Vĩnh biệt nhà văn, nhà thơ Nguyễn Phan Hách

22/04/2019 09:35 GMT+7

Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết, nhà thơ, nhà văn Nguyễn Phan Hách đã qua đời vào lúc 15 giờ ngày 21.4 tại Hà Nội, hưởng thọ 78 tuổi.

Nhà thơ, nhà văn Nguyễn Phan Hách ra đi sau một thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư.

Nhà thơ, nhà văn Nguyễn Phan Hách (tên thật là Nguyễn Xuân Hách) sinh năm 1942 tại làng Mão Điền, huyện Thuận Thảnh, tỉnh Bắc Ninh. Lúc sinh thời, ông từng chia sẻ, vì "cảm nắng" cô học trò họ Phan, nên ông đã lấy bút danh là Nguyễn Phan Hách. 

Sau khi tốt nghiệp sư phạm, ông đi dạy học ở huyện miền núi Lục Nam (nay thuộc Bắc Giang). Một thời gian sau, ông về Ty Văn hóa Hà Bắc làm cán bộ sưu tầm nghiên cứu văn hóa dân gian, rồi chuyển về làm biên tập thơ ở tuần báo Văn Nghệ. Đến năm 1977, ông làm cán bộ biên tập, rồi sau đó giữ vị trí Giám đốc tại Nhà xuất bản (NXB) Hội Nhà văn. Thời gian sau này, ông đảm nhận vị trí Tổng biên tập NXB Dân Trí.

Nhà văn, nhà thơ Nguyễn Phan Hách sáng tác thơ văn từ sớm. Truyện ngắn đầu tiên của ông được in trên báo Văn nghệ vào năm 1958 khi ông mới là cậu học sinh lớp 5. Một ngày thu năm 1978, Nguyễn Phan Hách gặp nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo và đưa cho ông bài thơ Làng quan họ của mình. Khi đọc bài thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo như thấy những câu hát vang lên trong đầu mình, ông ngồi xuống viết mà quên cả ăn cơm.

Bài hát Làng quan họ quê tôi phổ thơ Nguyễn Phan Hách, do Nguyễn Trọng Tạo phổ nhạc đã ra đời vào tháng 9.1978, đã trở thành ca khúc nổi tiếng. Khoảng 10 năm sau, bài thơ Hoa sữa của Nguyễn Phan Hách được nhạc sĩ Thể Duy phổ nhạc lấy tên Mối tình đầu cũng trở thành ca khúc được đông đảo khán giả yêu thích.

Mặc dù sáng tác thơ nhiều, nhưng nhà văn, nhà thơ Nguyễn Phan Hách nói, tiểu thuyết mới là sự nghiệp của ông. Những tác phẩm tiểu thuyết của ông có thể kể đến Tan mây, Mê cung, Người đàn bà buồn, Cuồng phong.

Ông là thành viên của Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1978. Ông đã nhận giải thưởng do Tuần báo Văn nghệ tổ chức thi các năm 1969 và 1974, giải thưởng dành cho truyện rất ngắn của tạp chí Thế giới mới năm 1994.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.