Vua Bảo Đại bay từ Buôn Ma Thuột về Sài Gòn chữa gãy khớp xương

Nguyễn Quang Diệu
Nguyễn Quang Diệu
26/08/2021 10:54 GMT+7

Từ ngày đầu đặt chân đến Sài Gòn (tháng 1.1890), bác sĩ Albert Calmette đã sống và làm việc tại một trong những dãy nhà của Bệnh viện Quân sự , tại đây ông điều hành phòng thí nghiệm, phát triển vắc-xin chống bệnh đậu mùa và bệnh dại.

Trước khi đến Nam Kỳ và nhận nhiệm sở tại Sài Gòn, bác sĩ Albert Calmette (1863-1933) là một nhân vật rất nổi tiếng trong giới y khoa thuộc địa Pháp.

Khuôn viên Bệnh viện Quân sự trước đây

Ảnh: Mạnh Hải Flickr

Tên tuổi của bác sĩ Albert Calmette sau này gắn liền với Bệnh viện Grall - tiền thân là Bệnh viện Quân sự đầu tiên tại Sài Gòn - một trong những biểu tượng của ký ức và lịch sử khai thác thuộc địa của người Pháp ở Nam kỳ.
Trở lại công việc của bác sĩ Albert Calmette, khi vừa đến Sài Gòn là ông bắt tay ngay vào việc tiến tới thành lập, tổ chức và điều hành chi nhánh hải ngoại đầu tiên của Viện Pasteur Paris (Institut Pasteur Saïgon) vào năm 1891.
Vua Bảo Đại chữa trị gãy khớp xương tại Bệnh viện Grall (Sài Gòn)

Hồi đó, Sài Gòn - TP.HCM bây giờ là thành phố duyên dáng bậc nhất ở Đông Dương với nhiều công trình nghệ thuật tuyệt vời như Dinh Toàn quyền, Dinh Thống đốc, Sở Thuế quan, Bưu điện trung tâm Sài Gòn…, nhà cửa xinh xắn, đường phố rợp bóng cây. "Nhìn từ trên cao, Sài Gòn trông như một đại dương xanh lục hay một công viên rộng lớn với nhiều tòa nhà cao lớn vượt lên những tán cây…", Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer cũng đã miêu tả như vậy về Sài Gòn khi đến Nam kỳ năm 1897.

Họa đồ toàn cảnh Sài Gòn năm 1898 do Gaston Pusch vẽ, khuôn viên Bệnh viện Quân sự (nằm trên bốn mặt đường) rợp bóng cây xanh, một con đường (nay là Thái Văn Lung) chạy thẳng từ bến Bạch Đằng đến cổng bệnh viện

Ảnh: Mạnh Hải Flickr

Bên cạnh các công thự đại diện cho quyền lực mà người Pháp muốn thiết lập vĩnh viễn ở Đông Dương, Paul Doumer đặc biệt dành những lời khen ngợi cho hai công trình dùng làm trại lính Trung đoàn Bộ binh Thuộc địa và Bệnh viện Quân sự - những khuôn mẫu cho các doanh trại và bệnh viện.
Paul Doumer viết trong hồi ký: “[Bệnh viện] được xây bằng gạch và sắt, nhẹ nhàng thanh thoát, một số chi tiết được thiết kế hiện đại. […] Bệnh viện có nhiều tòa nhà rộng lớn, những khu vườn rợp bóng xanh, cỏ cây và hoa lá, tạo nên ấn tượng của vẻ đẹp thanh bình, khiến những cơn đau trở nên dễ chịu và cái chết cũng nhẹ nhàng hơn…” (L'Indo-Chine française (souvenirs) (Đông Dương thuộc Pháp (Hồi ức), Paris, 1905, tr.71).

Cựu hoàng Bảo Đại

Ảnh: T.L

Về chuyện vua Bảo Đại từng điều trị tại đây cũng khá thú vị. Được biết, năm 1938, vua Bảo Đại từng được một chiếc máy bay đưa từ Buôn Ma Thuột về Sài Gòn chữa trị tại Bệnh viện Grall, sau một tai nạn đá banh khiến chân trái bị gãy khớp xương trên mắt cá. Báo chí đương thời như Tràng An báo, số 382, 20.12.1938, tr.1; Spokane Daily Chronicle, 14.12.1938, tr.1… có tiết lộ về sự việc này, dù nguyên nhân dẫn đến tai nạn của vua Bảo Đại có khác so với thông tin trong sách hồi ký Con rồng Việt Nam (do Nguyễn Phước Tộc xuất bản, tr.141) của vị cựu hoàng. (Còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.