Xe rác đi qua để lại gì?

30/04/2010 09:15 GMT+7

(TNTT>) Xe rác ở đây xin hiểu theo hai nghĩa: một là những chiếc xe chở rác của công ty vệ sinh, hai là những chiếc xe bóng lộn đẹp đẽ mà chủ xe cố ý xả rác xuống đường...

Còn nhớ, khoảng những năm đầu của thập niên 90 (thế kỷ trước), việc một số hộ gia đình trong các khu căn hộ mới xây khang trang bỏ rác vào các bao ni-lông bỏ trước cửa chờ xe rác tới thu gom là một “sự kiện” rất đáng được quan tâm chào đón. Rồi việc thu phí rác tại các hộ gia đình của các nhóm rác dân lập “xóa” đi việc mỗi nhà tự đi “thủ tiêu” rác đã làm bộ mặt Sài Gòn khá hẳn lên, cho tới khi những chiếc xe ép rác được nhập về, niềm hy vọng về giải quyết vấn nạn rác của người Sài Gòn trở nên phơi phới hơn bao giờ hết. Nhưng ai nào ngờ… Cùng với cơ chế thị trường, người nhập cư tăng nhanh, Sài Gòn trở nên quá tải, người quá đông và nạn rác không thể giải quyết xuể cùng những bức bách khác.

Chạy giờ cao điểm

Trước kia, thành phố có ban hành quy định xe chở rác chỉ được chạy vào ban đêm, lúc đó đường phố cũng chưa đông như bây giờ nên tệ nạn về xe chở rác cũng chưa đặt thành vấn đề. Nhưng hiện thời xe rác chạy loạn cào cào bất kể ngày đêm, có lẽ do lượng rác quá lớn và đường lại thường xuyên kẹt xe. Sự có mặt của những chiếc xe này với phần diện tích mặt đường bị chiếm dụng lớn để làm nơi dọn rác đã góp phần gây kẹt xe cục bộ trên một số tuyến đường trong nội thành. Không gì khổ hơn khi bị tắc lại giữa đường cùng với xe rác. Việc bỏ chạy hoặc tránh xe rác cũng không dễ. Vào những giờ cao điểm xe rác ra vào thường xuyên các bãi rác, đôi khi người chạy xe trên đường bị cản bởi một xe rác phía trước. Không thể vượt qua vì đường quá chật lại quá đông, muốn chạy chậm để cho xe rác đi trước thật xa thì lại bị kẹt bởi một xe… rác khác từ phía sau. Vì kẹt giữa “hai làn đạn” khách chạy xe trên đường chỉ còn cách bắt buộc phải hít mùi rác đầy hai buồng phổi…

Khi xe rác đi qua

Chưa cần nói đến chuyện xe chở rác bên dân lập chở cồng kềnh lại chạy nghênh ngang giữa ban ngày, chỉ riêng xe ép rác của công ty vệ sinh môi trường, ngay cả lúc ban ngày không chở rác vẫn bốc mùi hôi nồng nặc. Đơn giản vì các xe ép rác hầu hết không được xịt rửa sạch sau khi “hoàn thành công vụ”, tức là sau khi đã "xả” rác xuống bãi trung tâm, trên đường quay ra xe vẫn còn những mảng bám, nước rỉ rác nhất là phía phần đuôi xe và cả bánh xe. Có khi xe còn nguyên rác trên thùng xe, trên đường di chuyển mùi hôi bay xa cả... dặm, lâu lâu nước “rác ép” nhỏ xuống, chảy dài dọc theo đường, đó là chưa kể đôi khi xe ép rác còn để rơi vãi nhiều cục “lầy nhầy” ra đường làm người đi đường phải tăng ga chạy tán loạn. Không cần phải là dân chuyên môn bên ngành y, có lẽ ai cũng biết sự bốc mùi của các bô rác bên đường cũng như xe chở rác phát tán mùi hôi và vi trùng trên khắp đường phố mà xe di chuyển có hại cho sức khỏe con người như thế nào.

Điều cần thiết là các công ty vệ sinh môi trường phải xem lại trang thiết bị của xe chở rác, xe phải kín để không phát tán mùi hôi, không để rơi rác và chảy nước xuống đường. Mỗi lần xuống rác xong, trước khi rời bãi rác, xe rác phải được xịt rửa sạch sẽ và khử trùng rồi mới được phép trở lại lưu thông trên đường. Ngoài ra, cũng cần phải ban hành một luật lệ nghiêm khắc, bất cứ xe gì lưu thông trên đường mà phát tán mùi hôi hoặc để rơi vãi những vật phẩm dơ dáy xuống đường đều bị phạt thật nặng.

