Viết cho chính trái tim mình...

Nguyên Vân
Nguyên Vân
16/07/2020 06:00 GMT+7

Sáng 15.7, đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng Thanh niên xung phong VN (15.7.1950 - 15.7.2020), lễ trao giải Cuộc vận động sáng tác ca khúc 70 năm - sáng mãi ngọn lửa thanh niên xung phong đã diễn ra tại tòa soạn Báo Thanh Niên.

Tham dự chương trình có ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) VN, nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn; ông Bùi Quang Huy, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên VN; ông Đặng Mạnh Trung, Trưởng cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư tại TP.HCM; ông Lê Văn Hòa, Chánh văn phòng T.Ư Hội Cựu TNXP VN; ông Nguyễn Hồng Hải, Trưởng ban TNXP T.Ư Đoàn, Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP T.Ư... cùng các cựu TNXP, các bạn trẻ đang công tác tại lực lượng TNXP TP.HCM và các tác giả đoạt giải.

Ông Vũ Trọng Kim (phải) trao giải A cho nhạc sĩ An Hiếu

Ảnh: Độc Lập

Ông Bùi Quang Huy (phải) trao giải B cho nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái

Ảnh: Độc Lập

Tác phẩm mới có giá trị giáo dục truyền thống

Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng TNXP VN, Báo Thanh Niên và Ban TNXP T.Ư Đoàn dự kiến triển khai tổ chức trại sáng tác và phát động Cuộc vận động sáng tác ca khúc 70 năm - sáng mãi ngọn lửa TNXP. Tuy nhiên, “do dịch Covid-19 bùng phát sau Tết Nguyên đán, xã hội giãn cách, nên kế hoạch trại sáng tác không thể thực hiện được. Ban tổ chức chỉ phát động cuộc vận động sáng tác ca khúc, diễn ra từ 14.5 - 25.6.2020”, nhà báo Nguyễn Quang Thông, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, đại diện ban tổ chức, cho biết.

Tốp ca Học viện Nghệ thuật Queen Art biểu diễn ca khúc Sáng mái ngọn lửa thanh niên xung phong của tác giả An Hiếu và ca khúc Thanh niên xung phong - khúc hành ca mới của tác giả Nguyễn Duy Khoái 

Ảnh: Độc Lập

“Tôi nghĩ rất nhiều về những người TNXP, nhất là trong thời kỳ đầu của chiến cuộc, và những ngày xây dựng kinh tế mới. Tôi tự hỏi điều gì đã thôi thúc họ - những người trẻ - sẵn sàng dâng hiến, đánh đổi tất cả, thậm chí là sinh mạng? Và tôi tìm ra đáp án, đó là lý tưởng, nhiệt huyết, là tình yêu từ trái tim, tiếng vang từ ngực trái. Tôi đã bắt đầu bài hát của mình như thế... Tôi chỉ muốn hát về những người thật sự ở một thời khắc lịch sử đầy biến động, mà “hành trang trên vai giản đơn chỉ là nhiệt huyết”. Xin được cảm ơn những thế hệ TNXP!”

Nhạc sĩ Võ Hoài Phúc

Con số 167 tác phẩm nhận được trong thời gian ngắn lần này đã cho thấy sự tri ân, niềm tự hào, cảm xúc trân quý của các tác giả đối với sự hy sinh, cống hiến của các thế hệ TNXP VN trong đấu tranh vì độc lập tự do của dân tộc, cũng như những đóng góp lớn lao trong quá trình bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Trong số các tác giả dự thi, không ít người từng tham gia lực lượng TNXP hay có người thân, đồng đội đã ngã xuống. Có thể kể đến tác giả có ca khúc đoạt giải là ông Nguyễn Thế Kinh, cựu TNXP - Đại đội 356-N35 của tỉnh Hà Nam. Bài hát ông viết Hồi ức về những con đường, là “để nhớ lại một thời hào hùng của lớp lớp TNXP căng tràn nhiệt huyết đã xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, nối những tuyến đường từ hậu phương ra tiền tuyến thời kỳ 1965 -1972, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.
 

Ông Lê Văn Hòa (trái) trao giải C cho nhạc sĩ Võ Công Diên

Ảnh: Độc Lập

Ông Nguyễn Hồng Hải (bìa phải) trao các giải khuyến khích

Ảnh: Độc Lập

Theo nhận định của hội đồng giám khảo (nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung, nhạc sĩ Phạm Đăng Khương cùng đại diện Ban TNXP T.Ư Đoàn, đại diện Báo Thanh Niên), phần lớn các tác phẩm gửi về đều được tác giả chăm chút đầu tư, nhất là phần hòa âm phối khí, thu thanh. 16 tác phẩm vào chung khảo được hội đồng giám khảo đánh giá cao, có thể sử dụng trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật về chủ đề TNXP, cũng như có thể trở thành những tác phẩm mới có giá trị trong việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Trong khuôn khổ cuộc vận động, BTC đã mời một số nhạc sĩ từng gắn bó với các hoạt động phong trào tham gia hưởng ứng. Một trong các tác phẩm hưởng ứng được chọn để trao biểu trưng và tặng phẩm là ca khúc Tiếng vang từ ngực trái của nhạc sĩ Võ Hoài Phúc.

