Vĩnh biệt Phi Nhung - một tiếng hát vương vấn, một tấm lòng nhân hậu...

Hà Đình Nguyên
Hà Đình Nguyên
28/09/2021 17:23 GMT+7

Có thể nói hầu hết công chúng yêu âm nhạc suốt một tháng qua đều chăm chú theo dõi bệnh tình của ca sĩ Phi Nhung khi cô bị mắc Covid-19 . Ai cũng cầu mong cho cô vượt qua nguy hiểm, thế nhưng định mệnh nghiệt ngã khiến ai nấy ngỡ ngàng...

Thú thật cách đây 20 năm, tôi chỉ biết Phi Nhung là một ca sĩ trẻ có nét “lai Tây” và sở hữu một giọng ca trong trẻo, nên cũng thinh thích, thế thôi! Vậy rồi năm 2013, duyên trời đưa đẩy cho tôi được gặp nhạc sĩ Hà Phương (tác giả của những ca khúc Mưa đêm tỉnh nhỏ, Mùa mưa qua mau...) ở TP. Mỹ Tho (Tiền Giang), tôi đã phỏng vấn và viết bài về ông. Sau đó, ông có tặng tôi một đĩa nhạc Tiếng hát Phi Nhung trong đó cô có hát những bài Bông điên điển, Em về miệt thứ... của ông. Vậy là sáng nào, tiếng hát Phi Nhung cũng song hành cùng tôi bên ly cà phê, thậm chí ngay cả lúc đang viết bài. Phải nói là những ca khúc mang âm hưởng dân ca Nam bộ, khi nghe Phi Nhung hát, ta có cảm tưởng như các tác giả đã “đo ni, đóng tấc” để dành độc quyền cho Phi Nhung. Nghe những: Gió bấc, Chuyện làm dâu (Võ Thiện Thanh), Đêm Gành Hào nhớ điệu Hoài lang (Vũ Đức Sao Biển), Bà Năm (Võ Quốc Việt), Trách ai vô tình (Nhật Ngân), Chiều qua phà Hậu Giang (Trịnh Lâm Ngân), Phải lòng con gái Bến Tre (Phan Ni Tấn)... nghe sao mà da diết, thấm vào tận sâu cùng.
Trong những năm cuối của thế kỷ 20, ở hải ngoại nổi lên một hiện tượng khá kỳ thú, đó là những ca sĩ có ngoại hình rất Tây mà lại hát nhạc Việt khiến công chúng gốc Việt hết sức thích thú, đó là 2 nữ ca sĩ Dalena và Phi Nhung. Với Dalena, dù sao cô cũng là một người ngoại quốc “chính hiệu” nên khi hát lời Việt, phát âm vẫn còn lơ lớ. Còn với Phi Nhung, tuy khuôn mặt có nét Tây nhưng nhìn kỹ thì cô Việt Nam 100%: vóc người nhỏ nhắn, thanh thoát, khuôn mặt sáng bừng sân khấu, nụ cười duyên dáng và quyến rũ, phát âm bằng tiếng mẹ đẻ và hát bằng một tâm hồn Việt Nam - đôi khi còn hơn cả người Việt, bởi ít ai biết nhạc sĩ Trương Quang Tuấn đã cảm xúc từ chính hoàn cảnh đáng thương của Phi Nhung (11 tuổi, mẹ qua đời vì tai nạn giao thông, bố dượng bỏ đi lấy vợ khác, Phi Nhung phải bỏ học làm thợ may để nuôi 5 đứa em cùng mẹ khác cha...) để ông viết nên ca khúc Nhớ mẹ lý mồ côi mà Phi Nhung vừa khóc vừa hát như rút ruột: "Phương xa cha nào có hay, mà chiều nay con giỗ mẹ nơi này...”.

Ngọn đèn trên tay Phi Nhung cũng đã tắt từ ngày 28.9.2021...

