'Vong nhập' đòi tiền mặt thì đó không phải là tâm linh

Hoàng Thắng
Hoàng Thắng
29/03/2019 10:04 GMT+7

Thượng tọa Thích Chiếu Tạng, trụ trì chùa Trung Hậu, Phó Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội đã chia sẻ về vấn đề tại sao ngày càng có nhiều người trẻ dễ dàng tin rằng mình bị 'vong theo'.

* Thưa Thượng tọa, tại sao chùa Ba Vàng lại có sức thu hút với số đông, nhất là nhiều bạn trẻ? Tại sao nhiều người có thể dễ dàng tin, dễ dàng sợ hãi?

- Thượng tọa Thích Chiếu Tạng: Ai cũng sợ những điều xấu đến với mình, nhất là những điều không biết mặt biết tên. Nếu chùa Ba Vàng có nói “chị bị oan cừu này ba hôm nữa công an sẽ đến hỏi” thì người ta chưa sợ. Nhưng vong lên nói không biết mặt biết tên thì lại sợ. Vì người ta nhận biết được công an chẳng có chứng cứ gì cả, người ta nhận biết được. Nhưng cái này người ta không biết được, nên khái niệm bị đánh tráo. Lý do thu hút được số đông vì phần nhiều người ta không tin vào chính mình.

[VIDEO] Thượng tọa Thích Chiếu Tạng nói về vụ việc xảy ra tại chùa Ba Vàng

Không tin chính mình là thực tế không chỉ ở Việt Nam. Ở các quốc gia khác cũng có những người có tri thức đi theo tà đạo, có cả tiến sĩ giáo sư. Bởi vì hướng tới cái mới cái lạ, nhưng khi tiếp cận vấn đề đó rồi lại đánh mất niềm tin vào chính mình, nên phải tìm có một cái gì đó làm chỗ dựa tinh thần. Vì thế ngay từ đầu đến với tôn giáo phải đến bằng trí tuệ trước. Trí tuệ này không phải là trí tuệ siêu việt như đạo Phật nhắc tới, mà là sự nhận biết đúng đắn thì đã gọi là trí tuệ rồi.

Quay lại sự việc của chùa Ba Vàng, có một điều là rất dung tục, vong được "thỉnh" lên đều đưa ra hai điều kiện: đó là phải nộp bằng tiền bạc và công quả 30 ngày, 60 ngày... Dung tục là vì sao? Thầy mà đang là công chức của nhà nước mà thầy bỏ nhiệm sở đi công quả 60 ngày quay về chắc cơ quan đuổi việc. Thì thôi tốt nhất là phải thế cái 60 ngày công quả đó bằng tiền. Tại sao các vong có sự sai khiến, tất cả 100 cái vong nó lên đều đặt vấn đề tiền bạc. Tại sao nó không phán gia đình này cúng ở chùa 100 cân gạo để chư tăng nấu cơm nuôi sống thân để tu tập hoặc cúng 50m vải để chư tăng may quần áo hay 10 hộp kem đánh răng mà vong nào lên cũng đặt vấn đề tiền và công quả 30 và 60 ngày thì cái đó là hết sức dung tục. Đó không phải là tâm linh.

Những việc làm ở chùa Ba Vàng là lập tức đem đến sự đau khổ cho người khác. Người ta lập tức mang lấy sự đau khổ: người ta mất tiền, người ta sẽ mang sự lo âu đi hết quãng đường còn lại. Vì lúc nào cũng nghĩ rằng không hiểu đã trả được 36 kiếp, 42 kiếp chưa? Vì nó không có hình tướng, tên tuổi, người ta vẫn còn rất sợ.

Đông đảo người tham gia vào các hoat động của chùa Ba Vàng là giới trẻ Ảnh: Lã Hiếu Nghĩa

* Thượng tọa có thể giải thích thêm giữa tâm linh đi đến tà tín và cuồng tín, đâu là ranh giới?

- Rất dễ bị đánh tráo khái niệm giữa tâm linh và mê tín. Nó như con dao hai lưỡi. Với bất cứ tôn giáo nào thì điều đầu tiên phải đạt đến trí tuệ trước, kế đến mới là niềm tin. Nếu niềm tin đi trước thì dễ bị đánh tráo khái niệm. Nói một cách đời thường: chọn những chùa nào có Phật thì đến.

[VIDEO] Họp báo nóng bỏng về chùa Ba Vàng: Bà Yến bị phạt 5 triệu, không cho tạm trú

* Trạng thái như ai đó nói chuyện với mình, hoặc mình nghe âm thanh lạ, hoặc mình cảm thấy ai đó chi phối mình một cách vô hình mà dân gian hay truyền miệng, "hiện tượng" này cũng được rất nhiều bạn trẻ chia sẻ là hay gặp phải. Điều này đến từ đâu, làm sao để nhận biết và cách để giải quyết vấn đề như thế nào?

