Vua Tự Đức con ai?

04/03/2019 10:38 GMT+7

Trong cuốn sách Huế - Triều Nguyễn - Một cái nhìn (tái bản có bổ sung) mới phát hành, nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn đã lật lại và đưa ra một số kiến giải mới cho những nghi án nổi tiếng của triều Nguyễn . Thanh Niên xin trích giới thiệu cùng bạn đọc.

Vua Tự Đức tên húy là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, sinh ngày 22.9.1829, được biết là con trai thứ hai của hoàng trưởng tử Nguyễn Phúc Miên Tông (con vua Minh Mạng) và bà Phạm Thị Hằng (tức bà Từ Dũ sau này). Tuy nhiên vấn đề vị vua này thực sự là con ai lâu nay vẫn có nhiều luồng dư luận khác nhau.
Tháng giêng năm 1841, vua Minh Mạng băng hà, Miên Tông được chọn kế vị ngai vàng. Ngày 11.2.1841 thì đăng quang, đặt niên hiệu là Thiệu Trị. Phạm Thị Hằng được phong làm cung tần. Năm 1843, vua Thiệu Trị phong cho Nguyễn Phúc Hồng Bảo - con trai trưởng của vua với bà Quý nhân Đinh Thị Hạnh, tước An Phong công và cho ở tiềm đế, chuẩn bị kế vị ngai vàng. Năm 1844, Thiệu Trị phong cho Hồng Nhậm tước Phúc Tuy công.
Tháng 9.1847, vua Thiệu Trị ốm nặng, cho gọi Cố mệnh lương thần Trương Đăng Quế và các đại thần: Vũ Văn Giải, Nguyễn Tri Phương, Lâm Duy Thiếp vào bảo: “Ta lo nghiệp lớn của tổ tông phó thác cho ta nên phải lựa chọn người để yên xã tắc. Trong mấy người con, Hồng Bảo tuy là con lớn, nhưng thứ xuất, mà lại kém cỏi ít học, ham chơi, nối nghiệp lớn không được. Con thứ hai là Phúc Tuy công thông minh ham học, giống in như ta đáng nối ngôi vua. Hôm trước ta đã phê vào chiếu để trong long đồng, các ngươi phải kính noi theo, đừng trái mệnh”. (Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc, Nguyễn Phúc tộc thế phả, 1995, tr.343).
Tháng 11.1847 vua Thiệu Trị băng hà. Đình thần triều Nguyễn, đứng đầu là Trương Đăng Quế, đã đưa Hồng Nhậm lên ngôi, lấy niên hiệu là Tự Đức. Việc “phế trưởng, lập thứ” này từng gây xôn xao.
Chân dung bà Từ Dũ hoàng thái hậu
Chân dung bà Từ Dũ hoàng thái hậu Ảnh: tư liệu

Những nghi vấn

Có mấy nghi vấn nảy sinh: Hồng Nhậm là con ruột của Trương Đăng Quế, được đánh tráo làm con của vua Thiệu Trị và vị đại thần này đã dùng quyền uy ép vua Thiệu Trị đưa Hồng Nhậm lên ngai vàng, hoặc: Trương Đăng Quế tư thông với bà Phạm Thị Hằng, sinh ra Hồng Nhậm. Vua Thiệu Trị không biết chuyện này, chỉ căn cứ vào tài đức của Hồng Nhậm mà chọn ông lên kế vị…
Thực hư chuyện này không ai rõ, nhưng từ đó đến nay, vấn đề “Vua Tự Đức là con của ai?” được nhiều nhà nghiên cứu lịch sử quan tâm, tranh luận:
Giáo sĩ Paul Gally, trong một bức thư gửi giáo sĩ Barrau của Hội Thừa sai Paris (15.1.1852), viết: “Ông hoàng Bảo, cũng gọi là An Phong, với tư cách là trưởng nam của vua Thiệu Trị, tự nhiên đáng lẽ phải kế vị nhà vua... Nhưng ông Cai Trương, mà người ta thường gọi là Ông Quế, vị thượng thư đầy quyền lực ở triều đình đã cướp ngôi của ông, để dành cho con rể của ông ta là Tự Đức” (Yoshiharu Tsuboi, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, 1990, tr.162); “Theo lời truyền khẩu, vua Tự Đức là con Trương Đăng Quế thông dâm bà Từ Dũ” (Nguyễn Quang, “Giặc chày vôi”, Phổ thông, số 32, 15.4.1960); “Tương truyền rằng Hồng Nhậm là con Trương Đăng Quế, lúc bấy giờ là một quyền thần rất có thế lực tại triều, lại là chồng của một bà công chúa em vua Thiệu Trị, nên xuất nhập bất cấm ở cung điện nhà vua. Nhân dịp vợ vua Thiệu Trị là hoàng thái hậu Từ Dũ và vợ Quế cùng sinh con trai nhằm một ngày, Quế lợi dụng sự bất cấm nói trên để đem con trai mình tên là Trương Quang Đản vào nội, đánh lộn sòng với con trai vua Thiệu Trị. Trong hàng nội giám và thị nữ trong nội cung, có người hay chuyện nhưng không ai dám hé môi vì sợ Quế hãm hại. Có lẽ cũng là một duyên cớ cho Đoàn Hữu Trưng vin vào đó để mưu lật đổ vua Tự Đức và lập con Hồng Bảo là Ưng Đạo lên ngôi” (Hoàng Trọng Thược, Tinh thần trào phúng thi ca xứ Huế, 1973); “Dư luận đương thời cho rằng Trương Quang Đản (con Trương Đăng Quế) là con vua Thiệu Trị, còn Tự Đức mới là con của Trương Đăng Quế tư thông với bà Từ Dũ” (Nguyễn Q.Thắng - Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, 1991); “Sử nhà Nguyễn chép về việc của An Phong quận vương quá vắn tắt, chứng tỏ thiếu minh bạch. Di chiếu đức Hiến Tổ (vua Thiệu Trị), tuy có chép trong Quốc triều chính biên, nhưng dính vào việc phế truất ông đương nhiên phải có đại thần Trương Đăng Quế và bà Từ Dũ” (Nguyễn Phúc tộc thế phả, tr.349).
Những luồng dư luận trên, có lẽ xuất phát từ một loạt các sự kiện liên quan đến việc tranh giành quyền lực giữa hai anh em Hồng Bảo và Hồng Nhậm và sự can thiệp của Trương Đăng Quế để bảo vệ ngai vàng của vua Tự Đức. Bắt đầu bằng việc vua Thiệu Trị “phế trưởng, lập thứ” dẫn đến việc Hồng Bảo nổi loạn vào năm 1851, bị Tự Đức tống giam và chết trong ngục thất năm 1854, và cuối cùng là việc Đoàn Hữu Trưng cầm đầu “loạn chày vôi” vào tháng 10.1866, âm mưu lật đổ vua Tự Đức, đưa con trai của Hồng Bảo là Ưng Đạo lên ngai vàng, nhưng bị thất bại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.