền lớn như vậy mà không được tính vào BHYT khiến tôi rất bức xúc", anh Phương nói.

Cũng nhập viện trong tình trạng rạn xương bánh chè và được chỉ định mổ, dù có BHYT nhưng anh Trần Đình Cường (ngụ TX.Phước Long) cũng bất ngờ khi được BS đưa cho một loạt danh mục vật tư tiêu hao phải mua bên ngoài như: bơm, kim tiêm, chỉ, gạc phẫu thuật, nẹp khóa mâm chày… với số tiền hơn 8 triệu đồng. "Tôi thắc mắc hỏi BS thì không thấy ai nói gì, họ chỉ yêu cầu ra ngoài mua thôi", anh Cường bức xúc.

Tương tự, ông Thạch Phong (ngụ H.Bù Gia Mập) bị máy phát cỏ cắt vào bàn chân cũng được BS của BV đa khoa tỉnh Bình Phước yêu cầu ra bên ngoài mua kim tiêm, ống chích... "Gia đình mình là người đồng bào, hoàn cảnh khó khăn, được nhà nước cho BHYT mà vào BV cái gì cũng phải mua, mình bức xúc lắm mà không biết nói với ai", ông Thạch Phong nói.

Chậm đấu thầu do tâm lý sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra...

Trao đổi với PV Thanh Niên, lãnh đạo BV đa khoa tỉnh Bình Phước thừa nhận tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế và buộc phải yêu cầu BN mua bên ngoài. "Nguyên nhân do việc chậm trễ trong quy trình thực hiện công tác đấu thầu", vị lãnh đạo này cho hay.

Liên quan đến việc BN phản ánh BS bán một số thiết bị trong BV thu tiền trực tiếp từ BN mà không có hóa đơn, chứng từ, lãnh đạo BV đa khoa tỉnh Bình Phước cho biết sẽ kiểm tra, xác minh.

Phó giám đốc Sở Y tế Bình Phước Đỗ Thị Nguyên cũng thừa nhận: "Về tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế xảy tại BV đa khoa tỉnh Bình Phước, thời gian qua Sở cũng đã tổ chức họp và có chỉ đạo BV chủ động mua sắm thuốc, đẩy nhanh tiến độ đấu thầu".

Theo Sở Y tế Bình Phước, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu thuốc, vật tư y tế như sau đại dịch Covid-19 thì các văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu thay đổi liên tục dẫn đến việc lúng túng trong quá trình triển khai.

Vật tư y tế lại thiếu hụt do chờ thầu - Ảnh 2.

Bệnh nhân BV đa khoa tỉnh Bình Phước phải ra ngoài mua từ kim tiêm, bông băng...

HOÀNG GIÁP

Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ còn có tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra nên đơn vị không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm. Một số doanh nghiệp, nhà cung cấp cũng e ngại trong việc cung ứng hàng hóa cho các đơn vị công, do liên quan đến giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu, thủ tục thanh toán phức tạp, khó khăn.

Ngoài ra, do chậm có kết quả đấu thầu tập trung, đàm phán giá một số thuốc mua sắm tập trung quốc gia, dẫn tới các cơ sở không chủ động được thời gian, số lượng mua sắm...

Miền Tây tiếp tục căng thẳng "chờ thầu"

Chiều 23.10, BS Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc BV Huyết học - truyền máu Cần Thơ (nơi cung cấp máu cho 74 BV, cơ sở y tế ở miền Tây), cho biết đang nỗ lực hết sức, làm cả ngày nghỉ để đẩy nhanh các gói thầu hóa chất, vật tư phục vụ cho nhiệm vụ tiếp nhận, sản xuất máu.

Từ cuối năm 2022, BV Huyết học - truyền máu Cần Thơ thực hiện hồ sơ gói thầu 394 mặt hàng, bao gồm túi đựng máu, hóa chất cần thiết để sản xuất máu từ nguồn máu hiến với tổng trị giá gần 150 tỉ đồng. Tuy nhiên, do thủ tục kéo dài, đến nay toàn bộ các gói thầu mới được phê duyệt quyết định kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Gần 1 năm qua, BV Huyết học - truyền máu Cần Thơ không thể tiếp nhận, sản xuất và cung cấp máu cho các BV, cơ sở y tế như nhiệm vụ được giao. Hậu quả là cả miền Tây thiếu máu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác chuyên môn, việc điều trị cho người dân.

Vật tư y tế lại thiếu hụt do chờ thầu - Ảnh 3.

Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế vẫn còn xảy ra ở một số bệnh viện

DUY TÍNH

BS Nguyễn Hữu Dự, Giám đốc BV Phụ sản Cần Thơ, cho biết tình trạng thiếu máu đang tác động rất lớn đến BV, có thể ảnh hưởng tính mạng người bệnh "nhưng cơ chế chung nên không biết phải làm sao". Ngoài thiếu máu, BV này cũng gặp khó khi gói thầu hóa chất, vật tư của BV trị giá gần 100 tỉ đồng dù đã được UBND TP.Cần Thơ phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nhưng nhiều khả năng sang năm 2024 vẫn chưa giải quyết xong.

