Vùng biển miền Trung một thời bán buôn phồn thịnh

TS Nguyễn Đăng Vũ
TS Nguyễn Đăng Vũ
11/06/2020 12:00 GMT+7

Đã có một thời vùng cửa biển ở Quảng Ngãi, đặc biệt ở Bình Châu, Dung Quất và Thu Xà, việc buôn bán thật sự phồn thịnh.

Trong nhiều năm qua, Quảng Ngãi đã phát hiện và khai quật 3 tàu cổ đắm ở vùng biển Bình Châu và Dung Quất. Năm 2013, khai quật tàu cổ tại Bình Châu và năm 2019, khai quật tàu cổ tại Dung Quất. Nhờ các chữ Hán được ghi trên các hiện vật tìm thấy mà chúng ta có thể xác định niên đại các tàu cổ đắm này, cũng như nhận diện con đường giao thương trên biển, việc giao thương tại vùng cửa biển Sa Cần, Sa Kỳ.

Dấu tích từ những con tàu cổ

Tại vùng biển Bình Châu, sau khi khai quật, các nhà khảo cổ đã tìm thấy những đồ gốm sứ thời Nguyên, như: các loại đồ gốm men ngọc, mà trong số đó có những dòng chữ Hán khắc chìm, như Kim ngọc mãn đường trường mệnh phú quý (金玉 滿堂長命富貴), hoặc Thanh Hoa (青花), Cát (吉); các loại đồ gốm men nâu, có những dòng chữ ghi lò sản xuất, như Đức chính nhuận (德政閏), Ngô nhậm hiệu (吴任号), Lão điếm (老店), Nghĩa (義); một số đồ sứ hoa lam thời Minh, có ghi niên đại sản xuất, bao gồm: Đại Minh Tuyên Đức niên chế (大明宣德年製), Đại Minh niên chế (大明年製), Tuyên Đức niên chế (宣德年製), Chính Đức niên tạo (政德年造), hoặc những dòng chữ khắc chìm Trường mệnh phú quý (長命富貴), Vạn phúc du đồng (萬福攸同)...
Tại vùng biển Dung Quất, các nhà khảo cổ cũng đã trục vớt nhiều mảnh vỡ các loại nhiều bát, đĩa sứ hoa lam, địa sứ men trắng, trong số đó có những mảnh vỡ ghi các dòng chữ Hán, như: Vĩnh bảo trường xuân (永保 長春), Vạn phúc du đồng (萬福攸 同), Thực lộc vạn chung (禄食萬鍾), Trường xuân giai khí (長春 佳器), Vĩnh hanh giai khí (永亨佳器), Phúc thọ khang ninh (福壽康寧)... và có 6 các mác hiệu xuất hiện từ đời Gia Tĩnh (1522-1566) đến đời Vạn Lịch (1573-1620), như: Đại Minh Tuyên Đức niên chế (大明宣德年製), Đại Minh Tuyên Đức niên tạo (大明宣德年造), Tuyên Đức niên chế (宣德年製), Tuyên Đức niên tạo (宣德年造), Đại Minh Thành Hóa niên chế (大明成化年製), Chính Đức niên chế (正德年製), Đại Minh Gia Tĩnh niên chế (大明嘉 靖年製), Đại Minh Long Khánh niên chế (大明隆 慶年製), Đại Minh Vạn lịch niên chế (大明萬曆年製), Vạn lịch niên chế (萬曆年製)...

Khai quật tàu cổ Bình Châu hồi năm 2013

Ảnh: Đăng Vũ

Theo TS Nguyễn Đình Chiến, một chuyên gia từng tham gia khai quật các con tàu cổ ở Quảng Ngãi, thì từ các đồ gốm sứ tìm thấy trong tàu cổ đắm ở Dung Quất với các dòng niên đại nêu trên, có thể xác định các hiện vật trong tàu, dù đều là đồ gốm sứ thời Minh, nhưng lại trải dài từ thời Tuyên Đức và muộn nhất là đến thời Vạn Lịch, nghĩa là cách nhau cả gần 200 năm. Vì vậy có thể khẳng định con tàu cổ khai quật ở vùng biển Bình Châu và tàu cổ khai quật ở vùng biển Dung Quất đều có niên đại từ thời Gia Tĩnh (1522-1566) đến đời Vạn Lịch (1573-1620). Đó là chưa kể qua khảo sát, còn có hàng chục con tàu cổ bị chìm đắm mà chưa có cơ hội tổ chức khai quật. Từ điều này có thể cho phép ta suy đoán vào khoảng thời gian gần 200 năm này, tại vùng biển Quảng Ngãi đã là nơi giao thương gốm sứ khá thịnh hành, là nơi dừng chân buôn bán của các thương nhân trên còn đường tơ lụa trên biển.

