SỐNG GIỮA RỪNG XANH CAO SU XỨ CHÙA THÁP

'Vàng trắng' đã chảy

Đình Phú
Đình Phú
21/05/2023 09:00 GMT+7

Những ngày này, cán bộ, công nhân viên, người lao động Công ty CP cao su Đồng Nai - Kratie thuộc Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) rộn ràng niềm vui kỷ niệm hành trình 15 năm gieo nguồn "vàng trắng" ở xứ sở Chùa Tháp - Campuchia.

 'Vàng trắng' đã chảy  - Ảnh 1.

15 năm cao su trên vùng biên giới đất bạn Campuchia là một hành trình vô vàn gian nan, vất vả. Từ những bước chân mở đường thuở đầu, nay đã mọc lên những cánh rừng cao su xanh trù phú bạt ngàn nối tiếp nhau, viết lên một khúc ca thấm đẫm tình đất, tình người.

Tập thể cán bộ, công nhân viên Công ty CP cao su Đồng Nai - Kratie tại trụ sở nông trường dự án ở xã O'Kreang, huyện Sambo, tỉnh Kratie

Tập thể cán bộ, công nhân viên Công ty CP cao su Đồng Nai - Kratie tại trụ sở nông trường dự án ở xã O'Kreang, huyện Sambo, tỉnh Kratie

ẢNH: ĐÌNH PHÚ

Không chùn bước trước những khó khăn

Ông Lê Văn Lâm, Tổng giám đốc Công ty CP cao su Đồng Nai - Kratie cho biết, ngày 29.1.2008, HĐQT VRG phê duyệt phương án góp vốn thành lập Công ty CP cao su Đồng Nai - Kratie. Sau đó, công ty được Bộ Thương mại Vương quốc Campuchia cấp giấy chứng nhận thành lập. Thực hiện chủ trương đó, công ty có nhiệm vụ trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến và tiêu thụ mủ cao su thiên nhiên tại Vương quốc Campuchia.

Địa bàn dự án trồng cao su của Công ty CP cao su Đồng Nai - Kratie ở 2 xã O'Kreang và Roluos Meanchey, huyện Sambo, tỉnh Kratie, là địa bàn giáp ranh biên giới tỉnh Bình Phước. Từ cửa khẩu Hoa Lư, đi đường bộ khoảng 200 km là đến "thủ phủ" cao su khoảng 5.000 ha đang thời kỳ thu hoạch mà đơn vị thành viên VRG đã tiến hành đầu tư từ 15 năm trước.

Lực lượng tiên phong của Công ty CP cao su Đồng Nai - Kratie trong công tác khai hoang vùng đất mới tại O'Kreang và Roluos Meanchey là 15 cán bộ, công nhân viên từ Công ty mẹ - Tổng công ty cao su Đồng Nai (DNRC, thuộc VRG) được điều động sang để làm nòng cốt đảm đương nhiệm vụ.

Ngay thời điểm đó, mọi điều kiện sinh hoạt vô cùng khó khăn, đa số cán bộ đều chưa biết ngôn ngữ tiếng Khmer, cơ sở vật chất nơi ăn chốn ở đều rất thiếu thốn, nhiều người phải ở và sinh hoạt trong các lán trại được cất tạm bằng cây rừng, đường đất đỏ vào dự án nhiều đoạn bị hư hỏng nặng làm cho việc đi lại vô cùng khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Thông tin liên lạc chập chờn; máy móc phục vụ cho công tác khai hoang trồng mới thiếu hụt và khi bị hư hỏng thì phải mất nhiều ngày để khắc phục, gây rất nhiều khó khăn cho công tác khai hoang chuẩn bị đất. Không chùn bước trước những khó khăn, vất vả đó, những cán bộ đi đầu đã từng bước bắt tay vào việc định hình diện tích vườn cây qua các năm.

Năm 2008, Công ty CP cao su Đồng Nai - Kratie trồng mới hơn 71 ha và với những kinh nghiệm có được, năm 2009 trồng hơn 1.021 ha; năm 2010 hơn 2.035 ha; năm 2011 hơn 2.652 ha; năm 2012 hơn 590 ha. Trong 5 năm (2008 - 2012), công ty hoàn thành công tác khai hoang trồng mới được hơn 6.371 ha; bình quân mỗi năm trồng được hơn 1.274 ha.

Thời gian vườn cây phát triển gặp muôn vàn khó khăn như thời tiết nắng nóng khô hạn, thổ dưỡng, đất đai (đất cát và đá sỏi) và đặc biệt tại dự án vườn cây bị cháy nắng diện tích lớn với hơn 1.441 ha, trong đó: năm 2012 hơn 78 ha, năm 2013 hơn 151 ha và năm 2016 hơn 1.211. Tình trạng cháy nắng khiến cho diện tích vườn cây cao su bị thu hẹp xuống còn khoảng 5.000 ha.