Ca sĩ Huỳnh Lợi và nhòm bè hát Ơn nhớ các em vì nước của tác giả Đào Sơn

Ca sĩ Lâm Quang Huy biểu diễn bài Hồi ức về những con đường của tác giả Nguyễn Thế Kinh

Ảnh: Độc Lập

Dòng máu tuổi trẻ luôn chảy trong người nghệ sĩ

Là gương mặt nữ duy nhất trong 8 tác giả đoạt giải, tác giả Đậu Hoài Thanh cho biết: “Những bông hoa huyền thoại xuất phát từ một bài thơ tôi viết năm 2019 sau khi về thắp hương tri ân nhân ngày Thương binh - liệt sĩ tại Ngã ba Đồng Lộc. Tôi có ước nguyện sẽ sáng tác ca khúc về các o nên bài thơ tôi đã đặt tên Các o không về, rồi chia sẻ trên Facebook. Sau đó rất nhiều bạn bè động viên tôi phổ nhạc bài thơ”. Chị chia sẻ: “Hình ảnh 10 cô gái TNXP ở Ngã ba Đồng Lộc đã hiến trọn thân mình cho non sông đất nước cứ ăn sâu vào cảm xúc khi tôi cầm bút. Và Những bông hoa huyền thoại ra đời như một khúc hoài niệm đầy sự ngưỡng mộ và biết ơn những người anh hùng đã để lại cho quê hương đất nước sự bình yên vĩnh cửu. Tác phẩm cũng chính là nỗi niềm của tôi với tư cách là một nghệ sĩ, người lính, người con trên quê hương Hà Tĩnh. Cho nên tôi không đặt vấn đề viết cho phong trào mà viết cho chính trái tim mình mà thôi...”.

Ca sĩ Hạnh Nguyên trình diễn ca khúc Mười bông hoa thầm lặng của tác giả Võ Công Diên

Ảnh: Độc Lập

Kết quả Cuộc vận động sáng tác ca khúc 70 năm - sáng mãi ngọn lửa TNXP

Giải A: Sáng mãi ngọn lửa thanh niên xung phong (An Hiếu)
Giải B: Thanh niên xung phong - khúc hành ca mới (Nguyễn Duy Khoái)
Giải C: Mười bông hoa thầm lặng (nhạc Võ Công Diên, thơ: OH-Minh Huyền)
5 giải khuyến khích: Em thanh xuân Trường Sơn (Vũ Trang), Những bông hoa huyền thoại (Đậu Hoài Thanh), Ký ức thanh niên xung phong (Xuân Oánh), Ơn nhớ các em vì nước (Đào Sơn), Hồi ức về những con đường (Nguyễn Thế Kinh).

Ca sĩ Mạnh Cường với Em thanh xuân Trường Sơn của tác giả Vũ Trang

Ảnh: Độc Lập

Trong khi đó, với tác giả Nguyễn Duy Khoái - người đoạt nhiều giải thưởng của các cuộc thi, cuộc vận động do T.Ư Đoàn, Báo Thanh Niên tổ chức, thì: “TNXP là đề tài cho tôi nhiều kỷ niệm, nhiều hồi ức, cảm xúc... Tôi bắt đầu sáng tác và trưởng thành từ phong trào đấu tranh của sinh viên - học sinh miền Nam trong Tổng đoàn Học sinh Đà Nẵng. Sau ngày thống nhất, tôi hoạt động Đoàn - Hội tại địa phương, tham gia các phong trào tình nguyện, đi đến các công - nông trường tham gia lao động cùng thanh niên và sáng tác...”. Cũng gắn bó với phong trào Đoàn - Hội từ thời còn đi học cũng như khi làm giáo viên, nhạc sĩ An Hiếu cho rằng đến tận bây giờ, anh luôn có những tác phẩm cho thanh niên, giới trẻ mà nếu bản thân không bước ra từ sự năng nổ, nhiệt tình trong những hoạt động đó thì những ca từ, lời hát sẽ không gần gũi và chân thực như vậy. Với anh, “khi sáng tác hay dàn dựng những chương trình dành cho thanh niên, người trẻ, tôi thu được nhiều giá trị tinh thần vì đối với tôi, người sáng tác, người nghệ sĩ luôn cần sự năng động, cần có dòng máu tuổi trẻ luôn chảy trong mình. Dù mình có bao nhiêu tuổi đi nữa vẫn cần sự tươi mới trong âm nhạc”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.