Vĩnh biệt nhạc sĩ Phạm Duy

28/01/2013 05:00 GMT+7

Nhạc sĩ Phạm Duy đã ra đi vào lúc 14 giờ 30 hôm qua 27.1. Chúng ta cũng biết rằng sự ra đi của một người ở vào lứa tuổi ngoài 90 không phải là đường đột, nhưng tôi vẫn nuối tiếc.

Những nhạc sĩ lớn của chúng ta đã lần lượt ra đi, Văn Cao, Trịnh Công Sơn và hôm nay Phạm Duy. Mới cách đây ít hôm, chúng ta vừa nhận tin nhạc sĩ Hoàng Hiệp mất. Tôi là người yêu âm nhạc Việt Nam, mặc dù mỗi bản nhạc hay của ngoại quốc như ABBA, Bob Dylan, BoneyM… cũng chưa bao giờ cho tôi sự xúc động mãnh liệt như những bài tình ca, kháng chiến ca do các nhạc sĩ Việt Nam viết. Có lẽ tôi thuộc loại người bảo thủ.

 Nhà báo Nguyễn Công Khế và nhạc sĩ Phạm Duy - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Nhà báo Nguyễn Công Khế và nhạc sĩ Phạm Duy - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Lần Duyên Dáng Việt Nam trình diễn ở Anh, một nhà báo hỏi tôi yêu âm nhạc nước nào nhất, tôi không ngần ngại nói rằng tôi yêu âm nhạc Việt Nam và các nhạc sĩ Việt Nam. Vì nhạc cùng ngôn ngữ, cùng dòng chảy qua các thăng trầm của lịch sử mà tôi từng chứng kiến hoặc đọc qua những trang sử của đất nước.

Những năm nhạc Phạm Duy chưa được phổ biến, khi tôi nghe lại từ các bạn bè những bài Làng tôi, Quê nghèo, Tình hoài hương, Tình ca, Việt Nam Việt Nam có lúc lãng mạn, có lúc hùng tráng…, lòng tôi lại rung lên, thơ thẩn bởi những giai điệu đó. Khi tiếp xúc với ông (ở Mỹ và cả Việt Nam) trước khi ông trở về sống và tiếp tục viết trong những năm tháng cuối đời, tôi là người nhiệt tình ủng hộ; mặc dù tôi biết không phải ai trong chúng ta cũng dễ có sự đồng cảm này. Chiến tranh, hòa bình, chia ly, hội ngộ là những ký ức khó phai mờ cho cả những người Việt Nam ở bên này hoặc bên kia cuộc chiến. Trước khi về Việt Nam, ông có nhờ tôi: “Anh nói giúp tôi với các vị lãnh đạo bên nhà suốt cuộc chiến tranh tôi mang trên vai 6-7 đứa con mà tôi nuôi chúng nó bằng chính nhạc của mình, nên có lúc tôi cũng rất khốn khó, nhưng chưa bao giờ có ai đó bảo được tôi phải làm một việc gì đó không có lợi cho đất nước”.

Khi tôi sắp xếp để nguyên Thủ tướng tiếp ông và gia đình tại Văn phòng 2 Chính phủ trên đường Lê Duẩn, bữa cơm đó tôi đãi hai người bạn già một bữa ăn Nhật được mang vào từ bên ngoài, bữa cơm thật vui vẻ và thoải mái mà nhạc sĩ Phạm Duy không ngờ. Hai bên gặp nhau thân mật như không có một ranh giới nào, như không có một cuộc chiến tranh nào vừa đi qua giữa hai người bạn già. Ban đầu nhạc sĩ gọi là thủ tướng, nhưng sau đó cuộc nói chuyện đã trở thành anh Sáu và anh Duy. Hai người lại kể về những vùng đất đã đi qua. Những Bà mẹ Gio linh, những “Giặc về ta đánh, giặc tràn ruộng xanh, đời nghèo mong manh, đừng chia rẽ đôi đứa mình” lại trở về trong bữa cơm trưa hôm đó.