Vì quan niệm đường chung là đường... chùa nên không ít người đã quăng xác chuột chết ra giữa đường cho xe cộ qua lại... cán chơi

Xe xịn thành... xe rác

Có lần, người viết bài này đang chạy xe ngon trớn bỗng nghe bộp mạnh một cái, sau đó là một vỏ chai loại nhựa cứng lăn lông lóc trên đường, ngó lên thì “thủ phạm” là một em học sinh còn đeo khăn quàng đang được phụ huynh chở chạy xe phía trước. Chạy theo vị phụ huynh kia và có đôi lời góp ý thì bị mắng là “Cái đồ nhiều chuyện! Đường chùa ai muốn quăng gì thì quăng, bộ đường nhà mấy người sao mà mấy người lên tiếng?”. Vì quan niệm đường chung là đường…chùa nên không ít người đã quăng xác chuột chết ra giữa đường cho xe cộ qua lại… cán chơi.

Chưa hết, có lần đang chạy xe trên đường, tôi lại thấy một chiếc xe hơi đời mới bóng lộn phía trước thình lình hạ cửa kính xe xuống và một bịch ni-lông quăng xuống đường vỡ ra văng tung tóe nào hột, nào vỏ của nhãn, chôm chôm… Trước ánh mắt bất bình của những người chạy xe máy cùng chiều, người đàn bà có gương mặt đẹp trên chiếc xe hơi đời mới vừa quăng rác kia thản nhiên lạnh tanh ra vẻ ta đây một quý bà có đẳng cấp.

Mọi hành vi của con người phần lớn do giáo dục mà ra. Có lẽ đã đến lúc phải đưa vấn đề bảo vệ môi trường không xả rác bừa bãi vào trong giáo dục học đường ngay từ năm lớp một, lớp hai của cấp tiểu học. Như vậy sau này chúng ta mới có những công dân mẫu mực như các nước cùng châu Á với ta như Nhật Bản hoặc Hàn Quốc -  hai quốc gia mà trong mùa World Cup thường hay được báo chí ca ngợi vì đi coi đá banh xong bao giờ khán giả Nhật hoặc Hàn cũng thường nán lại trên khán đài thu gom cho sạch những vỏ chai mà họ đã dùng hết. Và tôi cũng đã chứng kiến một thanh niên Nhật Bản hai tay cầm hai cái vỏ chuối lúng túng trong một công viên của Sài Gòn để tìm thùng rác. Không tìm thấy, anh ta đề nghị tôi giúp đỡ, cuối cùng chúng tôi cũng tìm thấy thùng rác được giấu sau ghế đá của công viên.

Nỗi khổ từ xe chở đất cát

Tại các thành phố lớn ở nước ta, công trình xây dựng mọc lên rất nhiều. Để làm móng, cần có những xe chở đất ra khỏi công trình và cần có những xe chở cát, xi măng, vật liệu xây dựng… vào công trình. Mỗi lần vận chuyển đất cát như vậy, các thứ trên xe lại có dịp hòa vào không khí của thành phố. Hệ quả là người dân có gì? Những con đường nhựa nhưng lại có những viên đất, đụn cát rớt lại bên dưới. Khi mưa, chúng trở thành những đống bùn dơ bẩn. Khi trời khô có gió thì các con đường sẽ mịt mù cát bay. Thậm chí nếu cát nhiều, đường rộng, gió to, ở nơi gần công trường, người ta tưởng đang có bão cát.

Các tài xế chở đất cát khi lưu thông ban ngày cũng căng bạt để tránh vương vãi đất cát nhưng mục đích chính của kiểu che chắn tạm bợ này chỉ nhằm đối phó với cảnh sát giao thông chứ không phải mang ý thức gìn giữ môi trường. Các công trình xây dựng cũng chỉ quét dọn mặt đường trước khu vực của họ để khỏi bị phạt còn xa một chút thì thôi. Đấy là đi ban ngày, còn ban đêm, các xe chở đất cát có căng bạt che không thì cũng tùy thuộc vào đoạn đường họ đi có thường gặp cảnh sát hay không.

Hồ Khuê

Vân Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.