Vật thiêng trên đất ba vua

07/06/2008 17:52 GMT+7

Làng Kiên Mỹ ven sông Kôn là quê hương ba vua triều Tây Sơn. Người làng bây giờ vẫn bảo, rằng đất tụ khí sinh kỳ nhân, và có những vật thiêng họ tin giữ như chính máu thịt của mình.

Cảm giác thật đặc biệt khi trở lại Kiên Mỹ trong những ngày chuẩn bị kỷ niệm 255 năm ngày sinh Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ (5.5 Quý Dậu 1753 - 5.5 Mậu Tý 2008). Nơi đây, lần đầu tiên Festival Tây Sơn 2008 được tổ chức với nhiều kỳ vọng. Trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung, hàng trăm công nhân đang hối hả hoàn thiện những hạng mục trùng tu, xây mới phục vụ lễ hội.

Kiên Mỹ được gọi là đất ba vua (Thái Đức - Nguyễn Nhạc, Quang Trung - Nguyễn Huệ và Cảnh Thịnh - Quang Toản) với nhiều huyền tích. Theo sử sách, từ khi rời đất tổ Hưng Nguyên (Nghệ An) vào Đàng Trong cho đến lúc 3 anh em nhà Tây Sơn chào đời, họ Hồ đã trải qua 4 thế hệ, sống ở 4 địa điểm khác nhau và Kiên Mỹ là điểm định cư cuối cùng. Dấu tích của thời kỳ hào hùng ấy nay còn không nhiều. Nhưng điều kỳ lạ là giếng nước và cây me - khởi thủy được trồng trong khuôn viên nhà Tây Sơn tam kiệt - vẫn tồn tại cho đến bây giờ. Người Kiên Mỹ xem đó là những vật thiêng của vùng đất địa linh nhân kiệt. Nay cụm di tích đền thờ Tây Sơn - giếng nước - cây me được đưa vào danh mục những di tích đặc biệt của quốc gia. Tương truyền, cây me do cụ Hồ Phi Phúc (thân sinh của anh em Tây Sơn) vun trồng lúc mới đến định cư. Khi dấy binh khởi nghĩa, dưới tán cây này thường là nơi Nguyễn Nhạc họp bàn việc nước với các tướng sĩ.

Anh Tô Đình Minh, 53 tuổi, là đời thứ 5 của dòng họ Tô ở đất Kiên Mỹ. 33 năm hành nghề chụp ảnh dạo quanh khuôn viên Bảo tàng Quang Trung, có lẽ anh là người gắn bó nhiều năm nhất kể từ khi bảo tàng thành lập sau ngày giải phóng. Ngôi nhà anh Minh trước đây nằm kế bên giếng nước Tây Sơn (ghép bằng đá ong, sâu khoảng 10 mét). Khi bảo tàng mở rộng, anh chuyển đến nơi ở mới. Không riêng gì gia đình anh Minh, cả làng Kiên Mỹ đều uống chung nguồn nước từ cái giếng này, vì họ cho rằng đó là giếng thần. "Dịp lễ tết, dân làng đến điện thờ dâng hương, thăm viếng nhiều hơn cả đi lễ chùa. Người nào đi cũng mang theo chai lọ để đựng nước giếng Tây Sơn về dùng. Phần lớn du khách thập phương cũng vậy. Tôi không thể nhớ mình đã chụp bao nhiêu ngàn tấm ảnh kỷ niệm cho du khách bên cây me, giếng nước", anh Minh kể.

Trên lĩnh vực văn hóa phi vật thể, tiếng trống trận của nghĩa quân Tây Sơn cũng được truyền giữ cho đến ngày nay. Người chuyển tải thành công nhất âm điệu trống trận là chị Nguyễn Thị Thuận - hậu duệ nhà Tây Sơn. Truyền rằng, trong hành trình chinh Nam phạt Bắc, Nguyễn Huệ đã sử dụng giàn trống 12 chiếc làm hiệu lệnh, cổ vũ tinh thần nghĩa quân trong mỗi lần xung trận.

Kiên Mỹ bây giờ được sát nhập vào địa giới hành chính thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định với gần 900 hộ dân. Tuy nhiên đặc trưng làng xã thì vẫn còn khá nguyên vẹn. Làng có 7 xóm phát triển 7 nghề khác nhau (nghề rèn, nghề bún, nghề đậu, ươm tơ dệt lụa...). Theo ông Trần Đình Ký, Giám đốc Bảo tàng Quang Trung, những xóm nghề này do cụ Hồ Phi Phúc lập nên, và đây là một trong những điểm nhấn quan trọng của festival sắp tới.

Festival Tây Sơn - Bình Định lần thứ nhất 2008

UBND tỉnh Bình Định đã họp báo tại TP.HCM giới thiệu chương trình Festival Tây Sơn - Bình Định lần thứ nhất 2008 (diễn ra từ 1 - 3.8 tại TP Quy Nhơn) với nhiều hoạt động hưởng ứng trước ngày khai mạc 1 tháng. Trong đó có hội chợ triển lãm quy mô lớn mở tại khu eo biển đường An Dương Vương (Quy Nhơn) từ 27.7 - 3.8 với hàng trăm gian hàng trưng bày, trình diễn các nghề truyền thống, ẩm thực của Bình Định và các địa phương: Hà Nội, Hà Tây, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên. Hơn 300 gian hàng khác của các doanh nghiệp Việt Nam và các nước ASEAN sẽ tham gia hội chợ. Ngày khai mạc sẽ có lễ dâng hương hoa tại điện thờ Tây Sơn; tiếp đó Festival mở Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam; thi hoa hậu Người đẹp miền đất võ; thả hoa đăng trên đầm Thị Nại; Liên hoan sinh vật cảnh và biểu diễn nghệ thuật tổng hợp. Riêng Liên hoan sân khấu tuồng toàn quốc đến nay đã có các nhà hát tuồng đăng ký tham gia gồm: Nhà hát tuồng Việt Nam, Nhà hát tuồng Hà Nội, Nhà hát tuồng cung đình Huế; Nhà hát tuồng TP.HCM, TP Đà Nẵng và các tỉnh Thanh Hóa, Khánh Hòa. Đêm thơ Hàn Mặc Tử và Xuân Diệu cũng được tổ chức tại Festival này. Hiện một sân khấu hiện đại, hoành tráng đang được xây dựng tại khu trung tâm TP Quy Nhơn.  

Giao Hưởng

Đình Phú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.