Văn Miếu 'hồi sinh' qua tư liệu của người Pháp

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
15/02/2023 07:27 GMT+7

Chuyện Văn Miếu "hồi sinh" ra sao, được trùng tu như thế nào hồi đầu thế kỷ 20 đã được người Pháp "mở kho" giới thiệu.

KHẨN CẤP XẾP HẠNG CÁC DI TÍCH

Triển lãm Văn Miếu trong sự hồi sinh di sản của Hà Nội giai đoạn 1898 - 1954 diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) từ 14.2 - 30.4. Triển lãm gồm các tư liệu ảnh và hình vẽ, đều của Viện Viễn đông bác cổ Pháp (EFEO). Các tư liệu ảnh có chú thích cụ thể, giúp hình dung về thời kỳ rất xa của Văn Miếu, đặc biệt là trong tương quan với Hà Nội lúc bấy giờ. Đây cũng là sự kiện mừng 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa VN và Pháp (1973 - 2023).

Văn Miếu “hồi sinh” qua tư liệu của người Pháp - Ảnh 1.

Nhìn từ giếng Thiên Quang trong khu vườn bia tiến sĩ

Tư liệu triển lãm

EFEO có mặt tại Hà Nội vào năm 1902, khi thành phố trở thành trung tâm của Đông Dương. Khi đó, những đường phố mới được mở ra, nhưng cũng nhiều di sản văn hóa bị dỡ bỏ. Thành lũy của kinh thành cũ bị bỏ đi trong giai đoạn 1894 - 1897; chùa Báo Thiên bị dỡ năm 1883 để xây nhà thờ. Chùa Báo Ân cũng chỉ còn nền cũ và tháp Hòa Phong; trên nền chùa này Bưu điện Trung tâm (1894) được xây dựng.

Từ đó, trong nửa đầu thế kỷ 20, EFEO và chính quyền tỉnh Hà Đông đã nỗ lực để bảo tồn và trùng tu Văn Miếu cùng các di tích tiêu biểu khác của thành phố. Tư liệu triển lãm cho biết, đơn vị này đã can thiệp khẩn cấp để xếp hạng di tích Ô Quan Chưởng đang có nguy cơ bị bỏ đi. Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhờ nằm xa hồ Hoàn Kiếm và khu quy hoạch của Pháp nên không bị dỡ bỏ. Tuy nhiên, di tích cũng xuống cấp do được xây bằng gỗ, lại chịu khí hậu khắc nghiệt.

Văn Miếu “hồi sinh” qua tư liệu của người Pháp - Ảnh 2.

Bia đá Văn Miếu khi chưa có nhà bia như bây giờ

Theo tư liệu triển lãm, việc xếp hạng các di tích ở VN được bắt đầu từ năm 1900. Năm 1906, danh sách 7 di tích đầu tiên tại Hà Nội được xếp hạng đăng trên báo chính thống, gồm: Văn Miếu, Ô Quan Chưởng (còn gọi là cổng Jean Dupuis), chùa Trấn Vũ, đền Ngọc Sơn ở hồ Hoàn Kiếm, đền Hai Bà Trưng, đền Bạch Mã và chùa Một Cột.

Năm 1924, luật Bảo vệ di tích lịch sử (thực hiện từ năm 1913) của Pháp được mở rộng sang Đông Dương. "Danh mục các di tích lịch sử ở Bắc kỳ" bao gồm 89 di tích, đình, đền, chùa (Văn Miếu ở số thứ tự 39). Trong danh sách này, Trung kỳ có 185, Nam kỳ có 33, Campuchia có 670 và Lào có 72 di tích.

Văn Miếu “hồi sinh” qua tư liệu của người Pháp - Ảnh 3.

Khuê Văn Các

LIÊN TỤC TRÙNG TU VĂN MIẾU

Với đề xuất xếp hạng, EFEO đưa ra các biện pháp để bảo tồn di tích. Họ nghiên cứu và xây dựng hồ sơ, tìm nguồn tài trợ, giám sát hoạt động bảo tồn. Văn Miếu cũng vào danh sách được "chăm sóc" này. Việc trùng tu Văn Miếu không chỉ cần được làm thường xuyên, mà còn cần bàn tay của thợ thủ công tài, khéo. Chỉ những người thợ mộc, thợ sơn mài, thợ điêu khắc… nắm giữ bí quyết, kỹ thuật truyền thống mới có thể thực hiện công việc này. Vai trò của EFEO và giới chức VN lúc bấy giờ là lựa chọn những thợ thủ công tài hoa, xác định các công trình cần ưu tiên sửa chữa và tìm nguồn kinh phí cho công việc tu sửa.

Cùng với quá trình đô thị hóa, năm 1899 - 1900, người Pháp cho xây lại tường bao hình tứ giác đều cho Văn Miếu. Tới năm 1904, cuộc trùng tu Văn Miếu đầu tiên của EFEO được thực hiện. Khi đó, Văn Miếu đã được công nhận chức năng thờ tự cũng như giá trị di sản. Ở đợt này, các công trình được trùng tu gồm: Khuê Văn Các, Tả Vu, tòa đình bia bên phải, cổng Văn Miếu, tường bao và giếng Thiên Quang. Năm 1905, mái ngói trên điện Khải Thánh và một số công trình khác đã được lợp lại, đặc biệt nội thất bên trong điện được sơn son.

Văn Miếu “hồi sinh” qua tư liệu của người Pháp - Ảnh 4.

Văn Miếu xưa

Giai đoạn 1917 - 1920, một đợt tu sửa lớn diễn ra dưới sự giám sát của Henri Parmentier, một nhà khảo cổ người Pháp. Đợt trùng tu này do chính quyền tỉnh Hà Đông thực hiện với sự hỗ trợ của EFEO, bao gồm: sửa chữa gạch lát sân; thay thế các khung bị hỏng, lan can và một số mái ngói; sơn son thếp vàng lại toàn bộ kết cấu các công trình; cuối cùng là dỡ bỏ chiếc cổng sắt kiểu châu Âu ở mặt tiền lạc lõng với kiến trúc di tích.

Tư liệu ghi nhận, cá nhân đóng góp lớn cho công việc này là Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu. Theo bản tin của EFEO năm 1920 về tu bổ Văn Miếu: "Công lao chính thuộc về ngài Hoàng Trọng Phu, Tổng đốc Hà Đông, bởi đã cho triển khai các công việc… có quyết định sáng suốt và là người có uy tín đối với người dân. Sự đóng góp quan trọng của ông chỉ đơn giản là chọn lựa sử dụng những người thợ bậc thầy trong nghề thủ công truyền thống…".

Văn Miếu “hồi sinh” qua tư liệu của người Pháp - Ảnh 5.

Việc tế lễ ở Văn Miếu xưa

Văn Miếu còn trải qua đợt tu bổ những năm 1930 do Sở Công chính Hà Đông tiến hành. Những năm 1950, Văn Miếu lại được tu bổ sau khi một số công trình trong Văn Miếu bị phá hủy vào cuối năm 1946. Đợt này, hai dãy Tả Vu và Hữu Vu nằm hai bên sân Bái Đường được xây lại, công trình hoàn thành vào tháng 8.1954.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.