Vòng xòe kỷ lục Guinness: Cần cẩn trọng về văn hóa

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
13/09/2019 08:00 GMT+7

Sự kiện vòng xòe 5.000 người để lập kỷ lục Guinness dự kiến được tổ chức tại Yên Bái vào ngày 20.9. Tuy nhiên, các nhà văn hóa cho rằng điều này có thể ảnh hưởng tới hồ sơ di sản đang trình UNESCO xét duyệt.

Yên Bái đang trong những ngày chuẩn bị Lễ hội văn hóa, du lịch Mường Lò. UBND tỉnh cho biết lễ hội thường niên này vốn được tỉnh tổ chức nhiều năm qua. Tuy nhiên, năm nay sẽ nâng tầm quy mô và có sự hỗ trợ từ các đơn vị khác. Đặc biệt, trong đó có màn đại xòe 5.000 người (3.500 người dân TX.Nghĩa Lộ, 1.500 người dân H.Văn Chấn). Đều là người dân tại chỗ, nên ban tổ chức không phải lo ăn ở cho họ, mà chỉ có một khoản bồi dưỡng 200.000 đồng/người cho cả đợt.

“Đây là vinh danh xòe Thái”

Ông Dương Văn Tiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, cho biết năm 2013 đã có một kỷ lục quốc gia về vòng xòe lớn. Năm 2020, Yên Bái sẽ bảo vệ hồ sơ trình UNESCO xét duyệt, vinh danh nghệ thuật xòe Thái là di sản phi vật thể đại diện. “Yên Bái là tổ trưởng; Sơn La, Điện Biên, Lai Châu là thành viên làm hồ sơ. Năm nay Yên Bái làm màn đại xòe lớn như vậy, đó là hành động thiết thực để ủng hộ. Đây là vinh danh xòe Thái chứ không chỉ là chuyện đông người. Mà Nghĩa Lộ là quê hương của điệu xòe Thái đen. Sau này, vinh danh thì cũng sẽ tổ chức đón nhận ở Yên Bái”, ông cho biết.
Bà Lê Hải Yến, tổng đạo diễn chương trình, chia sẻ mong muốn xòe Thái sẽ thành dân vũ VN. Bà cũng cho biết người dân rất hào hứng tham gia. Những người tham gia vòng đại xòe sẽ được tặng một chiếc áo in sự kiện, cũng như chứng nhận tham gia của tỉnh.

Trong văn hóa phi vật thể và trong văn hóa nói chung không nên so sánh nhất - nhì, không nên tìm cách thể hiện mình hơn

TS Lê Thị Minh Lý (Giám đốc Trung tâm phát huy và bảo tồn giá trị di sản)

Cảnh báo từ chuyên gia

TS Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm phát huy và bảo tồn giá trị di sản, cho biết tạo vòng xòe cũng là một cách thúc đẩy nhiều người biết đến xòe. Cộng đồng cũng có thể thích hoạt động này vì nó vui vẻ. Tuy nhiên, nó chỉ là một thứ giải trí và không làm cho di sản có ý nghĩa hơn. “Trong văn hóa phi vật thể và trong văn hóa nói chung không nên so sánh nhất - nhì, không nên tìm cách thể hiện mình hơn”, bà nói.
GS Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật, cho biết xòe ngoài những động tác múa còn có một phần lễ. Nó giống như chọi trâu, có cả phần nghi lễ, do đó không nên làm kỷ lục xòe vì lễ xòe khi đó bị đẩy sang giải trí.
Một nhà nghiên cứu giấu tên từng tham gia góp ý nhiều hồ sơ di sản phi vật thể trình UNESCO chia sẻ: “Người ta không khuyến khích sự can thiệp của chính quyền, của nhà nước đối với các sinh hoạt văn hóa của người dân. Đặc biệt là câu chuyện để lập thành tích hay tạo ra những kỷ lục. Ưu tiên của UNESCO là làm sao để sinh hoạt văn hóa đó thực sự là sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, cho cộng đồng và vì cộng đồng”.
Nhà nghiên cứu này phân tích: “Bây giờ tạo ra kỷ lục này hay kỷ lục kia có thể gây ra tâm lý ganh đua trong các cộng đồng, các nhóm liên quan đến xòe Thái”. Điều này nhiều khả năng có thể xảy ra khi đã có người dân tâm tư vì không được tham gia màn đại xòe, hoặc khi vinh danh xòe Thái tại Yên Bái mà các tỉnh còn lại tham gia hồ sơ không được cùng đón nhận. Cũng theo nhà nghiên cứu giấu tên: “Hãy để cho văn hóa của người dân là những hoạt động của cộng đồng, thực sự là sáng kiến của cộng đồng chứ không nên là sáng kiến của nhà nước”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.