Ảnh: NSCC

Thành danh từ tuổi thơ cơ cực

Phi Nhung sinh năm 1970 tại Pleiku (Gia Lai). Thời chiến tranh, Pleiku là “thành phố của lính”, cho nên mẹ cô - một thiếu nữ Pleiku "má đỏ môi hồng” đã run rủi gặp một người lính viễn chinh và sinh ra Phạm Phi Nhung (cô lấy họ mẹ), và cuộc đời đầy bất trắc của cô bé mang hai dòng máu Việt - Mỹ bắt đầu từ đấy. Cô lớn lên không biết mặt cha, đi học thì mặc cảm vì bị bạn bè chọc ghẹo bởi ngoại hình của cô không giống bất cứ ai trong lớp. 11 tuổi thì mẹ qua đời. Sau khi bố dượng bỏ đi lấy vợ khác, cô bé Phi Nhung dắt 5 đứa em về Gia Lai nương náu với ông bà ngoại. Rồi cô xin đi may, kiếm tiền nuôi đàn em... Những tháng ngày cặm cụi bên chiếc máy may, “người bạn” giúp cô quên đi nỗi buồn thân phận chính là chiếc radio một băng nho nhỏ. Cô canh giờ để mở những chương trình ca nhạc, hoặc những vở cải lương nổi tiếng. Có những bài hát, nhưng đoạn cải lương cô nghe hoài đến thuộc lòng, rồi hát theo. Ai nghe cũng tấm tắc: “Con nhỏ này ca hay quá!”.

Nhìn lại cuộc đời nhiều nước mắt hơn tiếng cười của ca sĩ Phi Nhung

17 tuổi, Phi Nhung được một người bà con bảo lãnh sang Mỹ. Cuộc đời cô bé mồ côi bỗng rẽ một bước ngoặt, sang trang khi một lần đi chùa cô gặp được ca sĩ Trizzie Phương Trinh. Thấy được khả năng ca hát của Phi Nhung, Trizzie đã hết lòng giúp đỡ khi giới thiệu cô với các trung tâm hoạt động ca nhạc và theo lời khuyên của Trizzie, Phi Nhung đã chuyển đến California vào năm 1993 để thuận tiên trong việc phát triển năng khiếu và trở thành ca sĩ chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, đường đời không phải lúc nào cũng rắc đầy hoa hồng, đã có nhiều lần cô gửi bản ghi âm đến các trung tâm ca nhạc và bị từ chối, cho đến khi tổ nghiệp nhìn thấu nỗi đoạn trường và cho cô vụt sáng qua màn song ca Sông quê với ca sĩ đàn anh Thái Châu trong một chương trình. Từ đó, Phi Nhung trở thành một trong những tên tuổi “hot” hàng đầu ở hải ngoại. Không chỉ thành công trên con đường ca hát, Phi Nhung còn thử sức ở hàng loạt vai diễn hài, các vai diễn truyền hình, điện ảnh, cải lương, kịch nói... Bằng nỗ lực miệt mài tập luyện, vượt lên chính mình, Phi Nhung đã được giao nhiều vai chính và gây được ấn tượng trong lòng khán giả.
Trong hơn 20 năm đam mê với nghề, phải nói là Phi Nhung đã đạt được những vinh quang, bù đắp lại những tháng ngày thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần nhưng khi đứng trước công chúng, cô một mực khiêm tốn. Cô từng phát biểu khi nhận Giải Mai Vàng lần thứ 23 -2017 của báo Người Lao Động cho hạng mục “Ca sĩ hát ca khúc âm hưởng dân ca hay nhất”, rằng: “Đáng lẽ chiếc cúp này nằm ở nhà Cẩm Ly. Mỗi lần tới nhà Cẩm Ly trông thấy rất nhiều cúp thưởng, Phi Nhung chỉ ao ước có được một chiếc cúp trong số đó thôi... Vậy nhưng rồi, sự chờ đợi đến 10 năm rồi, hôm nay Phi Nhung mới chạm tay vào điều mơ ước”. Nghe thấy vừa mừng, vừa chạnh lòng!

