Vắt chanh, chấm mù tạt có giảm nguy cơ nhiễm khuẩn khi ăn thực phẩm tái sống?

Lê Cầm
Lê Cầm
06/08/2023 04:14 GMT+7

Nhiều người thích ăn thực phẩm tái sống, như vắt chanh, chấm mù tạt vào thực phẩm. Tuy nhiên, việc tiêu thụ thường xuyên các món ăn này có thể tiềm ẩn nguy cơ nhiễm ấu trùng sán, giun sán...

Liên tiếp nhiều ca nhiễm sán dài hàng mét

Gần đây, liên tiếp nhiều trường hợp nhập viện, bác sĩ phát hiện nhiễm sán dài hàng mét. Cuối tháng 7, bệnh nhân nữ, 25 tuổi, thường xuyên mệt mỏi, bứt rứt, rối loạn tiêu hóa, đi khám kết quả xét nghiệm cho thấy đốt sán, trứng sán dây. Bác sĩ chẩn đoán người bệnh nhiễm sán dây bò, chỉ định dùng thuốc điều trị sán dây trưởng thành. Sau khi uống thuốc, bệnh nhân xổ ra con sán dây dài 6 mét. Cô gái cho biết có thói quen ăn phở bò tái và lẩu bò, thi thoảng bị rối loạn tiêu hóa, phát hiện vật thể lạ trong phân.

Hay như bệnh nhi 8 tuổi, ở Sơn La, đến bệnh viện khám do mệt mỏi, chán ăn. Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã tiến hành khai thác bệnh sử, không ghi nhận những bất thường. Tuy nhiên, qua các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị nhiễm sán dây nên tiến hành phương pháp tẩy sán bằng thuốc. Kết quả, bệnh nhi này đã xổ con sán dài gần 1,5 m ra khỏi cơ thể.

Vắt chanh, chấm mù tạt có giảm nguy cơ nhiễm khuẩn khi ăn thực phẩm tái sống? - Ảnh 1.

Sử dụng thực phẩm sống là một trong những nguyên nhân dẫn đến phát triển sán dây trong cơ thể

SHUTTERSTOCK

Đồ tái sống là món ăn yêu thích của nhiều người

Chị L.C.Đ (25 tuổi, ở quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết bản thân và gia đình chị có nhiều người thích ăn đồ tái sống. Đặc biệt là các món như tôm sống mắm nhĩ, cá hồi, hàu sashimi...

"Dù biết đồ sống có thể không tốt nhưng lúc ăn tôi nghĩ cứ vắt nhiều chanh, chấm nhiều mù tạt, và lựa đồ hải sản tươi ngon thì chắc không sao", chị Đ. chia sẻ.

Tương tự cô N.T.O (59 tuổi, ở TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết cô thường ăn các món tái như phở tái, bò tái vào bữa xế hoặc những khi thấy mệt mỏi ngán ăn cơm. Nếu nấu chín thì thịt sẽ dai và không giữ được hương vị ngọt đặc trưng của món ăn. Do đó cô cũng thường vắt chanh vào thịt để khử khuẩn thịt.

Hay như T.B.H (28 tuổi, ở quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết cô không có sở thích ăn thịt sống, sushi, sashimi hay thịt tái, tuy nhiên rất thích ăn rau sống. Cô thường sử dụng rau muống, giá, rau xà lách các loại rau thơm để cuốn cùng thịt heo, bánh tráng. "Tuy nhiên, điều tôi băn khoăn là chất lượng rau trên thị trường không đảm bảo nên dù có rửa sạch có thể vẫn tồn dư nhiều hóa chất, vi khuẩn, ký sinh trùng bám trong ống rau muống, xác lách... Tuy nhiên do yêu thích các món ăn cuốn với rau sống nên tôi thường ngâm rau với muối để rửa rồi ăn", chị H. cho hay.

Vắt chanh, chấm mù tạt có giảm nguy cơ nhiễm khuẩn khi ăn đồ sống - Ảnh 2.

Vắt chanh, chấm mù tạt không có tác dụng khử khuẩn đồ sống

LÊ CẦM


Vắt chanh, mù tạt chỉ làm giảm mùi tanh và tăng độ thơm ngon

Bác sĩ chuyên khoa 1 Đinh Trần Ngọc Mai (khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM) cho biết đồ ăn sống như thịt sống, đặc biệt là hải sản sống như các món gỏi cá luôn hấp dẫn, được ưa chuộng vì độ tươi ngon và giá trị dinh dưỡng cao. Tuy nhiên các loại thực phẩm sống này lại dễ bị nhiễm vi khuẩn, virus, các loại ký sinh trùng như giun, sán nếu không đảm bảo vệ sinh và chế biến đúng cách.

"Việc vắt chanh và thêm mù tạt chỉ làm giảm mùi tanh và tăng độ thơm ngon của thực phẩm chứ không thể giết chết được các vi sinh vật kể trên. Để có thể loại bỏ các tác nhân gây hại trong thực phẩm thì phải chế biến ở nhiệt độ cao trong thời gian thích hợp", bác sĩ Mai chia sẻ.

Tranh cãi vắt chanh vào phở nóng: "Biết đâu, mất cái này lại được cái khác"

Bác sĩ Mai chia sẻ, để hạn chế nguy cơ nhiễm ký sinh trùng, vi khuẩn gây bệnh, chúng ta nên lựa chọn nguồn thực phẩm chất lượng, đảm bảo vệ sinh và có cách chế biến phù hợp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.