Vàng tăng, USD giảm, lãi suất tiết kiệm lập kỷ lục mới

Thanh Xuân
Thanh Xuân
12/11/2022 06:55 GMT+7

Lãi suất, giá USD đảo chiều đi xuống khi Ngân hàng Nhà nước liên tục bơm tiền ra. Ngược lại, giá vàng lại tăng cao trước sự sụt giảm sâu của đồng bạc xanh trên thị trường quốc tế. Thị trường tài chính tuần này khép lại với nhiều biến động trái chiều.

Vàng tiến sát 68 triệu đồng/lượng, usd giảm sâu

Ngày 11.11, giá vàng trong nước tăng - giảm trái chiều. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC tăng giá vàng miếng SJC 300.000 đồng mỗi lượng, mua vào lên 66,6 triệu đồng/lượng, bán ra lên 67,6 triệu đồng/lượng. Công ty vàng bạc đá quý Mi Hồng tăng 400.000 đồng/lượng, lên 66,7 triệu đồng giá mua vào và bán ra 67,7 triệu đồng (có lúc lên 67,9 triệu đồng). Trong khi đó, Eximbank giảm giá kim loại quý 400.000 đồng, xuống còn 66,3 triệu đồng ở chiều mua vào và bán ra còn 67,1 triệu đồng. So với đầu tháng 11, vàng miếng tăng khoảng 600.000 đồng/lượng. Tốc độ tăng giá của vàng trong nước chậm hơn so với quốc tế khiến giá vàng miếng SJC không thể vượt được qua mức 68 triệu đồng/lượng.

Lãi suất huy động tiết kiệm trong khu vực dân cư vẫn tiếp tục tăng

Nhật Thịnh

Theo các đơn vị kinh doanh vàng, lực bán vàng trong nước cao hơn so với mua vào đã dẫn đến tốc độ tăng giá chậm. Điều này dẫn đến giá vàng trong nước cao hơn thế giới 14,75 triệu đồng/lượng. Đây là lần đầu tiên kể từ đầu năm đến nay, khoảng cách chênh lệch giữa giá trong và ngoài nước được rút ngắn lại.

Kim loại quý trên thị trường quốc tế ngày 11.11 tăng mạnh gần 60 USD/ounce, lên 1.763 USD/ounce. Vàng hưởng lợi từ thông tin lạm phát của Mỹ công bố tăng 7,7%, thấp hơn so với mức dự báo trước đó 7,9%. Điều này gây kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất ở kỳ họp tháng 12, dẫn đến đồng USD giảm sâu trước lực bán mạnh. Chỉ số USD - Index chiều 11.11 tiếp tục giảm tới 0,68 điểm, xuống còn 107,42 điểm.

Ngày 11.11, lần đầu tiên Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm giá bán USD 10 đồng so với trước đó. Đây là lần điều chỉnh thứ 7 trong năm về giá USD của nhà điều hành. Giá bán USD của Sở giao dịch NHNN giảm từ mức 24.870 đồng xuống còn 24.860 đồng. 6 lần điều chỉnh trước đó, giá USD đều tăng, từ mức 23.050 đồng lên 24.870 đồng, tăng 1.720 đồng, tương ứng mức tăng 7,4%. Tốc độ giảm của lần này khá chậm, chỉ 10 đồng, trong khi những đợt tăng trước đó từ 200 - 490 đồng/USD.

So với đầu tháng 11, tỷ giá trung tâm do NHNN công bố cũng giảm 14 đồng, xuống còn 23.683 đồng/USD vào ngày 11.11. Các ngân hàng thương mại giảm từ 5 - 20 đồng mỗi USD, trong đó giá mua giảm mạnh hơn giá bán. Giá bán USD của các NH như Eximbank, Vietcombank… tăng lên gần mức kịch trần 24.865 - 24.867 đồng/USD, trong khi giá mua vào của các nhà băng ở mức 24.630 - 24.680 đồng.

