Vĩnh biệt nghệ sĩ lớn của âm nhạc đương đại Việt Nam

Ngọc An
Ngọc An
23/07/2020 06:22 GMT+7

Vũ Nhật Tân ( ảnh ) không phải là một cái tên quá nổi tiếng với đại đa số công chúng, bởi con đường ông chọn là âm nhạc đương đại, thể nghiệm - thể loại âm nhạc vẫn còn nhiều khó khăn để phát triển tại Việt Nam.

Nhưng trong giới âm nhạc, Vũ Nhật Tân được nhìn nhận là một nhà soạn nhạc tài năng, một nghệ sĩ tận hiến, một trong những nghệ sĩ tiên phong của âm nhạc đương đại, thể nghiệm tại Việt Nam.
“Chúng ta đã mất đi người nghệ sĩ lớn”, nhạc trưởng Nhật Bản Honna Tetsuji viết lời tiếc thương.
Nhạc sĩ Vũ Nhật Tân sinh ngày 8.8.1970, tại Hà Nội, trong gia đình có truyền thống âm nhạc. Cha ông là nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống PGS-TS Vũ Nhật Thăng. Năm 1980, ông học piano tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Từ năm 1981 - 1995, ông học sáng tác và nghiên cứu âm nhạc với GS Trần Trọng Hùng và lấy bằng cử nhân âm nhạc tại Nhạc viện Hà Nội. Từ năm 2000 - 2001, ông học soạn nhạc điện tử tại Đại học Âm nhạc Staatlich Hochschule fuer Musik (Cologne, Đức). Năm 2002, ông theo học sáng tác và nghiên cứu âm nhạc dân tộc học với GS Chinary Ung tại Đại học Tổng hợp San Diego UCSD (California, Mỹ), do Hội đồng Văn hóa châu Á (ACC New York) tài trợ.
Vũ Nhật Tân là người đồng sáng lập nhóm Nhạc đương đại Hà Nội - nhóm nhạc thính phòng đương đại chuyên nghiệp đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2015. Ông cũng là người điều hành Đông Kinh Cổ Nhạc - nhóm gồm các nghệ nhân, nghệ sĩ, nhạc sĩ và những người yêu văn hóa truyền thống Việt Nam.
Ngoài biểu diễn, sáng tác, sản xuất âm nhạc, Vũ Nhật Tân còn là tổ trưởng bộ môn sáng tác, Khoa Sáng tác - chỉ huy - âm nhạc học, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Cuối tháng 12 năm ngoái, người viết có dịp trò chuyện với nghệ sĩ, Vũ Nhật Tân vẫn còn đó trăn trở về những thế hệ kế tiếp làm sao để số lượng học viên theo chuyên ngành sáng tác tăng lên, và âm nhạc đương đại, thể nghiệm Việt Nam sẽ được chú ý hơn.
Nhạc sĩ Vũ Nhật Tân đã qua đời vào tối 21.7, tại Bệnh viện Ung bướu (Hà Nội), sau một thời gian chiến đấu với bạo bệnh. Âm nhạc Việt Nam mất đi một tài năng đang dồi dào năng lượng sáng tạo, nhưng, như nhà nghiên cứu âm nhạc Trần Quang Hải đã chia sẻ: “Những đóng góp tuyệt vời của anh cho âm nhạc Việt Nam và thế giới sẽ không bao giờ bị lãng quên”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.