Tôi chắc chắn tôi là người rất yêu nhạc của ông, tuy không phải là tất cả; phần lớn là những bản kháng chiến ca, những bài tình ca thời kháng Pháp và cả sau này tôi từng rất thích. Ông viết thư cho tôi lúc đang còn ở Mỹ nói ông khao khát được trở về để sống và viết trên quê hương trong quãng đời còn lại ngắn ngủi của mình. Tôi đã từng chuyển lời của ông lại với ông Nguyễn Khoa Điềm, với Thủ tướng Phan Văn Khải và anh Phạm Quang Nghị. Tôi thấy tất cả những vị quan chức trên gần như đều đồng tình với ý nguyện của ông. Trong buổi gặp chú Sáu Dân, ông đã dắt cả Duy Cường, Duy Minh, Duy Quang đến cùng ăn cơm. Ông khoe với chú Sáu, Duy Cường là người phối nhạc rất hay, Duy Quang vừa viết nhạc vừa hát, Duy Minh cũng là một nhạc sĩ. 

Ngày Duy Quang mất, tôi đã đến thăm tại nhà riêng ở đường Lê Đại Hành, quận 11. Ông nói với tôi rằng khi có ai đó báo tin về Duy Quang đã mất, ông đã tự tay cúp điện thoại. Tôi nghĩ rằng ông ra đi sớm hơn cũng do vì quá thương Duy Quang. Tôi rất quý ở ông một người cha rất thương các con mình, khi mới qua Mỹ ông đã từng lái taxi để kiếm sống, lúc đó gia đình chưa đoàn tụ với ông. Ông nói với tôi rằng lúc đó thực sự ông rất muốn tự vẫn.

Những bài hát của ông cho tôi biết ông cũng có rất nhiều trăn trở về đất nước và cũng nhiều khắc khoải như lời bài hát của ông khóc cười theo vận nước nổi trôi.

Có những giai đoạn người ta sống thế này thế khác, có những năm tháng chiến tranh, phân ly giằng xé trong từng con người dân Việt. Nhưng từ trong sâu thẳm tâm hồn của các nhạc sĩ Việt Nam đều nặng lòng với đất nước nên các nhạc sĩ mới tặng cho chúng ta những dòng nhạc để đời như thế. Phạm Duy cũng nằm trong trường hợp đó. Tiếc rằng những năm trở về quê nhà quá ngắn. Tuy nhiên tôi biết ông cũng tiếp tục viết rất nhiều tác phẩm mới mà ông từng nung nấu.

Ông đã ra đi. Và không ai phủ nhận ông đã để lại một gia sản âm nhạc to lớn cho đời.

Vĩnh biệt nhạc sĩ Phạm Duy.

Phạm Duy, sinh năm 1921 tại Hà Nội, tên thật là Phạm Duy Cẩn. Ông là con trai út của nhà văn - nhà báo quốc ngữ tiên phong Phạm Duy Tốn, nhưng mới lên 2 tuổi thì bố mất. Cuộc đời hoạt động nghệ thuật của Phạm Duy bắt đầu lúc ông 17 tuổi (1938), khi gia nhập gánh cải lương Đức Huy - Charlot Miều đi lưu diễn từ bắc chí nam. Lúc ấy, Phạm Duy là ca sĩ. Bản nhạc đầu tay của Phạm Duy được biết đến là Cô hái mơ (phổ thơ Nguyễn Bính, 1942). Gia tài của ông đến nay có hơn 1.000 bài hát. Sau một thời gian định cư ở Mỹ, ông và gia đình đã về Việt Nam sống từ năm 2005.

Nhạc sĩ Phạm Duy mất do tuổi cao sức yếu vào ngày 27.1.2013. Linh cữu nhạc sĩ quàn tại tư gia số 349/126 Lê Đại Hành, Q.11 (TP.HCM).

Nguyễn Công Khế

>> Nhà báo Nguyễn Công Khế: Anh Phạm Duy đã ra đi mãn nguyện
>> Nhạc sĩ Phạm Duy đã “nghìn trùng xa cách”
>> Nhạc sĩ Phạm Duy qua đời
>> Đêm nhạc tri ân nhạc sĩ Phạm Duy
>> Ý Lan nức nở hát nhạc Phạm Duy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.