Vinh danh linh vật Việt

16/10/2015 05:54 GMT+7

Với 17 cặp tác phẩm thuộc 12 cơ sở điêu khắc đá sáng tạo và tham gia triển lãm ngày 13.10 tại Đà Nẵng, Sở VH-TT-DL TP đã trao giải nhì (không có giải nhất) cho 2 cặp tượng lân.

Với 17 cặp tác phẩm thuộc 12 cơ sở điêu khắc đá sáng tạo và tham gia triển lãm ngày 13.10 tại Đà Nẵng, Sở VH-TT-DL TP đã trao giải nhì (không có giải nhất) cho 2 cặp tượng lân.

Chủ cơ sở điêu khắc Tiến Hiếu bên tác phẩm lân và nghê đoạt giải nhì và ba - Ảnh: Nguyễn TúChủ cơ sở điêu khắc Tiến Hiếu bên tác phẩm lân và nghê đoạt giải nhì và ba - Ảnh: Nguyễn Tú
Đó là tác phẩm của cơ sở điêu khắc đá Tiến Hiếu và Phạm Trông. Còn giải ba được trao cho 2 cặp tượng nghê, lân của cơ sở điêu khắc đá Tiến Hiếu và Lai Chi; giải khuyến khích cho 2 cặp tượng lân cơ sở điêu khắc đá Huỳnh Bá Minh và Nguyễn Long Bửu.
Theo ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm (Bộ VH-TT-DL) - thành viên ban giám khảo, những mẫu dự thi không đẹp được như mẫu của nhà điêu khắc Liên Vũ, tuy nhiên về cơ bản các mẫu linh vật Việt này đã đáp ứng được nhu cầu cần mẫu để nghệ nhân tiếp tục sản xuất.
Thông tin cho biết, trong quá trình chế tác để tham gia cuộc thi, làng đá Non Nước cũng đã bán được mấy cặp theo mẫu mới. “Những mẫu mới do nghệ nhân Non Nước làm phần lớn dựa trên mẫu ảnh của Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm cung cấp. Trên cơ sở đó người ta cũng thêm thắt một tí dựa trên những mẫu ấy. Các mẫu chủ yếu là dựa trên mẫu thời Lý Trần. Còn mẫu thời Nguyễn thì ít làm hơn”, ông Thành đánh giá.
Linh vật Việt ở chùa Dâu, Thuận Thành, Bắc Ninh - Ảnh: Nhóm Linh vật Việt
Linh vật Việt ở chùa Dâu, Thuận Thành, Bắc Ninh - Ảnh: Nhóm Linh vật Việt
Theo ông Thành, sau khi Công văn 2662 về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục VN được ban hành, Cục của ông đã in một tập tài liệu hình ảnh các mẫu linh vật truyền thống để phát hành đến tất cả các sở VH-TT-DL.
Điều này đã lấp được các chỗ trống về hình dung linh vật Việt cho các cán bộ văn hóa địa phương. Tuy nhiên, bộ hình ảnh của Cục chỉ là hình ảnh của những linh vật có sẵn, chứ chưa đưa ra một thiết kế chi tiết về linh vật Việt, với những tiêu chuẩn, quy ước rõ ràng, cụ thể.
Không dừng lại ở đó, một số cá nhân và nhóm xã hội cũng tổ chức quảng bá, sản xuất linh vật Việt. “Một kho tư liệu về linh vật cũng đã được mở online, trên trang mạng www.vr3D.vn. Chủ nhân của nó là một người mới mười mấy tuổi, em Nguyễn Trí Quang. Em đã tư liệu hóa bằng hình ảnh 3D rất nhiều linh vật Việt”, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình nói.
Tư liệu của trang này cũng được gom từ nhiều nguồn, từ nhiều người yêu mến mỹ thuật cổ. Ở đó, công chúng có thể xem từng chi tiết của những linh vật “lừng danh” như nghê đá đền vua Đinh, bệ sư tử đá điêu khắc Chăm, sư tử đá đền Bà Tấm. Đó là những mẫu linh vật đẹp nổi tiếng, người nghiên cứu ít khi không biết, nhưng người dân lại không phải ai cũng hay. Những phản hồi của người xem trên trang này phần lớn là cảm phục trước vẻ đẹp của gia tài mỹ thuật truyền thống.
Trên Facebook cũng có những nhóm thường xuyên chia sẻ hình ảnh về linh vật Việt như đình làng Việt, cổ vật và linh vật Việt truyền thống. Những hình ảnh linh vật ở đây do các thành viên nhóm đi điền dã đưa ra, để các thành viên khác cùng thảo luận. Một thành viên của nhóm, nhà điêu khắc Liên Vũ cũng đã “chuyển thể” một mẫu tượng nghê thời Lê. Nguyên bản, đó là mẫu tượng nghê bằng gỗ tại đền thờ vua Lê Thánh Tông, tại Thanh Hóa. Mẫu này sau đó cũng đã được ông Vũ chế tác trên chất liệu thạch cao, rồi chuyển thành bản đồng, đá và đá nhân tạo.
“Nếu muốn làm ra linh vật Việt thì phải dựa trên những mẫu như sư tử Lý, Lê... Những mẫu đã làm rồi cũng đẹp đấy chứ”, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức nhận xét.
Hơn một năm trước, Bộ VH-TT-DL cũng đã thành lập đoàn một đoàn thanh tra của Thanh tra Bộ, 3 đoàn kiểm tra của Cục Di sản tiến hành kiểm tra trên 8 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Bình Định, Phú Yên.
Qua kiểm tra thực tế 35 di tích quốc gia và quốc gia đặc biệt, có 22 di tích sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật lạ (phần lớn là sư tử đá) trái với thuần phong mỹ tục VN. “Ban Quản lý các di tích đã nhất trí với kết luận của đoàn kiểm tra và thống nhất cần thiết phải di chuyển đồ thờ tự, hiện vật vốn không có ở di tích và không phù hợp với đặc trưng di tích ra khỏi khu vực của di tích”, báo cáo Thanh tra Bộ cho biết.
“Theo luật, chúng ta chỉ có thể làm như vậy. Như thế thì các di tích chưa xếp hạng có thể bị tràn lan linh vật ngoại lai”, một chuyên gia di sản nói. Cũng theo chuyên gia này, tốt nhất nên có những tuyên truyền giáo dục để người dân nhận thức rõ thế nào là linh vật Việt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.