Viết bằng cảm xúc chân thật nhất

13/11/2016 09:27 GMT+7

Hãy để các tác giả trẻ tự do viết bằng cảm xúc chân thật nhất, bằng hơi thở của nhịp đập thời đại, bằng tất cả sự ngây ngô và dại khờ lớn cùng năm tháng, bằng trách nhiệm của những người công dân...

Những mong mỏi trên của các nhà văn, tác giả trẻ có thành công nhất định trong sự nghiệp, đưa ra tại tọa đàm Văn học trẻ TP.HCM - Một cái nhìn do CLB Văn học nghệ thuật khoa Văn học - Ngôn ngữ Trường ĐH KHXH-NV - ĐH Quốc gia TP.HCM và Ban Văn trẻ Hội Nhà văn TP.HCM phối hợp tổ chức ngày 12.11, tại Trường ĐH KHXH-NV. Đây cũng là tọa đàm đầu tiên về văn học trẻ TP.HCM, được giới chuyên ngành và các nhà phê bình đặc biệt quan tâm.
Theo nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, Phó chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, tác phẩm phong phú của các tác giả trẻ TP.HCM hiện nay phù hợp với nhiều thể loại độc giả; nói được tiếng nói của thế hệ mình, thể hiện được những băn khoăn về cuộc sống, về xã hội, mang được hơi thở của cuộc sống đương đại. Nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh cũng nhận xét: “Người viết trẻ không quên quá khứ đâu, nhưng họ thể hiện bằng cách nhìn của họ. Chúng ta không nên lo người trẻ không thể viết được những tác phẩm có tầm”.
Trong khi đó, TS văn học Bùi Thanh Truyền nhận định, trái với văn học 7X của TP.HCM có một đội ngũ rất hùng hậu như Nguyễn Danh Lam, Phan Hồn Nhiên, Trần Nhã Thụy, Vũ Đình Giang..., thế hệ viết văn hiện nay dưới 35 tuổi chỉ có bề nổi, thiếu lắng sâu trong tác phẩm. Ông Truyền cho rằng các nhà văn trẻ hiện nay đến với văn học như một cuộc chơi, yêu rất nhanh và chia tay cũng rất nhanh. Còn nhà thơ Phan Hoàng, Phó chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, đặt vấn đề làm sao để văn học trẻ xuất hiện nhiều tác phẩm vừa có giá trị cao vừa có tính thị trường.
Trước kỳ vọng của các nhà văn tiền bối, các nhà lý luận phê bình, không ít nhà văn, nhà thơ trẻ đã lên tiếng giải thích về đặc trưng sáng tác của thế hệ mình. Theo nhà văn Anh Khang, tác phẩm của văn học trẻ hiện nay cần thể hiện được hơi thở và sức sống của thế hệ trẻ. Những nhà văn trẻ tiếp cận nhanh với độc giả trẻ bằng mạng xã hội, qua Facebook, Blog... nên thường bị các thế hệ nhà văn đi trước cho rằng đó là các tác phẩm kém giá trị. Vì vậy, không ít người viết trẻ không dám thừa nhận danh xưng “nhà văn” để tránh bị áp lực khi cầm bút. “Xin đừng đặt “sứ mệnh” lên các nhà văn trẻ. Điều lạc quan và tích cực nhất của các tác giả trẻ thực hiện được đó là góp phần vực dậy và nâng cao văn hóa đọc, thể hiện được qua những số liệu phát hành thời gian qua”, Anh Khang nói.
Nhà thơ Nguyễn Phong Việt cũng thừa nhận áp lực của người viết khi đã thành danh, bởi khi viết tới cuốn thứ 3, thứ 4, độc giả sẽ có sự so sánh với những tác phẩm đầu. Nhà thơ khẳng định: “Khi viết xong một tác phẩm, tác giả phải thấy hay trước đã thì nhà phát hành mới thấy hay. Tôi tin rằng những người trẻ như tôi đều trân trọng cảm xúc, và qua thời gian, có thể tôi sẽ viết những đề tài khác mang tính triết lý, chứ không phải viết về tình yêu... Tất cả đều cần thời gian, càng lớn chúng ta càng bình tĩnh, càng bồi đắp nhân cách theo thời gian”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.