- Chúng là do chính tâm ý thức của người đó khởi lên. Có thể do nghe quá nhiều, xem thấy tiếp nhận quá nhiều những âm thanh và hình ảnh như vậy, rồi nó đề khởi lên. Chẳng hạn, tự nhiên khi đang nói chuyện với bạn bè thì nghe tiếng vẳng vẳng ai nói. Đó có thể là do tai bạn đã tiếp nhận những âm thanh ấy trong thời điểm vô thức như giấc ngủ. Nhiều khi xem tivi buổi tối không chịu tắt, để suốt đến đêm. Hay thầy luôn khuyên các bạn trẻ đừng quá lạm dụng công nghệ. Lúc nào cũng nhét tai nghe nghe nhạc. Nhiều khi đi đâu cũng nghe tiếng văng vẳng như thế rất nguy hiểm. Làm sao để khi đối diện xúc cảnh, đừng ghi nhận những cái điều tiêu cực không liên quan đến mình. Đừng mang những hình ảnh, thông tin tiêu cực vào tâm trí mình và mang về nhà.

* Nguyên nhân, biểu hiện và cách "hóa giải" của vấn đề lệch lạc tâm ý thức là gì ạ?

- Ví dụ như là có những người bước vào những nơi thờ tự, đình đền miếu chùa là khóc hu hu lên. Đấy là giai đoạn của lệch lạc tâm thức. Khi mà nó lệch lạc tâm thức như thế, thì nó còn nguy hiểm hơn cả dùng các hóa chất gây kích thích, vì rất khó chữa. Vì tất cả những điều hướng tới sự tò mò, muốn gọi “ông oan gia trái chủ” của mình lên xem là ổng nói gì về mình, rồi cuối cùng sa đà vào. Trong các clip ở chùa Ba Vàng có những cô gái trẻ lăn lộn trên thảm là do lệch lạc về tâm ý thức, mất kiểm soát chứ không phải là do thế lực bên ngoài tác động mà chính bản thân người đó hành động như vậy.

* Lời khuyên của thầy dành cho các bạn trẻ làm sao để trở thành một phật tử có trí?

[VIDEO] Thượng tọa Thích Nhật Từ nói về vụ việc liên quan đến chùa Ba Vàng

- Các phật tử trẻ rất quan tâm đến những điều thuộc về siêu hình hơn những phật tử lớn tuổi nhiều. Vì các phật tử trẻ luôn muốn tìm tòi, khám phá. Không phải riêng giới trẻ mà tất cả các phật tử, mặc dù là phật tử rồi nhưng vẫn chưa buông được việc thích đi những chùa to, hoành tráng. Thầy không đặt vấn đề là không nên xây chùa lớn, nhưng cái chính vẫn là các bạn vẫn thích đi những ngôi chùa nào mà to, những chùa có nhiều kỷ lục. Nhưng đến nơi đó rồi, gặp một rào cản tâm linh nếu mà nói ra lại sợ “oan gia trái chủ” nên không dám đưa ra những chính kiến của mình. Cho nên cứ ngồi suốt trên “con tàu” đó mà không xuống được.

Nhất là các bạn trẻ khi có những vướng mắt với bạn bè, hoặc gia đình lại càng dễ mất niềm tin vào chính mình. Có khi là không bao giờ xem bói, nhưng rơi vào trạng thái có vướng mắc là nghe theo bạn bè rồi đi, rồi dần dần là đi suốt. Thầy phán chỉ tay thế nọ thế kia chỉ có làm cho thức của mình càng ngày càng mờ mịt đi và dễ đến một trạng thái làm cho tâm ý thức lệch thì phát sinh cảm giác như bị “vong ốp”, "vong nhập" do lệch về vấn đề tâm thức. Tương tự như hai xe chạy không khớp với nhau.

Các bạn trẻ bây giờ đang là thế hệ có tri thức. Các bạn đến nơi nào đó phải vận dụng tri thức của mình để nhận biết được nơi này mình có nên đến không? Nếu tiếp cận với đạo phật các bạn trẻ phải tìm đọc những đầu sách có chữ “giảng giải" của các bậc thầy để giúp các bạn hiểu biết ý nghĩa, cái thâm huyền, tính chiết trung mà phật thuyết ý nghĩa nó như thế nào.

[VIDEO] Chỉ mới trong tháng 2.2019, hàng vạn người vẫn dự khai hội chùa Ba Vàng - Video tư liệu

* Thưa Thượng tọa, làm thế nào để sống mà không dễ dàng sợ hãi, để sống hạnh phúc và thành công hơn mà không cần dùng đến các phương tiện "giải nghiệp" từ bên ngoài?

- Công thức rất đơn giản. Không có trăm kinh vạn quyển gì cả. Đơn giản là đừng bao giờ mang sự buồn khổ và không hạnh phúc đến cho người khác. Và cũng đừng mang sự buồn khổ, đau khổ đến cho chính mình.

* Xin cảm ơn Thượng tọa!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.