Việt kiều làm phim: Lắm trắc trở

29/03/2006 10:21 GMT+7

Khi Nhà nước cho phép lập hãng phim tư nhân, nhiều nghệ sĩ Việt kiều đổ về góp "luồng gió mới" cho điện ảnh. Nhưng, con đường "về nguồn" còn lắm thác nhiều ghềnh.

Khi vừng mở cửa!

Sau nhiều năm xa quê, nghe tin "mở cửa", đạo diễn Lê Hoàng Hoa đã 70 tuổi, bay về Việt Nam làm thử một bộ phim ngắn mang tên Một nửa phía bên kia với sự tham gia của người mẫu Anh Thư. Đây là bước thăm dò thị trường nước nhà, ông đang thể nghiệm mọi việc để chuẩn bị làm lại bộ phim Con ma nhà họ Hứa, một tác phẩm ăn khách một thời trước năm 1975 với sự góp mặt của các diễn viên Nguyễn Chánh Tín, Lê Khanh, Thúy Hằng...

Hãng phim Lý Huỳnh ra mắt báo chí trong một ngày hội tưng bừng. Ông thông báo sẽ làm một bộ phim hình sự với sự có mặt của ngôi sao Trung Quốc Triệu Vy. Hãng phim Thu Tạo cũng lên dự án sẽ mời một hoặc hai ngôi sao Hàn Quốc thứ thiệt tham gia phim, vì theo họ đây là những yếu tố hàng đầu để thu hút khách. Sự kiện chấn động hơn là việc hãng phim Á Mỹ của diễn viên Nguyễn Anh Nhượng Tống tuyên bố: "Sẽ có tới hai diễn viên Hàn Quốc trong bộ phim sắp tới!". Hãng phim Việt của Lê Cung Bắc cũng tuyên bố sẽ mời Nguyễn Cao Kỳ Duyên về Việt Nam tham gia trong một bộ phim nhựa của hãng. Đạo diễn Lê Dân cũng không ngần ngại bắn tiếng mời diễn viên nổi tiếng một thời Kiều Chinh về nước tham gia đóng phim. Phước Sang chủ trì một buổi họp mặt giao lưu do tạp chí Điện ảnh kịch trường tổ chức giữa báo giới với ngôi sao Hàn Quốc Su Ji Sup giao lưu cùng với Trương Ngọc Ánh, Quyền Linh, Chi Bảo như một dấu hiệu ngầm báo động: "Phim tôi cũng có ngôi sao ngoại quốc"...

Lớp trẻ về nguồn

Tuy biết trước sẽ gặp khó khăn khi làm phim ở Việt Nam nhưng một số nghệ sĩ Việt kiều vẫn "kiên gan" quyết chí. Theo họ, không đâu bằng quê hương mình. Nơi đây có nhiều câu chuyện hay, bối cảnh đẹp và hạnh phúc nhất là được làm một cái gì đó cho quê hương. Nguyễn Võ Nghiêm Minh cảm được cái sâu sắc của Hương rừng Cà Mau, chấp nhận lặn lội gần 3 năm trời ở miền sông nước để làm ra Mùa len trâu đoạt nhiều giải thưởng uy tín trên thế giới.

Đáng mừng hơn là giới trẻ Việt kiều đã về nguồn với điện ảnh nước nhà. Vương Quang Hùng, tốt nghiệp từ trường Australia Film, về Việt Nam cùng với đạo diễn trẻ Lý Khắc Linh thực hiện bộ phim Thập tự hoa nói về một câu chuyện tình đầy thơ mộng của nàng họa sĩ và anh tràng tài sĩ tài hoa. Đạo diễn Ringo Le tốt nghiệp khoa đạo diễn Trường ĐH Điện ảnh California loại ưu, cùng cha mẹ về Việt Nam để thực hiện bộ phim Sài Gòn tình ca do chính anh viết kịch bản. Đây là một câu chuyện tình lãng mạn, mang dáng vẻ cổ điển đậm chất văn hóa người Việt Nam được thể hiện bằng phương pháp hiện đại với hình thức kể chuyện bằng phim ca nhạc, có nhiều sắc thái trẻ trung bắt kịp thị hiếu của giới trẻ ngày nay.

Đạo diễn Lưu Huỳnh, từng thành công trong bộ phim Em và Michael ở thập niên 1990, nay "tái xuất giang hồ" thực hiện bộ phim Áo lụa Hà Đông với câu chuyện về cuộc đời lam lũ của vợ chồng anh gù cùng bốn đứa con trên mảnh đất khắc nghiệt với những cơn lũ kinh hoàng, mà kinh phí đầu tư lên tới gần một triệu đô la. Nguyễn Nghiêm Đặng Tuấn, tốt nghiệp cao học nghệ thuật California, cùng hai cộng sự là biên kịch Phương Khanh và họa sĩ thiết kế Thu Hương đều đang du học ở Mỹ và Úc quyết tâm làm bộ phim 1735 km cho giới trẻ. Phim đã tạo dấu ấn về những khung hình đẹp những cảnh sắc Việt Nam suốt chiều dài đất nước.

