Vẫn nghiên cứu chế độ với ông Vũ Huy Hoàng sau khi bị 'xóa tư cách'

17/02/2017 13:28 GMT+7

Bộ Nội vụ vẫn đang phối hợp với Bộ Công thương nghiên cứu, đề xuất báo cáo Thủ tướng về chế độ với ông Vũ Huy Hoàng, sau khi bị xoá tư cách Bộ trưởng.

Thông tin này được ông Trương Hải Long, Phó vụ trưởng công chức viên chức, Bộ Nội vụ cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ sáng nay 17.2.2017.
Trả lời câu hỏi về việc chế độ chính sách đối với ông Vũ Huy Hoàng, ông Long cho biết, Thủ tướng đã có văn bản giao Bộ Nội vụ, Bộ Công thương nghiên cứu, đề xuất báo cáo về nội dung này.
Trước đó, ngày 21.1.2017, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đã ký ban hành Nghị quyết số 344/NQ-UBTVQH14 về việc xử lý kỷ luật đối với ông Vũ Huy Hoàng.
Cụ thể Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết nghị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng do đã có những vi phạm về công tác cán bộ khi giữ chức vụ Bộ trưởng trong nhiệm kỳ này và Ban Bí thư T.Ư Đảng đã thi hành kỷ luật tại Nghị quyết số 388-QĐNS/TW ngày 3.11.2016.
Theo đại diện Bộ Nội vụ, ông Vũ Huy Hoàng, theo quyết định đã nghỉ hưu từ 1.10.2016 và chế độ, chính sách đối với ông Vũ Huy Hoàng do Bộ Công thương thực hiện. “Hiện Bộ Nội vụ và Bộ Công thương đang phối hợp, đề xuất. Sau khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ sẽ thông tin tới các cơ quan báo chí theo thẩm quyền”, đại diện Bộ Nội vụ cho biết.
Trả lời câu hỏi về việc trong quá trình kiểm điểm về vụ Trịnh Xuân Thanh, Ban cán sự Bộ Nội vụ có xem xét trách nhiệm của nguyên Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình hay không, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, liên quan đến vụ việc này Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã có kết luận cụ thể.
Liên quan đến trách nhiệm của Bộ Nội vụ, ông Thăng cho biết, Ban cán sự Bộ Nội vụ và các cá nhân liên quan đã có kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc, báo cáo các cấp có thẩm quyền. Theo ông Thăng, vụ việc Trịnh Xuân Thanh là bài học trong xây dựng thể chế, xây dựng văn bản về công tác cán bộ.
Ông Thăng cho biết, sau vụ Trịnh Xuân Thanh và các vụ việc khác được báo chí thông tin, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo hoàn thiện thể chế về vấn đề này.
Theo Thứ trưởng Thăng, sắp tới sẽ có quy định về cán bộ trong hệ thống chính trị trong đó sẽ sửa chữa, bổ sung các quy định của Đảng, quy định của pháp luật làm rõ việc bổ nhiệm nhân sự nào đó căn cứ nhu cầu cơ cấu, quy hoạch, điều kiện tiêu chuẩn, quy trình… “Đặc biệt là chế tài. Nếu có sơ suất ai chịu trách nhiệm?... Quan điểm là sẽ đẩy mạnh phân cấp, xác định trách nhiệm từ cơ quan trình, cơ quan thẩm định, cơ quan tham gia ý kiến, quy định chế tài để hoàn thiện vấn đề này”, Thứ trưởng Thăng nói.

tin liên quan

Báo chí phải đi đầu trong việc lên án tham nhũng, quan liêu
Báo chí phải mang tinh thần “phò chính - trừ tà”, đi đầu trong việc lên án hành vi tham nhũng, quan liêu; tham gia phản ánh, tạo áp lực cần thiết đến các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, xử lý các vụ việc nhanh hơn...
Tại họp báo, ông Nguyễn Tiến Thành, Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Nội vụ đã thông tin một số vấn đề liên quan đến vấn đề nóng được dư luận thời gian qua, trong đó có tình trạng “cả họ làm quan”. Theo đó từ 31.10.2016 đến 3.11.2016, Bộ Nội vụ đã tiến hành kiểm tra để xác minh các hồ sơ, tài liệu liên quan đến các trường hợp theo báo chí phản ánh năm 2016 tại 9 địa phương, đơn vị.

Kết quả kiểm tra cho thấy số người nhà của một số lãnh đạo tại 9 địa phương theo báo chí phản ánh là 60 người (thực tế có 2 người không có quan hệ họ hàng), trong đó số người nhà có quan hệ ruột thịt là 18 người (có chức vụ 15 người, không có chức vụ 3 người); số người nhà có quan hệ họ hàng là 40 người (có chức vụ là 22 người, không có chức vụ 18 người); số người làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước là 24 người, cơ quan Đảng là 6 người, cơ quan đoàn thể là 10 người, đơn vị sự nghiệp là 14 người.
Ông Thành cho hay, qua kiểm tra có một số tồn tại, thiếu sót trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm như tại thời điểm bổ nhiệm một số trường hợp còn thiếu một hoặc một số tiêu chuẩn về trình độ lý luận chính trị, chứng chỉ quản lý nhà nước, ngoại ngữ, tin học (Sở NN-PTNT Hà Giang; Sở Tài nguyên - môi trường Yên Bái; Chi cục Kiểm lâm thuộc Sở NN-PTNT Bình Định; huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế); trình tự bổ nhiệm của một số trường hợp không có văn bản đề nghị và phê duyệt chủ trương bổ nhiệm (Chi cục Kiểm lâm thuộc Sở NN-PTNT Bình Định, Cục thuế Bà Rịa - Vũng Tàu); có 1 trường hợp không thực hiện trình tự, thủ tục tuyển dụng, đồng thời không thực hiện trình tự, thủ tục bổ nhiệm theo quy định (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế); 1 trường hợp có trình độ chuyên ngành không phù hợp vị trí việc làm (Buôn Đôn, Đắk Lắk) và 1 hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP vượt chỉ tiêu được giao (Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Đề nghị kiểm điểm xử lý tuyển dụng, bổ nhiệm tràn lan tại Sở LĐ-TB-XH tỉnh Hải Dương

Liên quan đến vụ việc tuyển dụng, bổ nhiệm tràn lan tại Sở LĐ-TB-XH tỉnh Hải Dương, ông Nguyễn Tiến Thành cho biết, việc bổ nhiệm trên có một số thiếu sót như có 2 công chức được bộ nhiệm Phó trưởng phòng khi chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn ngạch công chức hành chính, một số trường hợp có thời gian làm công chức chưa đảm bảo để đánh giá, nhận xét, nhưng đã được bổ sung quy hoạch và bổ nhiệm phó trưởng phòng... Ông Thành cho biết, Bộ Nội vụ đã kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương tổ chức kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm để có hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến sai sót, tồn tại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.