Lãi suất huy động tiếp tục tăng cao

Ngoài sự điều chỉnh từ nhà điều hành khiến giá USD đi xuống, NHNN liên tục can thiệp thị trường từ đầu tháng 11 đến nay khiến thanh khoản thị trường cũng bớt căng thẳng. Ngày 11.11, NHNN bơm thêm qua thị trường mở hơn 2.458 tỉ đồng, kỳ hạn 14 ngày. Đây là phiên thứ 9 liên tiếp NHNN bơm tiền với khối lượng lên 68.374 tỉ đồng, chỉ 1 phiên duy nhất vào đầu tháng là hút tiền về gần 10.000 tỉ đồng. Như vậy, lượng tiền bơm ròng ra thị trường từ NHNN trong những ngày qua lên đến 58.374 tỉ đồng, tương ứng gần 2,75 tỉ USD.

Sự can thiệp của NHNN khiến lãi suất giao dịch trên thị trường liên ngân hàng cũng tiếp tục đi xuống ở những kỳ hạn dưới 1 tháng. Ngày 11.11, lãi suất giao dịch giữa các ngân hàng kỳ hạn qua đêm giảm còn 4,47%/năm (giảm 1,84%/năm trong tuần), 1 tuần còn 5,79%/năm (giảm 1,24%), 2 tuần còn 6,51%/năm (giảm 0,92%/năm), 1 tháng còn 7,61%/năm (giảm 0,23%). Ở các kỳ hạn từ 3 tháng trở lên, lãi suất tăng 0,11 - 0,24%/năm, dao động từ 8,11 - 8,62%/năm.

Dù vậy, lãi suất huy động trong khu vực dân cư vẫn tiếp tục tăng cao. Ngày 11.11, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) tăng lãi suất huy động lên mức cao nhất là 9,75%/năm đối với kỳ hạn từ 13 tháng trở lên, thay vì 9,3%/năm trước đó. Đây là mức lãi suất huy động cao nhất của nhà băng này trên thị trường hiện nay. Không những vậy, những kỳ hạn trước đó của SCB cũng tăng mạnh, chẳng hạn kỳ hạn 6 tháng lên 9,35%/năm, 9 tháng lên 9,5%/năm, 12 tháng lên 9,65%/năm… Sacombank cũng vừa điều chỉnh lãi suất huy động tiết kiệm tiền đồng. Theo đó, lãi suất 6 tháng ở mức 7 - 7,5%/năm, 12 tháng 7,3 - 7,8%/năm, 24 tháng 7,5 - 8%/năm…

Giải thích hiện tượng NHNN liên tục bơm ròng tiền nhưng lãi suất huy động tiết kiệm vẫn không giảm, ông Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ phận Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho hay NHNN bơm tiền là giải quyết cho vấn đề thanh khoản của các NH, đây là dòng vốn ngắn hạn, không cho vay được. Còn lãi suất huy động tiết kiệm trong khu vực dân cư vẫn đua nhau tăng lên là do nhu cầu vốn của các NH ở trung dài hạn, đây cũng là nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu cho vay của khách hàng trên thị trường. Nguồn vốn này mang tính ổn định hơn nên các NH hy vọng thu hút về. Ngoài ra, còn một lý do là thời gian qua một số NH có tỷ lệ cho vay cao nên nay đẩy mạnh việc huy động vốn để giảm tỷ lệ vốn cho vay trên huy động xuống (tỷ lệ LDR).

Các ngoại tệ khác trong ngân hàng tăng rất mạnh trong ngày 11.11. Tại Eximbank, giá bảng Anh tăng 937 đồng, lên 28.769 - 28.855 đồng chiều mua vào, bán ra 29.529 đồng; franc Thụy Sĩ tăng 630 đồng, mua vào lên 25.443 - 25.519 đồng, bán ra lên 26.116 đồng; đô la Úc tăng 680 đồng, lên 16.300 - 16.349 đồng chiều mua vào, bán ra 16.748 đồng; đô la Canada tăng 340 đồng, mua vào 18.393 - 18.448 đồng, bán ra 18.880 đồng; đô la Singapore tăng 280 đồng, mua vào lên 17.759 - 17.812 đồng, bán ra 18.229 đồng; euro tăng 610 đồng, lên 25.112 - 25.187 đồng mua vào và bán ra 25.776 đồng...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.