Tình duyên buồn hơn bài hát Trái mồng tơi...

Thành công rực rỡ trên lĩnh vực nghệ thuật nhưng tình duyên của nữ ca sĩ lại khá long đong. Phi Nhung khá khép kín chuyện tình cảm của mình, chỉ biết rằng cô có một con gái ruột tên Wendy Phạm. Chuyện tình của Phi Nhung chắc hẳn còn buồn hơn bài hát Trái mồng tơi (Vinh Sử - Cô Phượng) mà cô vẫn hay hát...
Năm 2005, Phi Nhung chính thức trở về Việt Nam, trở thành ca sĩ độc quyền của Trung tâm băng đĩa Rạng Đông. Ngoài đam mê ca hát, cống hiến hết mình cho nghệ thuật, Phi Nhung còn mở lòng ra với những hoàn cảnh côi cút, khó khăn. Nhạc sĩ Hà Phương kể: “Năm 2009, gia đình sa sút, tôi rời bỏ Mỹ Tho về quê vợ, một xã xa xôi hẻo lánh thuộc tỉnh Bến Tre. Vậy mà ca sĩ Phi Nhung từ Mỹ về, lặn lội gặp tôi để nói lời cám ơn, vì cô cũng đã nổi tiếng qua bài Bông điên điển. Đây chính là niềm động viên ấm áp cho những nghệ sĩ sáng tác như chúng tôi”.
Còn với những trẻ mồ côi, chính hoàn cảnh của mình ngày xưa đã khiến cô dễ đồng cảm với những mảnh đời bất hạnh. Thế là cô đón nhận chúng về nuôi nấng, dạy dỗ... Nhìn Phi Nhung trong bộ áo lam của nhà Phật quấn quýt bên đàn con nuôi cũng phục sức như mẹ, ai cũng xúc động – cho nên nhiều người gọi cô là “bà mẹ đông con nhất showbiz Việt” (Phi Nhung có khoảng 23 người con nuôi).

Ê kíp tiết lộ về 40 ngày điều trị của Phi Nhung và đoạn clip xúc động trước nhập viện

Riêng với tôi, cô ca sĩ đáng mến này cũng để lại trong lòng tôi những kỷ niệm xốn xang, bởi cô không chỉ gây ấn tượng sâu sắc ở dòng nhạc âm hưởng dân ca Nam Bộ mà Phi Nhung còn hát nhạc trữ tình rất thành công, như: Con gái của mẹ (Giao Tiên), Nén hương yêu (Duy Khánh), Mùa sầu riêng (Hoàng Trang)... Mẹ của tôi lúc còn tại thế rất thích hát bài Chiều lên bản thượng (Lê Dinh) cho nên mỗi lần Phi Nhung hát Chiều lên bản thượng trên tivi hoặc trên YouTube thì đám con cháu cứ nhao nhao “Bài hát của bà nội kìa !”. Bạn thân của tôi - nhà báo Trần Thanh Bình mỗi lần thấy như vậy cũng nói: “Phi Nhung hát bài của Mệ kìa anh!”. Thật lạ, cái giọng hát hầu như chỉ để hát nhạc buồn ấy như bỗng thoát xác: nó lảnh lót, sôi động theo những động tác nhún nhảy của cô làm tất cả những gì chung quanh cô - kể cả con tim người nghe đều phải chung chao...
Phi Nhung à, em là một ca sĩ dịu dàng, giản dị nhưng đầy ắp tình yêu thương. Sự ra đi của em để lại sự hụt hẫng trong tâm hồn của những người yêu nhạc Việt nhưng hình ảnh khả ái và tiếng hát của em sẽ luôn in đậm trong lòng mọi người.
Vĩnh biệt Phi Nhung - một tiếng hát vương vấn, một nhan sắc thanh tú và một tấm lòng nhân hậu...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.