Vĩnh biệt NSND Thanh Tòng

23/09/2016 06:07 GMT+7

NSND Thanh Tòng, cây đại thụ của nghệ thuật cải lương tuồng cổ đã ra đi vĩnh viễn vào 10 giờ ngày 22.9 sau thời gian bệnh nặng, hưởng thọ 68 tuổi.

Thanh Tòng sinh năm 1948 tại Sài Gòn, trong một gia đình truyền thống sân khấu. Bắt đầu là ông nội bầu Thắng lừng lẫy miền Nam, sau đó tới người cha là bầu gánh hát cải lương Minh Tơ, sáng lập ra nhóm Đồng ấu Minh Tơ đào tạo các em thiếu nhi nối nghiệp cải lương, trong đó có Thanh Tòng.
Mới 3 tuổi, Thanh Tòng đã lên sân khấu biểu diễn, vai con của Hoàng Phi Hổ. 6 tuổi, ông đóng trong vở San Hậu. 10 tuổi, đóng vai Lữ Bố trong đoàn Đồng ấu Minh Tơ. Không chỉ học ca hát, Thanh Tòng còn được người cha quan tâm bắt học đủ thứ như đàn cổ, tân nhạc, nhảy thiết hài... và bắt đóng tất cả các loại vai từ văn, võ, trung, nịnh, độc, mùi, lão, thậm chí giả gái... để thành một nghệ sĩ đa năng. Cho nên báo chí hồi ấy gọi Thanh Tòng là “thần đồng sân khấu”, như dự báo một tương lai rực rỡ.
20 tuổi, Thanh Tòng đã từ vị trí diễn viên bước sang vai trò đạo diễn và tác giả kịch bản. Ông viết Võ Tòng sát tẩu, Phạm Lãi Tây Thi, rồi dựng Bao Công vô lò gạch (xử án Quách Hòe) gây ấn tượng rất tốt. Ông trưởng thành dần lên với thời vàng son của cải lương hồ quảng, tạo ra nhiều tên tuổi ăn khách. Thanh Tòng còn lập riêng một gánh hồ quảng mang tên mình, hát hằng tuần trên Đài truyền hình Sài Gòn cho đến năm 1975 mới ngưng.
Sau 30.4.1975, Thanh Tòng rơi vào một bi kịch mà nhiều lần ông định tự tử do quá trầm uất. Cải lương hồ quảng bị cho là lai căng, không được hát, ông đi bán bánh mì nuôi gia đình và chia sẻ chút ít cho những nghệ sĩ nghèo ở đình Cầu Quan (TP.HCM). Ông phải thức đêm thức hôm viết kịch bản cho tuồng sử Việt để thay thế sử Tàu. Nhưng khổ thay, khán giả “chê”, vé không bán được. Thanh Tòng lại rơi vào trầm uất nhưng không đầu hàng. Một lần nữa, ông đã Việt hóa các giai điệu nhạc và vũ đạo hồ quảng, đưa thêm hát bội vào, sử dụng luôn các điệu lý dân gian, các bài bản cải lương truyền thống... Thế là khán giả chấp nhận. Hàng loạt kịch bản của ông đã gây tiếng vang trên sân khấu như: Câu thơ yên ngựa, Bão táp Nguyên Phong, Má hồng soi kiếm bạc, Ngọn lửa Thăng Long, Tô Hiến Thành xử án, Bức ngôn đồ Đại Việt... hiện nay vẫn được các thí sinh lấy trích đoạn để tham gia các cuộc thi Trần Hữu Trang, Chuông vàng vọng cổ... Ông để lại một hậu duệ nổi tiếng là NSƯT Quế Trân, cô đào đẹp của cải lương, đồng thời là một MC ăn khách của sân khấu.
Thanh Tòng từng nhận rất nhiều giải thưởng: đoạt 4 huy chương vàng, 6 huy chương bạc trong các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, 3 lần đoạt giải Mai vàng... Năm 2007, Thanh Tòng được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Ông là thầy của nhiều nghệ sĩ cải lương như: Kim Tử Long, Thoại Mỹ, Tú Sương...
Tang lễ NSND Thanh Tòng cử hành tại tư gia, lễ viếng bắt đầu từ 21 giờ ngày 22.9 tại số 12 đường 26 khu dân cư Him Lam, Trung Sơn, xã Bình Hưng, H.Bình Chánh, TP.HCM. Lễ động quan vào 6 giờ 15 ngày 24.9, sau đó linh cữu được đưa đi an táng tại hoa viên nghĩa trang Gò Đen, Long An.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.