"Có kế hoạch xong, đăng báo mời thầu, đấu thầu, xét thầu, rồi thương thảo hợp đồng… hết năm nay may ra có kết quả thầu, nhưng chắc chắn cũng không đủ, lý do là nhà thầu tham gia rất ít, thậm chí có hàng trăm mặt hàng đến nay chưa có chào giá", BS Dự nói.

BS Huỳnh Minh Phú, Phó giám đốc BV đa khoa Cần Thơ, cho biết gói thầu mua sắm hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế năm 2023 - 2024 trị giá hơn 464 tỉ đồng của BV vừa được UBND TP.Cần Thơ phê duyệt quyết định kế hoạch lựa chọn nhà thầu hôm 19.10, với trị giá hơn 314 tỉ đồng (1.079 mặt hàng). Còn lại hơn 84 tỉ đồng chưa đủ điều kiện trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

"BV đang khẩn trương xây dựng kế hoạch để làm các bước tiếp theo, nhưng sớm nhất cũng phải hết năm nay mới có thể có kết quả thầu hóa chất, vật tư phục vụ cho người bệnh", BS Phú thông tin.

Cử tri lo lắng

Ngày 24.10, ông Đặng Minh Thông, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết thời gian qua cử tri, người dân phản ánh tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế vẫn còn xảy ra ở các BV trên địa bàn. Mặc dù Sở Y tế, BV Bà Rịa và BV Vũng Tàu đã khắc phục, có giải pháp bảo đảm thuốc cấp cứu thiết yếu và cơ số thuốc thay thế, nhưng vẫn chưa đáp ứng triệt để. Một phần nguyên nhân của tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 kéo dài, cơ chế pháp lý, thể chế chưa rõ ràng…

Trước đó, ngày 9.10, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua thuốc, vắc xin tập trung cấp địa phương cho các cơ sở khám, chữa bệnh công lập giai đoạn 2023 - 2025. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các thủ tục mua sắm còn rất chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ khám chữa bệnh cho người dân.

Nguyễn Long

Vật tư y tế lại thiếu hụt do chờ thầu - Ảnh 5.

Trang thiết bị y tế chẩn đoán hình ảnh của BV Chợ Rẫy đã được sửa chữa, hoạt động bình thường sau khi Bộ Y tế ban hành Thông tư 14

Duy Tính

BV tại TP.HCM đã giảm "kêu ca"

Ngày 4.3.2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 30 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp để bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế. Sau đó, tại TP.HCM, nhiều BV vẫn không thể mua sắm vật tư tiêu hao, thuốc (do nhiều thuốc hết phép), sửa chữa máy móc… vì vướng về báo giá, khan hiếm hàng hóa trên thế giới do sau đại dịch, xung đột. BV Chợ Rẫy là một trong các đơn vị vướng trong đấu thầu mua sắm, sửa chữa máy móc, vật tư tiêu hao, dẫn đến nhiều máy chụp chiếu như CT-scanner, MRI, xạ trị… dừng hoạt động do không sửa chữa được.

Tiếp đó, tháng 6.2023, Bộ Y tế ban hành Thông tư 14 quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập. Thông tư cho phép chủ đầu tư có thể được lựa chọn giá cao nhất trong xây dựng giá gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị. Từ đó đến nay, các BV tại TP.HCM đã giảm "kêu ca".

Ngày 22.10, BV Chợ Rẫy cho biết Thông tư 14 ra đời đã giải quyết được nhiều thứ, và các BV đã đấu thầu, mua sắm được hàng hóa. Nhưng hiện nay, do ảnh hưởng của chiến tranh nên một số mặt hàng thuốc, vật tư từ châu Âu khan hiếm. Đặc biệt là thuốc albumin (đạm, tác dụng nâng thể trạng) nhập từ Áo, rất cần cho BN nặng, BV đã đấu thầu 3 lần nhưng không có đơn vị nào dự thầu.

"Ngoài ra, có vài loại vật tư tiêu hao khi đấu thầu vẫn có nhà thầu tham dự, nhưng trong quá trình cung ứng thì đứt hàng do nhà thầu không có hàng giao. Tuy nhiên, các loại vật tư này không ảnh hưởng nhiều đến điều trị", đại diện BV Chợ Rẫy nói.

Sở Y tế cho biết đã báo cáo Bộ Y tế, UBND TP.HCM về tình hình khan hiếm thuốc albumin và kiến nghị Bộ Y tế thông tin tình hình nhà nhập khẩu, cung ứng thuốc.

Về thuốc điều trị bệnh tay chân miệng, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, hiện vẫn còn một số BV chuyên khoa sản nhi ở một số tỉnh khu vực phía nam chưa có đủ các thuốc thiết yếu để điều trị bệnh (như gamma globulin, phenobarbital, milrinone) và đã chuyển BN lên TP.HCM rất nhiều, gây quá tải, nguy cơ cho BN trong quá trình chuyển viện. Hiện 70% bệnh nhi tay chân miệng đang điều trị nội trú tại 4 BV tuyến cuối của TP.HCM là từ các tỉnh chuyển về.

Duy Tính

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.