Đến văn bia và những trang sử liệu

Việc giao thương trên biển không chỉ thể hiện qua dấu tích các tàu cổ đắm ở vùng biển Bình Châu, Dung Quất, mà còn trong các tài liệu Hán Nôm ở Thu Xà (Nghĩa Hòa, Tư Nghĩa), đặc biệt trong văn bia ghi chép việc đóng thuế tại cảng Thu Xà vào năm Tự Đức thứ 32 (1879). Văn bia này lưu tại Hội quán Triều Châu có tên gọi là Triều thương công sở bi ký (潮商公所碑記), có ghi chép khá kỹ về các loại thuyền buôn phải đóng thuế mỗi khi ra vào cảng, hoặc neo đậu ngoài cảng (Thu Xà); số tiền phải đóng khi vào cảng lần đầu; thuế phải nộp khi buôn đường cát, buôn dầu; việc đặt cân tại công sở để thương nhân tiện sử dụng...
Trong Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn có ghi chép về số tiền thuế tại các cửa biển thuộc xứ Quảng Nam vào lúc ông được cử làm Hiệp trấn Thuận Hóa. Tiền thuế thu ở các cửa thuộc phủ Thăng Hoa: cửa biển Đà Nẵng là 64 quan, cửa Đại Chiêm là 75 quan...; thuộc phủ Quảng Ngãi: cửa Sa Kỳ là 560 quan 3 tiền, cửa Đại Cổ Lũy là 150 quan, cửa Mỹ Ý (Á) là 37 quan 5 tiền, cửa Thái Cần là 84 quan 5 tiền; thuộc phủ Quy Nhơn: cửa Thị Nại là 470 quan; thuộc phủ Phú Yên: cửa Ô Loan là 62 quan, cửa Xuân Đài là 31 quan...
Thử làm so sánh số liệu thu thuế tại xứ Quảng Nam vào năm Quý Đôn viết sách này, có thể thấy số tiền thuế thu tại các cửa biển ở phủ Quảng Ngãi là nhiều hơn cả, đặc biệt là ở cửa Sa Kỳ. Lê Quý Đôn cũng cho biết Thuận Hóa, vùng đất có thủ phủ là kinh đô Phú Xuân, nhưng tiền thuế ở cửa biển Tư Hiền cũng chỉ có 410 quan, thuế thu ở cửa Eo thì chỉ có 25 quan (Lê Quý Đôn toàn tập, tập 1: Phủ biên tạp lục, NXB Khoa học xã hội, 1977, tr.128 - 219).

Phơi cá cơm ở cửa biển Sa Kỳ, Quảng Ngãi

Ảnh: Đăng Vũ

Bên cạnh đó còn có các tài liệu Hán Nôm được tìm thấy trong hàng chục năm qua, như hàng nghìn trang Hán Nôm về đô thị cổ Thu Xà, về các chánh thủy quân, chánh đội trưởng chuyên trách việc giao thương lẫn tuần phòng trên biển thời Tự Đức đến thời Khải Định, như Nguyễn Văn Chước (làng Năng An, huyện Mộ Hoa), Đồng Văn Chất, Trương Hữu (xã Ba La, huyện Chương Nghĩa), Nguyễn Văn Nhiễu (châu An Mô, phủ Tư Nghĩa), Nguyễn Văn Hoàng (xã An Hải, huyện Bình Sơn)... Phải chăng do sự bán buôn tấp nập đó mà Quảng Ngãi cũng là nơi triều Nguyễn đã cử khá nhiều những chánh đội trưởng, chánh thủy quân để canh phòng vùng biển, nhằm bảo vệ chủ quyền và để ổn định việc giao thương?
Có thể nói, qua dấu vết những con tàu cổ ở vùng biển Quảng Ngãi, một văn bia thời Tự Đức và những trang sử liệu của Lê Quý Đôn, chúng ta thấy rằng vùng biển Quảng Ngãi một thời là nơi diễn ra việc buôn bán khá phồn thịnh, nếu không nói là phồn thịnh hơn các cửa biển khác trong xứ Quảng Nam xưa (bao gồm các tỉnh, thành từ Đà Nẵng đến Phú Yên ngày nay), lẫn dải đất miền Trung lúc bấy giờ.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.