Ông Lê Văn Lâm, Tổng giám đốc Công ty CP cao su Đồng Nai - Kratie kiểm tra vườn cao su đang thời kỳ thu hoạch mủ

Ông Lê Văn Lâm, Tổng giám đốc Công ty CP cao su Đồng Nai - Kratie kiểm tra vườn cao su đang thời kỳ thu hoạch mủ

ẢNH: ĐÌNH PHÚ

Trách nhiệm tiên phong

"Điều đọng lại lớn nhất sau chặng đường 15 năm đầy cam go thử thách là ở nơi đây, từ một vùng đất xa xôi hẻo lánh, dân cư thưa thớt, đời sống còn nhiều khó khăn, giao thông cách trở, nhưng với sự nhiệt huyết của lực lượng cán bộ, công nhân viên Việt Nam và tinh thần lao động hăng say của người công nhân Campuchia; cùng với sự chỉ đạo sâu sát của VRG và sự hỗ trợ giúp đỡ hết sức nhiệt tình của chính quyền địa phương nước bạn, công ty đã hoàn thành kế hoạch trồng mới, định hình vườn cây phát triển tốt. Bắt đầu từ năm 2016 - 2022, công ty đã lần lượt đưa toàn bộ diện tích vườn cây vào khai thác mủ cao su", ông Lê Văn Lâm chia sẻ.

Trong quá trình phát triển và xây dựng vườn cây kiến thiết cơ bản, Công ty CP cao su Đồng Nai - Kratie đã được Bộ NN-PTNT, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, VRG tặng cờ thi đua và nhiều bằng khen. Trải qua 15 năm xây dựng và phát triển, từ một vùng đất hoang sơ, dân cư thưa thớt, giờ đây công ty đã hình thành khoảng 5.000 ha cao su xanh tốt, năng suất vườn cây đạt bình quân 1,7 tấn mủ/ha/năm (năm 2021 sản lượng khai thác mủ đạt hơn 7.000 tấn, doanh thu hơn 274 tỉ đồng; năm 2022 hơn 8.100 tấn, doanh thu hơn 275 tỉ đồng). Nhà máy cán vắt, trụ sở nông trường và những khu nhà ở công nhân được mọc lên kết hợp với hệ thống giao thông thuận tiện, có điện lưới sinh hoạt, điện thoại, internet đầy đủ. Ông Lê Văn Lâm chia sẻ: "Công ty có được như ngày hôm nay là thành quả của một thời kỳ gian khó mà tất cả đã đồng tâm hiệp lực và dày công xây dựng".

Trên xứ sở Chùa Tháp - Campuchia, Công ty CP cao su Đồng Nai - Kratie đã tích cực hưởng ứng các hoạt động xã hội - từ thiện tại địa phương, tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình công nhân khó khăn, tổ chức thăm hỏi công nhân, cộng đồng dân cư nhân ngày lễ, truyền thống của dân tộc Khmer. Đồng thời, thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách đầy đủ cho nước sở tại.

Ngoài ra, Công ty CP cao su Đồng Nai - Kratie còn tham gia đóng góp ủng hộ các các quỹ từ thiện do địa phương vận động, đóng góp cho Hội Chữ thập đỏ tại Campuchia; đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi, xây dựng nhà chùa phục vụ cho cộng đồng dân cư địa bàn nơi công ty trú đóng. Qua đó đã tạo thêm mối quan hệ gần gũi giữa công ty với công nhân và người dân, gắn bó thêm mối đoàn kết giữa Việt Nam và Campuchia. (còn tiếp)

GÓP PHẦN TÔ THẮM CHO TÌNH HỮU NGHỊ

Sau 94 năm xây dựng và phát triển không ngừng, đến nay diện tích cao su mà VRG quản lý lên đến gần 402.650 ha (trong nước hơn 288.101 ha; tại Campuchia khoảng 90.000 ha và tại Lào khoảng 27.000 ha).

Có một điểm chung trong nước và nước bạn Campuchia, Lào, cây cao su chủ lực phát triển ở vùng biên, những nơi xa xôi hẻo lánh, điều kiện kinh tế - xã hội còn lắm khó khăn. Khai hoang mở đất, phát triển cây cao su là một nhiệm vụ luôn đối mặt với bao thách thức, gian lao.

Điều đáng tự hào là ngành cao su thời kỳ nào cũng có những người tiên phong, tiếp nối truyền thống của ngành trong việc góp phần xanh hóa vùng biên, giữ vững an ninh biên giới…

Riêng tại Campuchia, VRG hiện có 16 công ty thành viên (tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,8 tỉ USD) đầu tư trải dài trên 7 tỉnh (Kampong Thom, Kratie, Rattanakiri, Odor Meanchey, Preah Vihea, Siem Reap và Mondolkiri): CP cao su Chư Sê - Kampong Thom, CP cao su Bà Rịa - Kampong Thom, CP cao su Tân Biên - Kampong Thom, CP cao su Phước Hòa - Kampong Thom, CP cao su Chư Păh - Kampong Thom, TNHH MTV Mê Kông, CP cao su Tây Ninh - Siem Reap, CP cao su Hoàng Anh Mang Yang K, CP cao su Chư Prông - Stung Treng, CP cao su Krông Buk - Rattanakiri, CP cao su Mang Yang - Rattanakiri, CP cao su Dầu Tiếng Kratie, CP cao su Dầu Tiếng Campuchia, CP cao su Đồng Nai - Kratie, CP cao su Đồng Phú - Kratie và Công ty TNHH VKETI.

Ông Yim Chhayly, Phó thủ tướng Vương quốc Campuchia, Chủ tịch Hội đồng Khôi phục và phát triển nông nghiệp nông thôn Campuchia, đã đánh giá cao những đóng góp của VRG trong việc phát triển kinh tế - xã hội Campuchia. Cho đến nay, cây cao su là minh chứng sinh động, góp phần tô thắm cho tình hữu nghị, sự hợp tác phát triển bền vững, cùng có lợi giữa 2 nước Việt Nam - Campuchia.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.