Hai đạo diễn Đoàn Minh Phượng và Đoàn Thành Nghĩa nhiều năm lặn lội khắp các tỉnh phía Bắc làm phim Hạt mưa rơi bao lâu nói về bi kịch định kiến xã hội với những phụ nữ có hoang thai. Nét đặc sắc của bộ phim là đưa được giai điệu ca trù và những khung hình tuyệt đẹp của thiên nhiên Bắc Bộ vào phim. Mới đây, Jonny Trí Nguyễn, một cascadeur tầm cỡ của Holywood, đã cùng với chú ruột là NSƯT Nguyễn Chánh Tín lập hãng phim Chánh Phương, sản xuất phim Dòng máu anh hùng với kinh phí đầu tư khoảng 800 ngàn đô la. Không chỉ lớn vốn, Jonny Trí Nguyễn đang vận dụng những kỹ thuật, hiệu ứng kỹ xảo Hollywood cho phim Việt. Hy vọng rằng anh sẽ mở ra một sức hút mới cho thể loại phim hành động Việt Nam.

Việt kiều làm phim có gì khác? Họ đa phần là những người được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, có vốn đầu tư cao. NSƯT Việt Anh cho biết: "Về giờ giấc, họ cực kỳ chính xác. Họ rất tôn trọng diễn viên, lương bổng trả đúng hẹn theo hợp đồng...". Từ làn sóng này, các gương mặt trẻ lần lượt khẳng định được tay nghề như quay phim K'Linh trong phim 1735 km, Lâm Lâm Triết trong phim Sài Gòn tình ca... Nhiều diễn viên cũng có dịp thể hiện khả năng như Yến Ngọc, Khánh Trình, Hứa Vĩ Văn, Ngô Thanh Vân, Ngân Hà...

Khó khăn vẫn còn đó!

Song tất cả các "đợt sóng" ngoại trên đề gặp khó khăn. Đến nay, một số dự án chỉ nằm trong dự tính bởi rất nhiều lý do. Người thì nói Nhà nước chưa cho phép Việt kiều đứng tên lập hãng phim nên chưa thể danh chính ngôn thuận đầu tư một cách an toàn. Trường hợp điển hình là hãng phim Việt của Lê Cung Bắc (do một Việt kiều bỏ vốn đầu tư) sau phim Bẫy tình thì hầu như đã không còn hoạt động, bỏ lại phía sau biết bao dự án.

Có người lại bảo: "Họ chỉ giật tin cho xôm tụ thôi, làm gì có ngôi sao ngoại!". Thực tế không loại trừ trường hợp có những nhà đầu tư dỏm, nhưng phải thừa nhận đa số người "về nguồn" ít nhiều có tâm huyết. Tuy nhiên, cơ chế kinh doanh hiện nay còn lắm trắc trở, ngay với nhà đầu tư trong nước. Nghệ sĩ Lý Huỳnh phân tích: "Cơ chế làm phim ở nước ta rất khắc nghiệt, chỉ cần tính nhẩm là đủ thấy từ chết tới bị thương. Nhà sản xuất bỏ vốn làm phim, chịu tiền thuế 10%, tiền quảng cáo 30%. Đó là chưa tính những thứ phát sinh... Nhưng khi phim chiếu phải ăn chia với chủ rạp 50/50. Phương án mời ngôi sao ngoại đâu có khó gì, trước đây tôi từng hợp tác các bộ phim Cảnh sát đặc khu, Hồng hải tặc. Trong phim Kế hoạch 99 có mời cả ngôi sao Mạc Thiếu Thông và Lê Tư nữa, giá mỗi người cả trăm ngàn đô la. Giá cao nhưng nếu biết tính toán đàng hoàng, cơ chế quản lý phù hợp thì nhà sản xuất vẫn "có ăn", chứ cơ chế như hiện nay nhiều người bỏ cuộc cũng là lẽ thường tình". Thực tế cho thấy dù sức trẻ nhiệt tình và tâm huyết nhưng do không nắm bắt được thị hiếu của khán giả, sự phức tạp của thị trường nên hãng phim Kỳ Đồng đã gần như  im hơi lặng tiếng sau vụ thất thu khá nặng của phim 1735 km.

Sài Gòn tình ca của Ringo Le được chọn chiếu khai mạc tại LHP Châu Á - Thái Bình Dương. Từ tiếng vang bộ phim này, anh được một hãng phim lớn của Hollywood (CBS Studio Diretor Initiative) mời làm việc. Nhưng trước đó anh phải gặp biết bao sóng gió từ khâu duyệt kịch bản, đến vụ xì-căng-đan của Yến Vy... Đau nhất là phim chưa ra mắt khán giả đã bị báo chí trong nước phê bình vô tội vạ khiến phim làm xong đã lâu nhưng vẫn trùm mền chờ...

Làn sóng về nguồn góp phần tạo nên diện mạo mới cho điện ảnh. Thế nhưng con đường hội nhập của họ còn lắm truân chuyên. Cần lắm một cách nhìn cởi mở, một hành lang pháp lý rõ ràng để thu hút những tiềm năng về tài chính, kinh nghiệm, kỹ thuật của Việt kiều! Trước hết là nhà nước cần có quy định công nhận, bảo hộ quyền đầu tư vào điện ảnh của Việt kiều và cả người nước ngoài. Cần có quy định công bằng, rõ ràng về phương thức, tiêu chí kiểm duyệt từ kịch bản đến bộ phim thành phẩm.

Các cơ quan chức năng cần xác lập cơ chế phân chia thu nhập hợp lý giữa nhà sản xuất và rạp chiếu hay các kênh phát sóng, giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư.

Theo Minh Phạm/Báo Pháp luật TP.HCM

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.