Vĩnh biệt NSƯT Thanh Sang

22/04/2017 05:27 GMT+7

NSƯT Thanh Sang nhập viện từ ngày 4.4 và bắt đầu hôn mê sâu. Đến 0 giờ 25 ngày 21.4, ông trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng, hưởng thọ 75 tuổi.

Thanh Sang xuất thân nghèo khó, nhờ tài năng cải lương mà vươn lên đỉnh cao, được đông đảo khán giả ái mộ. Ông tên thật là Nguyễn Văn Thu, sinh năm 1943 tại Phước Hải, Bà Rịa-Vũng Tàu. Mồ côi cha, gia đình rất nghèo, ông phải bươn chải lo cho mẹ và em.
Năm 1960, ông theo gánh cải lương Ngọc Kiều, lấy nghệ danh Thanh Sang và dần tỏa sáng rực rỡ trên bầu trời cải lương miền Nam.
Vai diễn để đời
Có thể nói, Thanh Sang để lại ấn tượng mạnh mẽ nhất, sâu sắc nhất trong lòng công chúng là khi ông đóng cùng NSƯT Thanh Nga, làm nên đôi bạn diễn huyền thoại trên sân khấu cải lương. Chính Thanh Sang cũng từng nói: “Tôi đóng với nhiều cô đào, nhưng nói thật, chỉ với Thanh Nga thì tôi mới ăn ý nhất, hiểu nhau trong từng chi tiết mà có khi không cần phải dùng lời để nói”.
Tiếng trống Mê Linh công diễn lần đầu năm 1977, là một vở diễn để đời, và Thanh Sang - Thanh Nga có vai diễn để đời Thi Sách - Trưng Trắc. Cả hai cùng uy nghi trong vai trò lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống nhà Hán xâm lược, thậm chí lúc Thi Sách lên giàn hỏa thì ông vẫn không hề nao núng. Thanh Sang đã cất một câu vọng cổ đến nao lòng. Giọng ca trầm buồn ấy xoáy vào lòng người xem một cuộc chia ly anh dũng. Giọng Thanh Sang buồn lắm, cái buồn thấm đẫm tự nhiên bởi tuổi thơ mồ côi, cơ cực. Cái buồn đẫm cả vào đôi mắt, vào vai nào cũng thấy xa xăm…
Vĩnh biệt NSƯT Thanh Sang1
NSƯT Thanh Sang vai Trần Minh trong vở Bên cầu dệt lụa Ảnh: H.K
Rồi Trần Minh của Thanh Sang trong Bên cầu dệt lụa, đã làm cô tiểu thư Quỳnh Nga rung động, cũng được thể hiện theo một cách riêng. Người xem cảm nhận trong lớp áo cơ hàn có một sự kiên định lẫn nỗi buồn diệu vợi dễ làm người ta xao xuyến. Đó là hai vai diễn đẹp nhất đời ông, diễn cùng với Thanh Nga. Có thể kể thêm Thập đạo tướng quân Lê Hoàn trong vở Thái hậu Dương Vân Nga. NSƯT Thanh Nga lại sánh vai cùng ông trên con đường giữ nước...


Nghĩa trang Hoa viên Bình Dương quyết định tặng phần đất chôn NSƯT Thanh Sang trị giá 100 triệu đồng. Nghĩa trang này có rất nhiều mộ của các nghệ sĩ danh tiếng như nhạc sĩ Phạm Duy, đạo diễn Huỳnh Phúc Điền, soạn giả Nhị Kiều, nhà văn Sơn Nam, đạo diễn Lê Dân, nhà thơ Kiên Giang... Nơi này còn có một con đường mang tên Nghệ Sĩ.

