Vĩnh biệt nhà Kiều học Lê Xuân Lít

06/03/2015 14:00 GMT+7

(TNO) Ông Lê Xuân Lít sinh ngày 26.3.1936 tại xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Ông nội ông là nhà cách mạng Lê Khiết, Án sát tỉnh Quảng Nam, về sau treo ấn từ quan, theo phong trào Duy Tân của cụ Phan Châu Trinh, trở thành một trong những nhà lãnh đạo của phong trào Duy Tân, đến năm 1908 bị Pháp bắt và bị xử chém.

(TNO) Ông Lê Xuân Lít sinh ngày 26.3.1936 tại xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Ông nội ông là nhà cách mạng Lê Khiết, Án sát tỉnh Quảng Nam, về sau treo ấn từ quan, theo phong trào Duy Tân của cụ Phan Châu Trinh, trở thành một trong những nhà lãnh đạo của phong trào Duy Tân, đến năm 1908 bị Pháp bắt và bị xử chém.

Vĩnh biệt nhà Kiều học Lê Xuân LítNhà nghiên cứu Lê Xuân Lít và tài liệu về truyện Kiều sưu tầm trong nhiều năm
Cha ông là nhà nho yêu nước Lê Tiềm, vốn là tri huyện, cũng treo ấn từ quan về nhà dạy học.
Thừa hưởng truyền thống yêu nước của gia đình, năm 1954, ông tập kết ra Bắc, được cử đi học Khoa Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội và tham gia giảng dạy văn học ở nhiều trường cấp 3 và trường bồi dưỡng giáo viên.
Trong suốt cuộc đời giảng dạy nghiên cứu của mình, ông đã biên soạn hàng chục đầu sách như “Nghĩ về thơ Hồ Xuân Hương”, “Góp phần nghiên cứu Nhật ký trong tù” (viết chung với giáo sư Lê Trí Viễn), “Dạy và học thơ ca dân gian”… Nhưng đặc biệt nhất là mảng nghiên cứu Truyện Kiều.
Đầu tiên là cuốn “Tìm hiểu từ ngữ Truyện Kiều” in năm 2001, góp phần làm sáng tỏ thêm hàng ngàn từ ngữ khó hiểu trong Truyện Kiều, làm cho việc đọc Truyện Kiều thêm phần thú vị. Thí dụ ông làm sáng tỏ từ “Trăng” và từ “Nguyệt”, khi nào cụ Nguyễn Du dùng “trăng” (38 lần dùng) và khi nào dùng “Nguyệt” (9 lần dùng)… trong các câu Kiều như “Sớm đào tối mận lân la. Trước còn trăng gió sau ra đá vàng”, “Khi khóe hạnh, khi nét ngài. Khi ngâm ngợi nguyệt khi cười cợt hoa”…
Vĩnh biệt nhà Kiều học Lê Xuân Lít 2Những cuốn sách được xuất bản dưới tên tác giả Lê Xuân Lít
Sau cuốn sách này, ông viết thêm cuốn “Từ Kim Vân Kiều Truyện đến Truyện Kiều”, so sánh và làm rõ 2 bản Kim Vân Kiều Truyện của Thanh tâm Tài Nhân và Truyện Kiều của Nguyễn Du, chỗ nào thì cụ Nguyễn Du sáng tạo, chỗ nào thì cụ mượn từ sách gốc của Trung Hoa… Cuốn sách này cũng giúp các nhà nghiên cứu về sau rất nhiều trong việc đánh giá giá trị của Truyện Kiều.
Trong loạt sách nghiên cứu về Truyện Kiều còn có thêm các cuốn như “Vương Thúy Kiều chú giải”, “Dạy và học Truyện Kiều những điều cần bàn”, “Truyện Kiều cho học sinh tiểu học, trung học và đại học”, “200 năm nghiên cứu và bàn luận Truyện Kiều”.
Ngoài việc viết sách, ông còn thể hiện việc say mê Truyện Kiều và tôn kính cụ Nguyễn Du bằng nhiều hình thức khác. Từ hàng chục năm nay, cứ tới ngày 16.9 là ông làm đám giỗ cụ Nguyễn Du ngay tại nhà, mời một số bạn văn cũng như những người yêu Truyện Kiều đến dự.
Đặc biệt, khoảng năm 2010, ông cùng với nhiều nhà nghiên cứu Truyện Kiều khác đứng ra vận động thành lập Hội Kiều Học. Cho đến ngày 14.7.2011, Bộ Nội vụ đã ra Quyết định cho phép thành lập Hội khoa học nghiên cứu Truyện Kiều Việt Nam, trong đó ông tham gia với vai trò Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký hội.
Vào lúc 5 giờ sáng 6.3.2015, ông đã trút hơi thở cuối cùng tại tư gia ở Gò Vấp, TP.HCM sau một thời gian lâm trọng bệnh, hưởng thọ 80 tuổi. Ông ra đi để lại nhiều thương tiếc cho gia đình, bạn bè và nhưng người yêu mến Truyện Kiều.
Thi hài ông được quàn tại tư gia, động quan vào lúc 7 giờ sáng thứ 2 ngày 9.3.2015, sau đó đưa đi an táng tại Nghĩa trang Củ Chi, TP.HCM.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.