Vẫn xảy ra sai phạm khi xét tuyển ở nhiều trường

18/07/2019 08:41 GMT+7

Công tác tuyển sinh ĐH ngày càng lành mạnh hơn nhưng thực tế mùa tuyển sinh vừa qua cho thấy nhiều trường ĐH vẫn để xảy ra thiếu sót, sai phạm. Đây là nhận xét của ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT.

Theo ông Bằng, trước hết do đề án tuyển sinh riêng của nhiều trường không rõ ràng, nhiều thông tin chưa chính xác. Kế đến là xét tuyển không đúng đề án. Đề án của trường đưa ra thông tin tuyển sinh xét tuyển 50% chỉ tiêu bằng học bạ, 50% chỉ tiêu là căn cứ vào điểm thi THPT quốc gia nhưng đến khi quá ít thí sinh xét tuyển bằng kết quả THPT quốc gia đủ điều kiện thì có trường lại xét đến 80% học bạ.
Nhiều trường xác định chỉ tiêu vượt quá năng lực đào tạo. Thậm chí, có trường do lo ngại tuyển nhiều giảng viên vào mà không có sinh viên thì không có nguồn kinh phí để duy trì bộ máy nên tăng chỉ tiêu đào tạo rất cao mà không đúng năng lực thực tế. Trường khai 1.000 giáo viên cơ hữu trong đề án tuyển sinh, nhưng thực tế chưa có từng ấy. Tới lúc tuyển được nhiều sinh viên, trường mới đi ký hợp đồng giảng viên cho đủ số lượng. Những việc đó là sai quy định.
Ngoài ra, vẫn còn nhiều trường tuyển vượt chỉ tiêu. Nhiều trường khi tính chỉ tiêu thì trừ hao các trường hợp những sinh viên sau khi nhập học vào trường vài tháng thì chuyển sang trường khác, hoặc trừ hao số sinh viên lưu ban… Các trường cần phải hiểu tính chỉ tiêu là tính từ khi trường có quyết định nhận thí sinh vào học.
Với mùa tuyển sinh năm nay, ông Bằng khuyến cáo các trường phải quán triệt hướng dẫn thanh tra, kiểm tra tuyển sinh mà Bộ GD-ĐT vừa gửi cho các trường ngày 15.7 để xây dựng kế hoạch, quyết định thanh tra.
“Xin nói rõ là thanh tra này độc lập với bộ phận thanh tra chung của trường. Hiệu trưởng nếu quan tâm, thực hiện đúng quy định này thì tự trường đã loại được khá nhiều lỗi chuyên môn có thể do chủ quan, khách quan dẫn đến sai sót. Lãnh đạo Bộ cũng sẽ thành lập các đoàn thanh tra để thanh tra sát sao, kịp thời, làm sai đến đâu sẽ xử lý nghiêm túc tới đó nhằm siết chặt quản lý, kiểm soát để đảm bảo chất lượng đào tạo ĐH trong bối cảnh tự chủ hiện nay”, ông Bằng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.