Dốc hết lòng hết sức với nghề
Những vai diễn nổi tiếng khác của Thanh Sang có thể kể đến như Lục Vân Tiên (vở Kiều Nguyệt Nga), Đảnh (Tần nương thất), Lê Long Hồ (Tuyệt tình ca), An Lộc Sơn (Dương Quý Phi), nhà vua (Đường gươm Nguyên Bá), Tô Điền (Tiếng hạc trong trăng)... đã chứng minh người nghệ sĩ nghèo được các giám khảo giải Thanh Tâm năm 1964 lựa chọn quả là xứng đáng.
Năm ấy Thanh Sang đóng vai Kim Mao sư vương Tạ Tốn trong vở Cô gái Đồ Long - vai lão đầu tiên trong đời khi ông mới 21 tuổi. Ông nói: “Ban đầu tôi buồn lắm vì mình trẻ như vậy mà bắt mình đóng vai già, coi như “đì” mình rồi. Nhưng soạn giả Hà Triều thủ thỉ với tôi: Em cứ nhận vai đi. Anh tin là em sẽ thành công rực rỡ. Hà Triều lúc ấy là soạn giả nổi tiếng cùng với Hoa Phượng, nên tôi nghe lời anh, nguôi nguôi trong bụng và tập tuồng nhiệt tình. Không ngờ được giải Thanh Tâm. Tôi tri ơn anh Hà Triều lắm. Cho nên tôi hay nói với các bạn trẻ đừng có chê vai nào hết, mình cứ dốc hết lòng hết sức để diễn, biết đâu tổ nghiệp dành cho mình một cơ hội vàng mà mình không biết”.
Rèn nghề bằng sách
Nhiều lần đến nhà Thanh Sang, tôi thấy ông mê mẩn với sách. Ông có những cuốn tiểu thuyết dày cộp từ thời bao cấp giấy vàng khè, thô ráp. Ông nói đọc sách là một trong những cách rèn nghề, giúp cho mình phân tích tâm lý nhân vật sâu hơn. Và đọc sách còn là thú vui của ông để khỏa lấp nỗi cô đơn khi ít đi diễn.
Sau này, lớn tuổi, mắt yếu, ông ít đọc thì xem truyền hình nhiều hơn. Ông nói: “Dù không đi diễn thì cũng phải rèn nghề. Xem người ta diễn cũng là cách giữ lửa cho mình. Tôi không bao giờ nói hai chữ “bỏ nghề”. Tổ nghiệp sẽ phạt”. Và thực sự ông vẫn xuất hiện. Khán giả có lần đã đứng tim vì ông diễn một lúc 4 trích đoạn, giọng ca tuyệt vời cất lên là khán phòng vỡ òa tiếng vỗ tay nhưng vừa bước vô hậu trường là ông khuỵu xuống. Thế là từ đó ông nghỉ luôn một thời gian rất lâu. Tuy vậy ông vẫn định làm một live show mini vào năm 75 tuổi. Tiếc là chưa kịp bắt đầu thì ông đã ra đi...
Tang lễ nghệ sĩ Thanh Sang được cử hành tại nhà riêng ở quận Thủ Đức. Lễ viếng bắt đầu từ 10 giờ ngày 21.4, lễ truy điệu lúc 7 giờ 15 ngày 25.4, an táng tại nghĩa trang Bình Dương.
“Không ai thay thế được”
Tin Thanh Sang ra đi khiến nhiều nghệ sĩ xúc động. NSND Ngọc Giàu kể hồi đó Thanh Sang đóng vai Tạ Tốn trong tuồng Cô gái Đồ Long thì bà đóng vai Triệu Minh. “Tôi nhỏ tuổi hơn ảnh một chút. Ảnh tuy bề ngoài tưởng khó nhưng thực sự dễ thương và ngay thẳng lắm. Rồi sau đó có đi thu băng đĩa chung với nhau nhiều tuồng, cũng thân thiết lắm. Thanh Sang đúng là một tài năng. Đặc biệt cái giọng trầm của ảnh nghe xao xuyến vô cùng”, NSND Ngọc Giàu nhớ lại.
Còn NSƯT Minh Vương cho biết ông và Thanh Sang không hát chung đoàn nhưng có thu băng đĩa chung, gặp nhau cũng thường xuyên. “Vở Đường gươm Nguyên Bá tôi đóng thượng tướng Nguyên Bá, anh Sang đóng nhà vua, chúng tôi rất thích vở này vì nội dung ý nghĩa sâu sắc. Có lần một nhà tổ chức định dựng lại vở, tôi thì đóng được rồi nhưng lo anh Sang không biết có sức để đóng cả tuồng hay không. Mà trừ ảnh ra thì tôi không nghĩ được ai sẽ thay thế ảnh đóng vai nhà vua, vì chất giọng uy nghiêm quá đẹp. Nhưng chưa kịp dựng tuồng thì ảnh đã ra đi...”, Minh Vương xúc động.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.