'Xông nhà' chị em kỷ lục gia siêu trí nhớ Việt Nam

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
25/01/2020 08:00 GMT+7

Lần đầu tiên, cuộc thi Siêu trí nhớ Việt Nam 2019 được tổ chức ở TP.HCM và bất ngờ có hai chị em ruột ở Di Linh (Lâm Đồng) xuất sắc cùng đoạt danh hiệu kỷ lục gia.

Trong đó, Đặng Ngọc Phương Trinh là quán quân, với tổng điểm 10 môn thi đấu 3.326 điểm, đồng thời là tuyển thủ giỏi nhất khi thiết lập tới 5 kỷ lục quốc gia, điều chưa từng có trong vòng 15 năm xác lập các kỷ lục tại Việt Nam.
Phải vất vả lắm mới tìm gặp được kỷ lục gia Đặng Thu Hiền (sinh năm 1999) và kỷ lục gia Đặng Ngọc Phương Trinh (sinh năm 2000) ở Di Linh vì cả hai đều rất bận rộn cho giải Siêu trí nhớ thế giới sắp tới.

Tuổi thơ cơ cực

Lần đầu tiên, cuộc thi Siêu trí nhớ Việt Nam 2019 do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) và Tổ chức Trí nhớ Việt Nam (Vietnam Memory Organization) tổ chức thành công, đã đưa nước ta trở thành quốc gia thứ 39 ghi tên lên “bản đồ siêu trí nhớ thế giới”. Thông qua cuộc thi này, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam mong muốn tìm ra những tài năng xuất chúng về trí nhớ mong chờ có cơ hội để tỏa sáng.

Cha của hai chị em là dân Khánh Hòa. Khi còn thanh niên, ông lưu lạc lên Di Linh làm mướn, rồi phải lòng cô con gái xinh đẹp của ông chủ nên kết duyên thành vợ chồng. “Hoàn cảnh gia đình em lúc đó khó khăn lắm. Ba mẹ lấy nhau xong dắt díu về nhà nội sinh sống. Năm em lên 6 tuổi, Trinh 5 tuổi, ba gửi hai em về với bà ngoại đi học, còn ông thì lưu lạc làm ăn xa tới năm em 9 tuổi, ba có về thăm 1 ngày. Năm em học lớp 11, ba quay lại xin lỗi ông bà ngoại lần nữa rồi đi biệt tích đến giờ. Tụi em cũng mất liên lạc, còn má thì cứ xong mùa cà phê lại xuống Vũng Tàu đi phụ giúp rửa chén ở một quán ăn, mỗi năm về vài lần. Vì vậy mà hai chị em lúc nào cũng xa ba mẹ, chỉ biết lủi thủi với bà ngoại già yếu cho đến khi đậu đại học”, Thu Hiền kể.
Do tuổi tác gần nhau nên Thu Hiền và Phương Trinh có cùng cách suy nghĩ, sự đam mê, còn tính nết thì trái ngược. Phương Trinh thú nhận là người sôi nổi, thích khám phá, có nhiều bạn bè; còn Thu Hiền lại hướng nội, muốn ở nhà và ít khi xuất hiện ở chốn đông người.
Tốt nghiệp cấp 3, hai chị em rủ nhau cùng thi vào Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM và luôn đi với nhau như hình với bóng. “Trước đó, tụi em hay lên mạng xem các chương trình Siêu trí tuệ của Trung Quốc. Mê lắm, nhất là đọc - nghe những chia sẻ kinh nghiệm của kỷ lục gia thế giới về thú vui cực kỳ ấn tượng này. Vì vậy, em với chị tập trung trau dồi ngoại ngữ, chia nhau phân bố thời gian đọc sách, tìm kiếm tài liệu..., người nào lo phần của người nấy, lên kế hoạch ôn bài dự thi tại Việt Nam và đặt ra mục tiêu phải rinh cho bằng được giải thưởng”, Phương Trinh nhớ lại.

Tập luyện để có “siêu trí nhớ”

Cuối tháng 1.2019, khi nhận được tin cuộc thi Siêu trí nhớ Việt Nam 2019 khởi động, Thu Hiền và Phương Trinh săn lùng mua hơn 20 cuốn sách về siêu trí nhớ của nước ngoài về tập luyện. Phòng trọ dày đặc những con số dán khắp mọi nơi. Đặc biệt, cả hai em áp dụng chính sách... ẩn sĩ, cắt đứt liên lạc với bạn bè, làm mọi người phát hoảng vì chẳng biết làm sao liên lạc.
Thu Hiền kể: “Ban đầu, tụi em học sai phương pháp nên tốn thời gian và mất ngủ dữ lắm. Thay vì phải tập thể dục từng ngày cho não nhớ số và các lá bài từ dễ đến khó thì lại làm liền một lúc nên não bị dồn quá độ, khiến đau đầu kinh khủng. Sau này, càng vào vòng trong, nhờ có sự kết nối với kỷ lục gia siêu trí nhớ thế giới Nguyễn Phùng Phong - Chủ tịch Hội đồng thể thao trí nhớ Việt Nam, và được thầy chia sẻ kinh nghiệm nên mọi việc có vẻ dễ thở hơn”.
“Mỗi khi ra trận, cứ tưởng tượng mình đang làm bài ở nhà là tự tin ngay và bớt căng thẳng”, Phương Trinh nhớ lại. “Trong số 5 kỷ lục em xác lập: Người nghe và nhớ số nhiều nhất (môn nghe và nhớ số); Người nhớ đúng nhiều sự kiện lịch sử nhất trong 5 phút (nhớ sự kiện lịch sử); Người nhớ đúng nhiều họ và tên nhất trong thời gian 5 phút (tên và gương mặt); Người nhớ đúng nhiều số nhị phân nhất trong thời gian 5 phút (số nhị phân); Người nhớ đúng nhiều số ngẫu nhiên nhất trong thời gian 15 phút (số ngẫu nhiên), thì môn nghe và nhớ số là khó nhất và không phải thế mạnh của em. Tuy nhiên, nhờ đầu tư tập trung và một ít may mắn, em đã vượt qua”.

Tiền thưởng trả hết nợ nần

Sau khi được Ban tổ chức Siêu trí nhớ Việt Nam 2019 trao giải thưởng cho hai chị em (400 triệu đồng), bà ngoại là “nhân vật quan trọng” đầu tiên được Thu Hiền và Phương Trinh gọi điện thoại về báo tin vui. Tiếp đến là mẹ, còn ba vẫn biệt vô âm tín... Nhờ thành quả từ cuộc thi mà cả nhà đã trả xong hết các khoản nợ nần.
Đặng Ngọc Phương Trinh chia sẻ: “Trong cuộc sống, quan niệm của tụi em là phải luôn đặt ra mục tiêu để phấn đấu, dù thành công hay thất bại nhưng đã nỗ lực hết mình thì chẳng có gì ân hận cả. Đôi khi, chính thất bại cũng là thành công tương lai cho đời mình”.
Còn mong ước đơn giản nhất của hai cô gái lúc này chỉ là “Xuân này, ba sẽ về”...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.